Bệnh nhi mắc tay chân miệng độ IV nguy kịch được cứu sống ngoạn mục

18-04-2019 07:24 | Camera bệnh viện

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ vừa sử dụng phương pháp lọc máu liên tục cứu sống bệnh nhi mắc tay chân miệng độ IV nặng, biến chứng hô hấp, thần kinh...

Bệnh nhi là bé N.T.D.A. (16 tháng tuổi, trú tại Bình Thủy, Cần Thơ) vào viện trong tình trạng sốt rất cao, thở mệt, có vài nốt hồng ban ở lòng bàn chân, nhập viện với tình trạng bức rức, sốt rất cao, thở mệt, có vài nốt hồng ban ở lòng bàn chân.

Qua thăm khám các bác sĩ ghi nhận bé quấy, sốt cao 40 độ C, thở nhanh, khò khè, nhịp tim rất nhanh , kèm theo giật mình chới với lúc khám. Nhận định đây là một trường hợp bệnh tay chân miệng nặng có biến chứng hô hấp, tuần hoàn, thần kinh, bé được điều trị tích cực đặt ống nội khí quản thở máy, truyền Gamma Globulin, an thần, nuôi ăn qua ống thông dạ dày…

Các bác sĩ đang khám cho bé mắc tay chân miệng .

Bệnh diễn tiến theo hướng phức tạp thêm, hạ sốt tích cực bé vẫn sốt cao liên tục 40 – 41 độC, tim rất nhanh 180 – 190 l/p, trụy tim, huyết áp tụt dần, sonde dạ dày ra máu tươi. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn liên viện với Ban Giám đốc bệnh viện, hội chẩn Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng TP HCM, chẩn đoán bé là bị bệnh tay chân miệng độ IV, tỉ lệ tử vong rất cao, trường hợp này chỉ có lọc máu liên tục mới có thể giành lại sự sống cho bé.

Với sự hỗ trợ  của bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố HCM và quyết tâm của tập thể các bác sĩ trong bệnh viện, nhân viên khoa khoa Hồi sức tích cực- chống độc , bé A được tiến hành lọc máu liên tục. Qua 1 chu kỳ lọc 24 giờ, bé đáp ứng tốt với điều trị, giảm sốt, nhịp tim trở về bình thường. Qua 12 ngày điều trị bé hồi phục hoàn toàn đã xuất viện trong niềm vui của cha mẹ.

Đây là trường hợp thứ 2 khoa Hồi sức tích cực- chống độc - BV Nhi Đồng Cần Thơ với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng TP HCM, tiến hành lọc máu thành công cho bệnh nhi mắc bệnh tay chân mệng nặng.

Qua trường hợp của bé là một trong những ca tay chân miệng nặng với thương tổn da niêm ít nên dễ bỏ sót, nếu không được phát hiện và cứu chữa kịp thời sẽ dẫn đến suy tim, tụt huyết áp và tử vong nhanh chóng. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, cần phải đưa trẻ đi khám ngay khi bé có biểu hiện sốt cao, có nổi hồng ban tay chân, loét miệng đặc biệt các bé lứa tuổi nhà trẻ.

 

Bệnh tay-chân-miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người thường gặp, do Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71) gây ra. Nguồn lây chính là từ nước bọt, chất tiết và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh có thể gặp rải rác quanh năm, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Các dấu hiệu của bệnh tay-chân -miệng rất dễ nhận biết và bao gồm:
– Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao, sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
– Tổn thương ở da: dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…
Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

 



Nguyễn Mi
Ý kiến của bạn