Những tháng đầu năm, khi thời tiết thay đổi nóng lạnh thất thường cùng với độ ẩm cao là cơ hội cho các bệnh đường hô hấp tiến triển. Có một số bệnh ở phổi thường gặp trong cộng đồng và nếu được phòng bệnh đúng cách sẽ giúp hạn chế những biến chứng nguy hiểm cũng như giảm tốc độ tiến triển của bệnh. Dưới đây là chia sẻ của PGS.TS.Nguyễn Đình Tiến, Chủ nhiệm khoa, Chủ nhiệm bộ môn Nội hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
PV: Thưa PGS.TS., trong các bệnh phổi hiện nay thì bệnh nào thường gặp nhất ở trong cộng đồng?
PGS.TS.Nguyễn Đình Tiến: Đối với các bệnh lý ở phổi thì có rất nhiều, tuy nhiên, hiện nay trong thực hành lâm sàng, chúng tôi thường gặp một số bệnh hô hấp sau:
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Đây là một dạng bệnh lý tắc nghẽn đường thở (khí - phế quản) không hồi phục do viêm mạn tính đường thở mà nguyên nhân do hút thuốc lá, thuốc lào hoặc tiếp xúc với bụi, khói ở môi trường. Bệnh thường diễn tiến xấu theo thời gian. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể ngăn ngừa bằng việc hạn chế tiếp xúc với các nguyên nhân như không hút thuốc lá chủ động và thụ động, tiêm phòng các bệnh ở đường hô hấp để tránh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do mắc bệnh lý khác ở đường hô hấp từ khi còn bé. Tăng cường chất lượng không khí môi trường ở nhà và nơi làm việc, làm tốt công tác bảo hộ lao động.
Lao phổi: Là thể bệnh gặp nhiều nhất trong bệnh do vi khuẩn lao, chiếm khoảng 80% tổng số bệnh lao. Tỉ lệ bệnh lao ở nước ta theo ước tính là khoảng 85/100.000 dân. Lao phổi là nguồn lây vi khuẩn cho những người lành nhiều nhất, đặc biệt là người bệnh có vi khuẩn bằng xét nghiệm đờm soi kính trực tiếp (AFB ). Do lao phổi là nguồn lây, nên việc giải quyết nguồn lây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Người bệnh lao phổi không nên khạc nhổ bừa bãi; cần tiêm phòng lao cho trẻ em; nếu trẻ mắc lao sơ nhiễm thì cần điều trị tích cực để phòng bệnh lao sau này… Khi có các triệu chứng như ho kéo dài, sốt nhẹ, ho ra máu, ra mồ hôi trộm, gày sút cân… Thì cần đến các phòng khám chuyên khoa hô hấp để phát hiện và điều trị lao sớm thì mới có khả năng khỏi bệnh, giảm biến chứng, giảm lây nhiễm cho người thân và cho cộng đồng
Viêm phổi: Từ viêm đường hô hấp trên rất dễ dẫn tới viêm phổi. Đây là tình trạng viêm ở nhu mô phổi thường do vi khuẩn, virut, nấm hoặc các tác nhân khác gây ra. Viêm phổi là vấn đề đặc biệt đáng lo ngại đối với người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hoặc bị suy giảm miễn dịch, nhưng cũng có thể xảy ra ở người trẻ khỏe. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em trên toàn thế giới. Dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi thường rất giống với cảm lạnh và cúm. Sốt, ho khạc đờm, đau ngực, khó thở là những triệu chứng hay gặp. Triệu chứng có thể khác nhau tuỳ theo nguyên nhân gây viêm phổi.
Ung thư phổi: Đây là một trong những bệnh nguy hiểm do phát triển khối u ác tính ở biểu mô phế quản. Là một trong những ung thư có mức độ ác tính cao của cơ thể, điều trị hiện nay vẫn còn gặp khó khăn. Bệnh ung thư phổi có 2 loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Nguyên nhân chính gây bệnh là do hút thuốc lá, thuốc lào hoặc tiếp xúc với bụi khói ở môi trường. Do vậy, từ bỏ hút thuốc lá, cải thiện môi trường sống để ngăn ngừa bệnh ung thư phổi.
Hen phế quản: Là tình trạng viêm mạn tính ở đường thở, gây khó thở rít, ho, tức ngực từng đợt tái diễn, thường bị tắc nghẽn đường thở có thể tự hồi phục hoặc do điều trị. Quá trình viêm này hay kèm theo tăng tính phản ứng phế quản với nhiều tác nhân kích thích gây co thắt phế quản. Phấn hoa, hóa chất, bụi sinh vật, nấm, mốc, vi khuẩn, bụi vô cơ... là nguyên nhân đầu tiên khiến những người có cơ địa dị ứng, nhất là bệnh nhân hen tái phát cơn hen hoặc phát bệnh. Bên cạnh đó, do độ ẩm không khí cao, nhiều dị nguyên phát triển (đặc biệt là bọ bụi nhà), khả năng đề kháng của cơ thể giảm... cũng khiến cho bệnh hen phế quản trong mùa đông xuân cao hơn hẳn so với các mùa khác.
Viêm khí - phế quản cấp tính: Là tình trạng viêm cấp tính niêm mạc cây phế quản. Viêm phế quản được tạo thành từ các ống có chức năng dẫn khí. Khi các ống này bị nhiễm trùng, niêm mạc phế quản bị phù nề, sung huyết, bong các biểu mô phế quản, tạo nhiều đờm mủ bao phủ niêm mạc phế quản, gây bít tắc dẫn đến khó thở. Diễn tiến thường lành tính tự khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, triệu chứng viêm phế quản có thể nặng nề, kéo dài hoặc xuất hiện trên cơ địa có sẵn các bệnh mạn tính.
PV: Trong các bệnh ở phổi đó, thì bệnh nào ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe nhất và nó có nguy hiểm không, thưa PGS?
PGS.TS.Nguyễn Đình Tiến: Trong các bệnh trên, thì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh lao phổi, bệnh ung thư phổi là gây ảnh hưởng nặng nề nhất đến sức khỏe người bệnh.
Toàn thế giới, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ảnh hưởng đến hơn 300 triệu người (khoảng 5% dân số). Năm 2012, bệnh này được xếp thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, mỗi năm lấy đi khoảng hơn 3 triệu tính mạng. Số ca tử vong được dự đoán là sẽ tăng lên do tỉ lệ hút thuốc lá và do dân số già đi ở nhiều nước. Là bệnh lý hô hấp phổ biến nhất trên thế giới cũng như ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên phạm vi toàn cầu.Bệnh này còn gây tổn thất kinh tế do việc chi phí điều trị cao và người bệnh mất đi khả năng lao động.
Lao phổi là một bệnh truyền nhiễm và có khả năng lây lan cao. Mặc dù hiện nay có nhiều thuốc chữa lao ra đời và việc điều trị cũng đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên kết quả điều trị phụ thuộc nhiều vào thời gian phát hiện bệnh sớm hay muộn. Việc điều trị lao cần phải dùng thuốc đúng, đều đặn và đặc biệt là đủ thời gian. Nhưng vấn đề đáng ngại là nhiều bệnh nhân hay bị quên uống thuốc hoặc bỏ điều trị khi triệu chứng bệnh đã thuyên giảm… Do vậy, tỉ lệ kháng thuốc của vi khuẩn lao hiện nay khá cao và cũng là một điều đáng báo động…
Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở nam giới. Bệnh diễn tiến âm thầm lặng lẽ, triệu chứng mờ nhạt nên thường không được phát hiện sớm. Khi khối u có đường kính nhỏ hơn 1cm thì nó chưa ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người nên không được phát hiện, nhưng khi khối u lớn hơn thì bệnh đã trở nặng. Hơn nữa, các tế bào ung thư có thể đi qua đường máu và di căn theo đường bạch huyết đến các hạch bạch huyết và còn có thể di căn đến tất cả các cơ quan bộ phận khác trong cơ thể nhưng hay gặp nhất là não, xương, gan, tuyến thượng thận… Khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn cuối, cơ thể suy kiệt thì các biện pháp chữa trị gặp nhiều khó khăn. Khi đó, bệnh nhân chỉ được hỗ trợ giảm đau, ngăn ngừa các triệu chứng giúp kéo dài thêm sự sống và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.
Khi bị viêm phổi, nếu không được điều trị tốt sẽ dễ bị các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết và có thể tử vong. Căn bệnh này sẽ hủy hoại nhu mô phổi thường do nhiễm khuẩn S. pneumoniae. H. Influenzaevà Moracella catarhalis..., ở trẻ em còn có thể do tụ cầu vàng. Các chuyên gia hô hấp đã nghiên cứu và kết luận rằng, bệnh viêm phổi có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào thời điểm phát hiện và cách thức điều trị. Nếu bệnh nhân phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp một cách triệt để không để lại di chứng và có thể bình phục hoàn toàn. Còn trong trường hợp, người bệnh phát hiện muộn, không được chữa trị đúng cách bệnh viêm phổi dễ dẫn tới biến chứng nguy hiểm đe dọa sức khỏe. Về mức độ nguy hiểm của viêm phổi thường phụ thuộc vào sức khỏe của người bệnh, tình trạng viêm phổi mà gây ra những biến chứng.