Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ mắc bệnh phổi ngày càng gia tăng mạnh mẽ do những biến đổi của khí hậu, ô nhiễm môi trường và phong cách sống. Đã có nhiều biện pháp tiên tiến được áp dụng nhưng đây vẫn là bệnh lý gây nhiều thách thức cho ngành y tế trong việc chữa trị cho người bệnh. Báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS.BS. Nguyễn Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng, chuyên gia bệnh hô hấp về những thắc mắc liên quan đến vấn đề này.
TS.BS. Nguyễn Thanh Hồi
Phóng viên: Xin TS. cho biết thực trạng mắc bệnh lý phổi ở nước ta và trên thế giới hiện nay như thế nào? Nguyên nhân gì dẫn đến tình trạng này?
TS.BS. Nguyễn Thanh Hồi: Bệnh lý tại phổi như viêm phổi, lao phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… rất thường gặp trong cộng đồng và số người mắc ngày càng gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Cụ thể đối với một số bệnh như sau:
Bệnh viêm phổi: Ở nước ta, tỷ lệ mắc viêm phổi trong cộng đồng ước tính khoảng 12% trong các bệnh lý đường hô hấp. Theo nghiên cứu tại Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân viêm phổi phải nhập viện chiếm 9,5%. Nghĩa là cứ 100 bệnh nhân phải nhập viện do các bệnh về đường hô hấp thì có 10 bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm phổi. Ở các nước khác, tỷ lệ mắc bệnh cũng khá cao, chẳng hạn như ở Mỹ, có khoảng 3-4 triệu bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi mỗi năm, ở Nhật Bản thì viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong thứ 4.
Bệnh hen phế quản: Hiện trên thế giới có khoảng 300 triệu người bị bệnh hen phế quản và có thể sẽ tăng lên 400 triệu người vào năm 2025. Theo thống kê thực hiện bởi Tổ chức y tế ISAAC (chuyên nghiên cứu hen suyễn và dị ứng ở trẻ em trên toàn cầu) vào năm 2004, có đến 29,1% trẻ em bị hen suyễn, con số thuộc loại cao nhất của châu Á. Ở Việt Nam, tỉ lệ người mắc bệnh hen ở người trưởng thành là 4,1%, tức là cả nước có khoảng 4 triệu người mắc bệnh hen, trong đó mỗi năm có khoảng 3.000-4.000 người chết mỗi năm. Tỷ lệ mắc hen cao nhất ở nhóm người trên 80 tuổi (11,9%), thấp nhất ở nhóm 21-30 tuổi (1,5%), phụ nữ mang thai mắc bệnh chiếm từ 3-8%.
Bệnh lao phổi: Hội nghị Khoa học Bệnh phổi toàn quốc lần thứ VI năm 2015 cho biết trong 10 năm qua, bình quân mỗi năm trên thế giới vẫn có hơn 9 triệu người mắc lao và gần 2 triệu người chết vì bệnh, trong đó 85% số người mắc bệnh lao và 95% số người chết vì lao là người dân ở các nước đang phát triển. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có thêm 1% dân số thế giới bị nhiễm lao (65 triệu người). Nếu không điều trị, tỷ lệ tử vong do bệnh lao có thể cao khoảng 70% trong vòng 10 năm tiếp theo. Việt Nam là quốc gia xếp thứ 12 trong số 22 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới. Năm 2014, toàn quốc đã phát hiện 102.070 bệnh nhân lao các thể, tỷ lệ phát hiện là 111,35/100.000 dân. Nguy cơ nhiễm lao hàng năm ở Việt Nam hiện nay là 1,7%, trong đó ở phía Bắc 1,2%, phía Nam 2,2%, khoảng 44% dân số đã bị nhiễm lao.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Theo Tổ chức y tế thế giới, trong năm 1990, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, gọi tắt là COPD, là nguyên nhân gây tử vong xếp hàng thứ 6 với 2,2 triệu người. Trong năm 2000, có 2,7 triệu người chết vì bệnh. Ước tính mỗi năm khoảng 400 nghìn người tử vong vì COPD ở các nước công nghiệp, 650 nghìn người ở Đông Nam Châu Á, tập trung chủ yếu ở Ấn Độ. Theo dự đoán của WHO, đến năm 2020, bệnh sẽ là nguyên nhân tử vong xếp hàng thứ 3 trên toàn thế giới và là nguyên nhân thứ 5 trong các bệnh gây ra tàn phế. Tùy theo từng nước, tỷ lệ tử vong từ 10-500/100.000 dân với khoảng 6% nam và 2-4% nữ.
