Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hen phế quản là những bệnh phổi mạn tính. Cả hai căn bệnh này đều cần dùng thuốc điều trị kéo dài, trong đó, việc dùng thuốc ở bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là thường xuyên và kéo dài gần như suốt cuộc đời người bệnh.
Hầu hết các thuốc dùng trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản hiện nay đều được sản xuất ở dạng phun - hít (thuốc xịt, hít, khí dung). Ưu điểm chính của những dạng này là thuốc đến trực tiếp niêm mạc đường thở, do vậy có tác dụng nhanh và tối ưu, trong khi đó, nồng độ thuốc ngấm vào máu thấp do vậy ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, nếu bạn (người bệnh) không dùng đúng cách thì gây lãng phí thuốc mà không mang lại hiệu quả điều trị.
Cần sử dụng bình xịt định liều đúng hướng dẫn.
Trong số các dụng cụ phân phối thuốc hiện đang có mặt trên thị trường, dạng bình xịt định liều với nhiều ưu điểm vượt trội đang được thầy thuốc kê điều trị khá thường xuyên cho bệnh nhân.
Bình xịt định liều (MDI) là thiết bị cầm tay dùng lực đẩy để phân bố thuốc. Bình xịt được chế tạo ở dạng hộp kim loại, chứa thuốc và chất tạo áp lực. Thuốc được chế tạo để mỗi lần xịt có một lượng thuốc nhất định phóng thích ra. Ưu điểm của các thuốc ở dạng bình xịt định liều: dễ mang theo người, khả năng phân phối liều thuốc chính xác, thời gian bảo quản khá lâu, ít nguy cơ nhiễm khuẩn. Thế nhưng, các thuốc ở dạng bình xịt định liều có nhược điểm là để hít được thuốc với liều tối đa cần có sự phối hợp rất chính xác giữa động tác xịt của tay và động tác hít của miệng. Nếu tay đã xịt mà miệng chưa kịp hít hoặc miệng hít mà tay chưa xịt thì đều gây lãng phí thuốc, mà lại không mang lại hiệu quả điều trị cần thiết.
Các bước dùng thuốc
Để dùng đúng dạng thuốc này, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những bước sau:
Bước 1: Lắc đều bình thuốc bằng cách giữ bình thuốc thẳng đứng, đáy ở trên, miệng hộp thuốc ở dưới, lắc nhẹ bình thuốc 4 - 5 lần. Việc lắc đều bình thuốc trước khi xịt giúp thuốc được trộn đều, hoạt động của chất tạo áp lực đẩy đạt tối đa.
Bước 2: Mở nắp bình thuốc (bước 1 và bước 2 có thể đổi thứ tự cho nhau). Phải mở nắp bình thuốc thì mới xịt thuốc ra được. Trong thực tế đã xảy ra trường hợp không mở nắp hộp thuốc, do đó việc xịt thuốc không có hiệu quả.
Bước 3: Thở ra thật hết. Người bệnh thở ra nhẹ nhàng cho đến thật hết thì nín thở để bắt đầu bước tiếp theo. Đây là động tác làm giảm tối đa lượng khí trong phổi trước khi hít thuốc. Nếu không thực hiện tốt động tác này thì sẽ không thể hít và đưa sâu thuốc vào trong phổi được.
Bước 4: Ngậm kín miệng bình thuốc và xịt. Đây là bước rất quan trọng, người bệnh sau khi đã thở ra thật hết, miệng ngậm kín bình thuốc, ngón cái hoặc ngón trỏ đặt sẵn vào đáy bình thuốc. Thực hiện đồng thời việc nhấn đáy bình thuốc và động tác hít vào chậm, đều và thật sâu. ngậm kín để tránh thoát thuốc khi xịt ra xung quanh. Việc phối hợp tốt giữa động tác bấm xịt của tay và hít ngay thuốc là rất quan trọng. Nếu việc phối hợp không tốt dễ gây thoát thuốc ra xung quanh. Ở động tác này, người bệnh có thể ngồi trước gương và xịt thuốc, nếu khi xịt thuốc mà không thấy thuốc bay ra qua miệng hoặc mũi thì cũng đồng nghĩa với việc phối hợp giữa tay bấm xịt và miệng hít đã tương đối đúng và nhuần nhuyễn. Sau khi đã xịt thuốc, cần hít vào chậm, đều và sâu hết sức để đưa lượng lớn nhất của thuốc vào sâu trong đường thở.
Bước 5: Nín thở. Ngay sau hít vào chậm, đều và thật sâu, người bệnh cần nín thở, đếm nhẩm trong đầu từ 1 - 10 hoặc cho đến khi thấy tức thở. Việc nín thở giúp thuốc có thời gian lắng đọng lại lên bề mặt niêm mạc đường thở.
Bước 6: Thở ra. Người bệnh thở ra chậm và từ từ sau khi đã kết thúc bước 5.
Lặp lại quá trình trên khi cần dùng những liều thuốc tiếp theo.
Cách vệ sinh bình xịt định liều
Bình xịt định liều cần được vệ sinh đúng cách. Để vệ sinh bình xịt định liều cần làm theo các bước sau: Tháo bình thuốc ra khỏi vỏ, đồng thời tháo bỏ nắp đậy; Đổ liên tục nước nóng qua vỏ nhựa trong 30 - 60 giây. Không rửa hoặc nhấn chìm bình đựng thuốc; Vẩy khô vỏ nhựa hoặc để qua đêm cho khô hoàn toàn. Nếu cần dùng ngay, tiến hành vẩy khô, sau đó lắp bình thuốc và xịt bỏ 2 liều đầu tiên.
Cách xác định bình thuốc đã hết
Một số thuốc dạng bình xịt định liều có cửa sổ liều ở bên cạnh hộp thuốc, trong trường hợp này chỉ cần nhìn số ở cửa sổ này, khi về số “0” có nghĩa là không còn liều nào trong bình xịt. Trong trường hợp không có cửa sổ liều bên cạnh, cần ghi ngày bắt đầu dùng lên trên vỏ bình thuốc. Nếu bệnh nhân dùng đều (chẳng hạn mỗi ngày 3 lần, mỗi lần xịt 2 liều) khi đó chỉ cần chia số liều mỗi hộp thuốc có (xem trên vỏ hộp thuốc hoặc hỏi bác sĩ) cho số ngày dùng là biết trong bình thuốc còn hay hết.
Trường hợp bình xịt định liều chỉ dùng trong tình huống cấp cứu: khi đó, bạn cần ghi ngày dùng lên trên vỏ hộp thuốc, ước tính số liều dùng hàng ngày, sau đó chia đều để ước tính còn thuốc hay hết thuốc. Dù chưa hết thuốc trong bình xịt thì bạn vẫn nên thay bình sau mỗi 6 tháng.
Việc sử dụng thuốc đúng cách có vai trò đặc biệt quan trọng, do đó bệnh nhân nên được hướng dẫn đầy đủ và đúng cách. Ngay sau khi được nghe bác sĩ, nhân viên y tế hướng dẫn cách dùng thuốc, người bệnh nên dùng thử ngay trước mặt nhân viên y tế để khẳng định việc đã hiểu và làm đúng cách, bên cạnh đó, người bệnh luôn mang theo các bình thuốc để dùng thử trước mặt bác sĩ ở mỗi lần tái khám.
TS. Nguyễn Thanh Hồi (Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng)