Việc chăm sóc răng lợi tốt sẽ giúp bảo vệ não. Đó là thông điệp của các nhà khoa học Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc vừa đưa ra sau khi nghiên cứu cho thấy, mối liên hệ giữa bệnh nướu răng nghiêm trọng, hoặc viêm nha chu với tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.
Viêm nha chu là một bệnh phổ biến ở người, trong đó nướu và các cấu trúc hỗ trợ răng bị viêm do nhiễm vi khuẩn. Mặc dù miệng của con người là nơi cư trú của rất nhiều vi khuẩn, nhưng khi điều kiện phù hợp, quần thể vi khuẩn có thể tăng lên đáng kể để gây viêm. Điều này thường xảy ra khi các thức ăn và vi khuẩn lắng đọng trên bề mặt răng để tạo thành mảng bám. Các khuẩn lạc trong mảng bám phát triển và sản sinh độc tố kích hoạt phản ứng viêm trong nướu. Nếu không được điều trị, tình trạng viêm trở nên dai dẳng và phá hủy xương, gây mất răng.
Trong nghiên cứu trước đây, các tác giả đề cập đến một cuộc điều tra hồi cứu cho thấy những người tham gia bị viêm nha chu mãn tính có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn đáng kể so với những người không mắc bệnh này. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng những nghiên cứu trước đây đã bị giới hạn bởi kích thước mẫu nhỏ và thực tế là họ không xem xét các hình thức sa sút trí tuệ bên ngoài bệnh Alzheimer.
Đối với cuộc điều tra mới, nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu sức khỏe năm 2005 -2015 trên 262.349 người từ 50 tuổi trở lên từ Tổ chức sàng lọc dịch vụ bảo hiểm y tế quốc gia của Hàn Quốc. Phân tích cho thấy những người đã được chẩn đoán viêm nha chu mãn tính có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn 6% so với những người không mắc bệnh. Nguy cơ đặc biệt quan trọng đối với những người mắc bệnh Alzheimer.
Theo các tác giả những giả thuyết có thể gây nên tình trạng này:
Thứ nhất, vi khuẩn từ nướu bị nhiễm bệnh xâm nhập vào máu và sau đó vượt qua hàng rào máu não vào não, kích hoạt viêm mô não và thậm chí thúc đẩy sản xuất các protein độc hại là dấu hiệu đặc trưng của bệnh Alzheimer. Hoặc Porphyromonas gingivalis (P. gingivalis), một loại vi khuẩn gây bệnh nướu răng, cũng có thể có trong não của những người mắc bệnh Alzheimer.
Thứ hai, nhiễm trùng nướu có thể thiết lập một "tình trạng viêm toàn thân" giải phóng các tác nhân thúc đẩy viêm. Những tác nhân này cũng có thể vượt qua hàng rào máu não để kích hoạt tình trạng viêm trong mô não, nếu kéo dài cũng có thể góp phần tích tụ protein độc hại…
Những phát hiện này kết hợp với báo cáo được công bố gần đây về vi khuẩn P. gingivalis gây bệnh nướu răng, sẽ khiến tất cả chúng ta suy nghĩ nghiêm túc hơn về việc tối ưu hóa các biện pháp vệ sinh và chăm sóc răng miệng đẻ giúp bảo vệ não bộ của bệnh nhân Alzheimer nói riêng và của cộng đồng nói chung.
Các triệu chứng phổ biến của bệnh nha chu là: Nướu bị sưng; lợi có màu đỏ hoặc tím nhạt; đau khi chạm vào nướu; nướu bị rút, tụt lại, làm cho chân răng trông dài hơn bình thường; giữa hai hàm răng hình thành khoảng trống; mủ xuất hiện giữa răng và nướu răng; hơi thở hôi; ăn không ngon; rụng răng; tổ chức răng thay đổi khi bạn cắn và nướu chảy máu trong và sau khi đánh răng.