Bệnh Parkinson hiện nay chưa có biện pháp điều trị dứt điểm, nhưng sử dụng thuốc có thể giúp cải thiện, kiểm soát các triệu chứng do bệnh gây ra.
Bài viết dưới đây của PGS.TS.Nguyễn Hoàng Ngọc - Phó Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 sẽ giúp độc giả hiểu hơn về các biện pháp điều trị bệnh này
1. Nguyên nhân gây bệnh Parkinson
Cần phân biệt bệnh Parkinson nguyên phát và hội chứng Parkinson (là hậu quả của một số bệnh lý thần kinh căn nguyên khác hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc an thần). Việc xác định hai loại bệnh Parkinson nguyên phát hay thứ phát giúp cho điều trị đúng đạt hiệu quả cao.
Nguyên nhân của bệnh Parkinson nguyên phát cho đến nay vẫn chưa được biết rõ, người ta chú ý tới nguyên nhân do virus, tự miễn, sự lão hoá, di truyền và nhiễm độc môi trường, nên việc điều trị chủ yếu dựa vào cơ chế bệnh sinh.
Nguyên nhân của bệnh Parkinson thứ phát (Parkinson triệu chứng) có thể sau một số bệnh lý thần kinh trung ương như viêm não, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não… Các nguyên nhân của Parkinson thứ phát khác như nhiễm độc các kim loại nặng (chì, thuỷ ngân, mangan, các thuốc an thần haloperidol, aminazin…)
Hiện nay có thuật ngữ Parkinson plus: Là chỉ một nhóm hội chứng Parkinson có yếu tố thoái hoá di truyền; bệnh Parkinson gia đình (Parkinson’s disease famillial) là bệnh Parkinson có yếu tố gia đình di truyền.
2. Bệnh Parkinson có triệu chứng thế nào?
Khi mới bắt đầu mắc bệnh, triệu chứng hay gặp là mỏi mệt, đau nhức cơ, vụng về khi thao tác các động tác đơn giản hằng ngày, hay làm rơi, đổ vỡ, viết chữ khó khăn… Có thể gặp triệu chứng run khi nghỉ, nhưng thường không rõ rệt nên ít khi được phát hiện ra sớm. Hiện nay các tác giả gọi nhóm triệu chứng này là các triệu chứng tiền vận động (premotor symptoms).
Ở giai đoạn kế tiếp, biểu hiện lâm sàng chính của bệnh Parkinson là nhóm triệu chứng vận động: Run khi nghỉ, cứng đờ, giảm vận động. Bệnh nhân có tư thế khom gấp, hiện tượng uốn sáp và mất phản xạ tư thế.
Đặc điểm run của bệnh parkinson thường run ở đầu ngón tay như vê thuốc lào, cũng có thể cả ở mặt nhất là môi và lưỡi, có khi run cả hàm dưới và cằm. Run ở tư thế nghỉ, khi bệnh nhân làm động tác cố ý thường không run hoặc run giảm.
Ngoài các triệu chứng cơ bản trên còn có các biểu hiện khác gồm các nhóm triệu chứng ngoài vận động như bệnh nhân cảm thấy đau đớn khắp người (do căng cứng cơ). Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật chịu được nóng bức, có thể thấy ra nhiều mồ hôi, táo bón…
Các chức năng trí tuệ vẫn tốt và không có biểu hiện gì của sa sút. Tuy nhiên hoạt động tâm lý thường chậm chạp, có khi xảy ra rối loạn cảm xúc lo âu, hoang tưởng, nhất là những phản ứng trầm cảm. Hội chứng chân không yên.
Do chưa có biện pháp điều trị triệt để, nên mục tiêu điều trị là cải thiện các rối loạn bệnh lý làm cản trở sinh hoạt hàng ngày; giữ cho bệnh nhân duy trì được hoạt động càng lâu càng tốt và hạn chế tối đa các biến chứng bệnh.
3. Các thuốc điều trị bệnh Parkinson
Theo cơ chế bệnh sinh, thuốc điều trị bệnh Parkinson có hiệu quả nhất là levodopa (L-dopa) kết hợp với chất ức chế decarboxylase ngoại biên (sinemet, madopar, stamet). Một số thuốc khác tác động tại synape dopaminergic cũng hữu ích, đặc biệt khi phối hợp với L-dopa. Nếu dùng nhóm L-dopa thì không nên kết hợp với vitamin B6.
