Bệnh nhi liệt toàn thân, suy hô hấp nặng thoát chết

31-07-2014 13:30 | Thời sự
google news

SKĐS - Một bệnh nhân viêm đa rễ dây thần kinh hiếm gặp vừa được các bác sĩ khoa Nhi, BV Bạch Mai cứu sống. Trước đó, bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy hiểm tính mạng, liệt toàn thân, liệt các chi lan lên và liệt cơ hô hấp rất khó qua khỏi. Y học gọi đó là hội chứng Guillain Barré.

Một bệnh nhân viêm đa rễ dây thần kinh hiếm gặp vừa được các bác sĩ khoa Nhi, BV Bạch Mai cứu sống. Trước đó, bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy hiểm tính mạng, liệt toàn thân, liệt các chi lan lên và liệt cơ hô hấp rất khó qua khỏi. Y học gọi đó là hội chứng Guillain Barré.

Bệnh nhi từ chỗ liệt toàn thân nay đã vận động tốt, sức khoẻ nhanh chóng hồi phục.

Bệnh nhi là cháu Đào Thế Anh, 13 tuổi, ở Hoa Lư, Ninh Bình. Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, khoảng 6h sáng ngày 5/7/2014, cháu Thế Anh đột ngột khó thở, trong miệng “lọc xọc” đờm dãi, toàn thân mềm nhũn ra tuy vẫn còn tỉnh táo, nhận biết được. Gia đình đã đưa Thế Anh đến BVĐK tỉnh Ninh Bình khám. Tại đây, các bác sĩ tiến hành thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Tuy nhiên, bệnh nhi nhanh chóng rơi vào tình trạng nặng dần, chân tay không cử động được, đồng tử giãn 2,5mm, khó thở... Ban đầu nghi ngờ bệnh nhân mắc chứng nhược cơ nặng; sau đó qua khám lâm sàng, với vết bầm tím ở mắt cá chân, các bác sĩ nghi ngờ bị rắn cắn. Tình trạng bệnh nhân không đỡ, bệnh nhi suy hô hấp nặng, các bác sĩ phải tiến hành cấp cứu và đặt nội khí quản rồi chuyển thẳng lên Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai.

Sau đó, bệnh nhi được chuyển xuống khoa Nhi của BV. PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, bệnh nhi lúc đó trong tình trạng liệt mềm các cơ tứ chi, miệng nhiều đờm dãi, không nói được, miệng chỉ mấp máy, có biểu hiện liệt các cơ hô hấp. Sau khi tiến hành thăm khám, các bác sĩ đã loại trừ bệnh nhi bị rắn cắn và nghĩ nhiều đến hội chứng Guillain Barré gây liệt cấp tính lan lên tiến triển nhanh gây liệt cơ hô hấp, liệt màn hầu, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Xét nghiệm dịch não tủy cũng cho thấy, đạm trong dịch não tủy tăng vọt lên nhưng các tế bào lại không tăng (phân ly đạm tế bào). Điều này càng cho thấy việc chẩn đoán xác định bệnh nhân mắc hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh là hoàn toàn nhanh chóng và chính xác.

Ngay lập tức, bệnh nhi được cấp cứu cho thở máy và thiết lập đường truyền tĩnh mạch Immunoglobulin miễn dịch - một loại thuốc có hiệu quả trong điều trị hội chứng Guillain Barré. Đồng thời, bệnh nhi được chăm sóc hỗ trợ khác như dinh dưỡng, vật lý trị liệu hô hấp vận động để tránh xẹp phổi, cứng khớp, teo cơ, các thủ thuật như hút đờm nội khí quản.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng thăm khám cho bệnh nhi trước khi ra viện.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng thăm khám cho bệnh nhi trước khi ra viện.

Nhận định về ca bệnh này, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Đây là trường hợp bệnh nặng hiếm gặp. Tại Khoa Nhi của BV một năm chỉ gặp từ 1-2 trường hợp mắc hội chứng Guillain Barré gây liệt các chi lan lên và liệt hô hấp nhưng chưa từng có trường hợp nào cơn liệt lan nhanh với tốc độ chóng mặt như cháu bé này. Thông thường hội chứng liệt lan lên sẽ liệt dần từ chân lên đến cổ, liệt cơ hô hấp,… hay nói cách khác là liệt từng bộ phận một, riêng ca bệnh này liệt đột ngột và nhanh chưa từng thấy”.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cũng nhấn mạnh đến việc cần thiết phải chẩn đoán chính xác bệnh trong 2-3 ngày đầu để đảm bảo bệnh nhân hồi phục tốt, vì nếu chậm sẽ để lại di chứng trầm trọng, quá trình hồi phục sẽ rất khó khăn. Thông thường, bệnh nhân sau 2 tháng là hồi phục hoàn toàn chiếm 57,3%, một số nhanh hơn nhưng có 20% trường hợp kéo dài hơn, hồi phục không hoàn toàn nên để lại di chứng dị cảm hay rối loạn vận động ngọn chi, trong số đó có 5% để lại di chứng nặng nề.

Sau gần một tháng điều trị, hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, từ chỗ liệt toàn thân, suy hô hấp nay đã ăn uống, đi lại bình thường. Bệnh nhân sẽ xuất viện trong ngày hôm nay 31/7.

 

Bệnh viêm đa rễ dây thần kinh được chia hai thể cấp tính (hay gọi là hội chứng Guillain - Barré) và mạn tính tùy theo thời gian tiến triển bệnh. Bệnh do tổn thương vào bao myêlin, là bao bọc bên ngoài của sợi trục thần kinh ngoại vi, liên quan đến yếu tố tự miễn (người bệnh nhiễm một số bệnh nhiễm khuẩn và virut trước đó vài tuần hay vài tháng, cơ thể họ sẽ tạo ra kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh nói trên và đồng thời kháng lại chính bao myêlin của cơ thể mình). Bệnh hay gặp ở mọi lứa tuổi, ở trẻ em ít gặp hơn ở người lớn. Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh là khó thở và suy hô hấp do liệt các cơ hô hấp và lúc này cần phải được can thiệp hô hấp hỗ trợ tại các cơ sở chuyên khoa.

Về nguyên nhân của bệnh, do liên quan đến yếu tố tự miễn nên một số tác nhân đã được xác định là yếu tố khởi phát bệnh, đó là vi khuẩn Camphylobarter Jejuni (chiếm khoảng 30%), do Cytomegalovirus và các vi khuẩn khác. Bệnh nhân nhỏ tuổi, nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời bằng cách loại bỏ các kháng thể lưu hành trong máu (lọc huyết tương) hay trung hòa chúng (bằng các gamma - globulin miễn dịch) thì bệnh có thể khỏi được và không để lại di chứng gì.

Dương Hải

 

 

 


Ý kiến của bạn