Toxoplasma là một loại ký sinh đơn bào chỉ sống trong tế bào, ký sinh ở người và một số loài chim, thú. Bệnh ở người gây các tổn thương: choán chỗ hệ thần kinh trung ương, viêm võng mạc màng mạch, viêm phổi kẽ, viêm cơ tim...
Mầm bệnh tồn tại và gây bệnh như thế nào?
Mầm bệnh tồn tại trong cơ thể người và động vật ở ba thể: một là thể tư dưỡng hay còn gọi là tốc dưỡng, là thể phân chia nhanh, thường thấy trong mô và dịch cơ thể trong thời kỳ bệnh cấp tính. Thể tư dưỡng có khả năng xâm nhập và nhân lên ở tế bào. Hai là các bào nang (bradyzoite) chứa các thể tư dưỡng tồn tại dưới dạng nhiễm khuẩn mạn tính ở tổ chức cơ và thần kinh là chủ yếu. Ba là bào tử là thể chỉ thải theo phân của động vật họ mèo. Chu kỳ giới tính diễn ra trong ruột mèo, sau 3 - 14 ngày giải phóng ra các bào tử. Người nhiễm bệnh khi ăn phải các bào nang trong thịt sống hoặc chưa nấu chín; do ăn phải các bào tử ở rau hoặc các thức ăn khác bị nhiễm bẩn do phân mèo không được xử lý cẩn thận, hoặc do trẻ em chơi ở đất bẩn, tay bẩn đưa lên miệng; do lây truyền qua nhau thai; lây truyền do truyền máu. Các yếu tố: chó, côn trùng, nguồn nước có thể đóng vai trò lây truyền.
Đường lây nhiễm toxoplasma. |
Chẩn đoán phân biệt
Bệnh cấp tính có sốt cần được chẩn đoán phân biệt với nhiễm cytomegalovirus, bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn, viêm phổi kẽ, viêm cơ tim, viêm cơ, viêm gan và lách to. Các căn nguyên gây sưng hạch cần được phân biệt là bệnh sarcoid, lao, bệnh tularemia, u lympho, ung thư di căn. Khi có các tổn thương trong não ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch cần phân biệt với nhiễm virus herpes, simplex, nhiễm cytomegalovirus, viêm não virut khác, bệnh lý não chất trắng đa ổ, viêm não do nấm, chứng đột qụy, lao, tâm thần và đặc biệt là u lympho hệ thần kinh trung ương.
Điều trị
Thuốc được khuyên dùng là: pyrimethamin 25 - 50mg/ngày, cộng với nhóm trisulfapyrimidin hoặc sulfadiazin trong thời gian 3 - 4 tuần. Clindamycin có thể là một thuốc thay thế do thuốc này tập trung trong màng mạch, dùng điều trị bệnh ở mắt. Các macrolid khác, atovaquon điều trị cũng có hiệu quả tốt. Ở phụ nữ có thai, có thể dùng spiramycin để điều trị.
Phòng bệnh và tiên lượng
Nấu ở 60oC trong 4 phút có tác dụng diệt bào nang trong thịt, nhưng tốt nhất là nấu chín thịt. Chỗ chơi của trẻ em, cần được vệ sinh sạch sẽ tránh nhiễm bẩn bởi phân mèo và chó. Rửa sạch tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với đất cát và đồ vật để tránh nhiễm phân súc vật. Hạn chế tối đa, không nên cho trẻ em tiếp xúc với mèo. Chỉ ăn thịt nấu chín kỹ, thực hiện ăn chín uống sôi.
Bốn hội chứng lâm sàng thường gặp Một nghiên cứu cho thấy trên 80% nhiễm khuẩn không có triệu chứng. Thời kỳ ủ bệnh ở những người có triệu chứng là 1 - 2 tuần. Tuy nhiễm khuẩn không triệu chứng và có triệu chứng đều tồn tại dưới dạng nhiễm khuẩn tiềm ẩn (bào nang) nhưng sự tái hoạt chỉ xảy ra ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch nặng. Biểu hiện lâm sàng của nhiễm toxoplasma có thể gặp bốn hội chứng như sau: Nhiễm khuẩn ở người miễn dịch bình thường: bệnh gây sốt, sưng hạch lympho, nhất là ở đầu và cổ, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, đau đầu, đau họng và phát ban dạng dát sẩn hoặc nốt sẩn; gan lách to; viêm phổi kẽ, viêm não, màng não, viêm gan, viêm cơ tim và viêm võng mạc màng mạch. Nhiễm khuẩn bẩm sinh: xuất hiện khi có nhiễm khuẩn ở phụ nữ thời kỳ mang thai. Theo một nghiên cứu: gần 1% phụ nữ có thai nhiễm bệnh; 15 - 60% lây truyền cho bào thai, nhưng chỉ có một tỷ lệ nhỏ dẫn đến sẩy thai hoặc thai lưu; bệnh nặng hơn khi lây truyền ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Viêm võng mạc màng mạch: xuất hiện từ vài tuần đến vài năm sau nhiễm khuẩn bẩm sinh, bệnh ở cả hai mắt hoặc sau nhiễm khuẩn ở giai đoạn trẻ bé, thường bệnh một bên mắt. Quá trình viêm kéo dài từ vài tuần đến vài tháng gây tổn thương hoại tử võng mạc, nhìn nhòa, mất thị trường trung tâm và mất các vùng thị giác. Bệnh có thể tiến triển đến glocom và mù. Khi lành bệnh có thể hình thành các vết sẹo trắng hoặc tăng sắc tố. Bệnh tái phát ở người suy giảm miễn dịch: nhiễm toxoplasma thường tái phát ở bệnh nhân AIDS, ung thư hoặc những bệnh nhân điều trị thuốc ức chế miễn dịch. Bệnh gây tổn thương ở não, phổi, mắt, tim, da, gan hoặc nhiễm khuẩn đa tạng. Khoảng 30 - 50% bệnh nhân AIDS tiền sử đã nhiễm toxoplama dễ tái phát ổ viêm hoặc nhiễm khuẩn lan tỏa trong não, kèm với các triệu chứng sốt, đau đầu, rối loạn ý thức, co giật và các dấu hiệu thần kinh khu trú. Dấu hiệu xét nghiệm Các bào nang hoặc các thể tư dưỡng có thể xác định qua nhuộm máu, tổ chức hay dịch cơ thể khác. Nếu phát hiện các thể tư dưỡng chứng tỏ nhiễm khuẩn đang hoạt động. Còn sự có mặt của các bào nang trong nhau thai, bào thai hoặc trẻ sơ sinh cho biết có nhiễm khuẩn bẩm sinh. Số lượng bạch cầu lympho và bạch cầu mono tăng. Chụp Xquang phổi có thể thấy viêm phổi kẽ. Trên phim chụp não ở bệnh nhân AIDS có biểu hiện tổn thương đa ổ có xu hướng tập trung ở các nhân đáy não. |
ThS. Đỗ Ngọc Lân