- Levodopa là thuốc điều trị Parkinson hiệu quả. Hoạt chất này sau khi đi vào não của bệnh nhân sẽ được chuyển đổi thành dopamin, giúp cải thiện tình trạng bệnh. Tuy nhiên việc dùng thuốc dù đều đặn và đúng chỉ định của bác sĩ cũng chỉ có hiệu quả trong khoảng 10 năm đầu. Sau vài năm hiệu quả của thuốc sẽ kém đi và các triệu chứng trở nên khó kiểm soát. Mặt khác thuốc cũng có thể gây một số tác dụng phụ như ảo giác, loạn động, buồn nôn, tụt huyết áp tư thế, an thần và mất ngủ.
- Một số thuốc thuộc nhóm đồng vận dopamin, tác dụng kích thích trực tiếp thụ thể dopamin trong não. Mặc dù hiệu quả giảm triệu chứng không bằng levodopa nhưng thuốc nhóm này có tác dụng lâu hơn, cũng có thể phối hợp cùng levodopa để củng cố thêm tác dụng. Bao gồm các thuốc: Bromocriptine; pergolide; pramipexole; ropinirole; piribedil… Thuốc được chỉ định điều trị bệnh Parkinson giai đoạn sớm đơn trị liệu hoặc dùng phối hợp các thuốc khác. Tác dụng phụ của thuốc cũng tương tự như L-dopa, ngoài ra còn gây buồn ngủ, nghiện ăn uống, kích động…
- Thuốc thuộc nhóm ức chế COMT: Eltocapon, tolcapone có tác dụng làm tăng tính khả dụng sinh học của L-dopa và kéo dài thời gian bán huỷ của nó. Thuốc cho phép giảm liều L-dopa vì vậy thuốc không có hiệu quả nếu không dùng cùng L-dopa. Tuy nhiên nhóm thuốc này có biến chứng tiêu chảy, rối loạn chức năng gan. Cần kiểm tra men gan 2 tuần/lần.
- Nhóm thuốc kháng cholinergic đặc biệt hữu hiệu với thể bệnh run trong Parkinson. Nói chung nhóm thuốc này không nên dùng cho người già, nhất là các bệnh nhân bị rối loạn trí nhớ, u lành tiền liệt tuyến, tăng nhãn áp.
Ngoài các nhóm nói trên, bệnh nhân có thể dùng thêm thuốc bảo vệ thần kinh, chống gốc tự do và bổ sung dinh dưỡng thần kinh.
Ngoài liệu pháp dùng thuốc, trên thế giới đã áp dụng điều trị phẫu thuật cho bệnh nhân Parkinson. Phương pháp này chỉ áp dụng khi điều trị nội khoa thất bại với điều kiện bệnh nhân không có sa sút trí tuệ rõ.
Lưu ý: Việc điều trị bệnh parkinson là nhằm làm chậm quá trình tiến triển của bệnh (bảo vệ thần kinh) và cải thiện chất lượng sống (điều trị triệu chứng). Một khi chẩn đoán đã được xác định, điều trị cần được điều chỉnh tuỳ theo từng bệnh nhân để phù hợp nhất với lối sống và sinh hoạt của họ.
Khi lựa chọn thuốc điều trị cũng như các phương pháp khác cần xem xét các yếu tố liên quan như tác dụng phụ, giá thành và sự tuân thủ của bệnh nhân. Một lời khuyên cho các bệnh nhân Parkinson cần được khám và theo dõi tư vấn điều trị của các thầy thuốc chuyên khoa thần kinh có kinh nghiệm, vì không có một phác đồ chung nào áp dụng hiệu quả cho tất cả mọi bệnh nhân ở các giai đoạn bệnh.
Để việc điều trị có hiệu quả, bệnh nhân/người chăm sóc bệnh nhân cần chú ý tuân thủ dùng thuốc đúng theo đơn đã được kê và định kỳ tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Mời độc giả xem thêm video:
Cháo trai- món ăn bổ dưỡng.