Bệnh ung thư phổi: Đây là bệnh lý chiếm tỉ lệ cao nhất ở nam giới kể cả các nước phát triển và đang phát triển (chiếm khoảng 12,4% các loại ung thư). Tỉ lệ mắc bệnh và tử vong tăng cao trong độ tuổi từ 40 đến 75. Tỉ lệ tử vong do ung thư phổi ước tính bằng tổng cộng của 4 loại ung thư đại trực tràng, vú, tiền liệt tuyến và tuỵ. Ở Việt Nam, ước tính cả nước hàng năm có khoảng 6.905 ca ung thư phổi mới mắc. Trong số các trường hợp ung thư phổi nhập viện, 62,5% không còn khả năng phẫu thuật.
Ngoài ra, các nhóm bệnh lý hô hấp do ô nhiễm khói, bụi nghề nghiệp như bụi phổi, xơ phổi…; bệnh lý ác tính của phổi, trung thất, màng phổi; các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp… cũng ngày càng gia tăng.
Thực trạng này là do tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng nghiêm trọng và không được cải thiện. Tính chất ô nhiễm ngày càng phức tạp do sự xuất hiện ngày càng nhiều các ngành, nghề sản xuất sản sinh ra ô nhiễm thải vào môi trường. Tỷ lệ hút thuốc lá, thuốc lào trong nước và trên thế giới không giảm, thậm chí ở nhiều nơi, nhiều khu vực còn thấy số lượng người hút thuốc lá, thuốc lào ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều các chủng vi-rút, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp như vi rút cúm gia cầm H5N1, vi rút cúm lợn H1N1, các chủng cúm H2N3, H7N9…, đặc biệt các chủng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng nhiều, tình trạng kháng thuốc ngày càng nghiêm trọng. Xuất hiện ngày càng nhiều các bệnh lý suy giảm miễn dịch như: các bệnh lý tự miễn dịch, dùng thuốc corticoid kéo dài, dùng thuốc không đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ dẫn đến tần suất mắc các bệnh lý hô hấp ngày càng nhiều, và các bệnh lý cũng ngày càng nặng hơn.
Điều trị bệnh nhân lao phổi theo đúng phác đồ của Chương trình PCLQG.
PV: Trong các bệnh lý phổi, bệnh lý nào nguy hiểm, khó điều trị nhất, thưa TS? Hiện nay đã có phương pháp cận lâm sàng và điều trị tiên tiến nào đang được áp dụng cho người bệnh?
TS.BS. Nguyễn Thanh Hồi: Đánh giá bệnh lý hô hấp nào là nguy hiểm nhất, khó điều trị nhất nhiều khi khó phân định, tuy nhiên, có thể đưa ra một số bệnh lý như sau:
Bệnh lý hô hấp có tỷ lệ mắc cao: Viêm phế quản cấp, viêm phổi. Các bệnh lý này thường ít nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại có tỷ lệ mắc bệnh lớn nên gây ảnh hưởng tới nhiều người.
Bệnh lý hô hấp có tỷ lệ mắc cao, diễn biến kéo dài: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản. Hai bệnh lý này chiếm gần 10% dân số, bệnh không được điều trị khỏi hoàn toàn, do vậy tiêu tốn nhiều chi phí, các bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tiến triển nặng dần, liên tục theo thời gian, do vậy gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức lao động, các sinh hoạt xã hội của bệnh nhân.
Các bệnh lý phổi ác tính: Đây là nỗi ám ảnh, lo sợ cho nhiều bệnh nhân. Nhìn chung, bệnh lý phổi ác tính là nhóm bệnh lý có thời gian sống ngắn nhất so với các bệnh lý ác tính ở các cơ quan khác.
Để người bệnh được nâng cao chất lượng sống cũng như kéo dài tuổi thọ, nhiều tiến bộ trong điều trị bệnh lý hô hấp hiện đang được áp dụng trong điều trị. Cụ thể:
Phát minh ra nhiều thuốc mới trong điều trị bệnh: Thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài, các thuốc corticoid đường hít, thuốc điều trị bệnh xơ nang phổi, thuốc điều trị xơ phổi kẽ, các thuốc kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch mới, các liệu pháp điều trị đích trong ung thư phổi …
Nhiều can thiệp áp dụng trong điều trị bệnh như: Đặt van một chiều trong điều trị giãn phế nang nặng; điện đông cao tần, hoặc đông tương argon trong điều trị các u, sẹo hẹp khí phế quản; đặt giá đỡ khí phế quản…
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong điều trị các bệnh lý hô hấp trong những năm gần đây nhưng vẫn còn rất nhiều điểm được xem là thách thức trong điều trị như sự phức tạp trong các ô nhiễm không khí khiến mô hình bệnh hô hấp luôn có những biến động nhất định, đôi khi khó dự đoán trước. Mức độ kháng thuốc của các chủng vi khuẩn ngày càng nghiêm trọng. Việc ra đời các kháng sinh mới cần nhiều thời gian, do đó, đã xuất hiện nhiều chủng vi khuẩn kháng với tất cả hoặc gần như tất cả các kháng sinh, được gọi là các chủng vi khuẩn siêu kháng thuốc. Bên cạnh đó, các chủng vi-rút biến đổi liên tục, có nguy cơ cao làm xuất hiện thường xuyên các dịch viêm phổi trong cộng đồng lớn dân cư. Hơn nữa, sự giao thương rộng giữa các cộng đồng dân cư và giữa các nước càng dễ gây lan tràn bệnh giữa các vùng, quốc gia.
PV: Vậy TS có thể cho biết những biện pháp cụ thể để phòng ngừa mắc bệnh phổi nói chung và ở từng đối tượng cụ thể như trẻ em, người cao tuổi nói riêng như thế nào?
TS.BS. Nguyễn Thanh Hồi: Có nhiều biện pháp dự phòng bệnh phổi và cũng có nhiều biện pháp mang tính đặc thù cho từng nhóm bệnh. Tuy nhiên, có một số biện pháp có thể áp dụng bao gồm:
Không hút thuốc lá, thuốc lào. Nếu hiện đang hút thuốc thì nên bỏ càng sớm càng tốt. Hít khói thuốc do người khác hút thuốc sau đó phả ra cũng làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh đường hô hấp.
Tránh khói, bụi trong nhà, ngoài nhà và tại nơi làm việc: Luôn giữ cho môi trường sống luôn sạch, khô, thoáng. Tránh lạnh, ẩm: Sống trong môi trường lạnh, ẩm cũng làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp.
Tập thể dục thường xuyên: Nhằm nâng cao sức đề kháng của cơ thể và có chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng.
Nên tiêm vaccin phòng cúm cho các đối tượng: Những bệnh nhân có bệnh mạn tính như: bệnh phổi mạn tính, bệnh ung thư, bệnh tim mạn tính, bệnh thận mạn tính; người trên 65 tuổi; những người có nhiễm trùng hô hấp lặp lại trên 2 lần/ năm.
Trân trọng cảm ơn TS về cuộc trao đổi này!