Đại diện Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả (Quảng Ninh) cho biết, mới đây các bác sĩ của đơn vị đã tiến hành ca phẫu thuật nội soi cấp cứu cho bệnh nhi bị lồng ruột nhiều ổ. Đây cũng là ca bệnh hiếm gặp khi mắc phải bệnh này ở độ tuổi đã lớn.
Cụ thể, Khoa Ngoại của đơn vị tiếp nhận bệnh nhi C.B.C (14 tuổi, trú tại thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) trong tình trạng đau bụng âm ỉ quanh rốn, nôn, mệt nhiều. Trước khi được đưa đến bệnh viện, người bệnh đã được khám và điều trị tại phòng khám tư nhân nhưng không đỡ.
Ngay khi tiếp nhận, kíp cấp cứu tiến hành thăm khám, xử trí ban đầu và chỉ định làm xét nghiệm cấp cứu cần thiết cho bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm, siêu âm và CT.Scanner cho thấy, có hình ảnh lồng ruột non nhiều vị trí, bạch cầu tăng, đường máu tăng, rối loạn điện giải, suy thận cấp ở bệnh nhân.
Đánh giá mức độ tình trạng bệnh của bệnh nhân có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không hồi sức phẫu thuật sớm; thậm chí nguy cơ bị hôn mê, sốc nhiễm khuẩn, kip cấp cứu tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa Ngoại, Gây mê, Hồi sức cấp cứu.
Kết quả hội chẩn thống nhất, bệnh nhân bị lồng ruột non, theo dõi hoại tử ruột/Toan chuyển hóa/Tăng đường huyết/Rối loạn điện giải/Suy thận cấp và chỉ định phẫu thuật cấp cứu nội soi tháo lồng ruột.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện nhiều khối lồng ruột non, nhiều hạch mạc treo nằm dọc theo ruột non, ruột thừa xung huyết kèm sỏi phân gốc ruột thừa. Sau đó, kíp mổ tiến hành tháo lồng ruột qua nội soi, cắt ruột thừa cho bệnh nhân.
Sau mổ 24h, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục, trung tiện được và sinh hoạt nhẹ nhàng. Cùng với đó, đường máu được kiểm soát hoàn toàn và chức năng thận trở lại bình thường.
Theo đại diện bệnh viện, bệnh lồng ruột ở trẻ em diễn biến rất nhanh. Nếu không được điều trị kịp thời, ruột sẽ bị hoại tử dẫn đến thủng ruột, gây ra viêm phúc mạc, nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng. Việc điều trị lồng ruột không quá phức tạp, tuy nhiên phải đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
Đối với bệnh nhân C.B.C là trường hợp rất hiếm gặp khi lồng ruột ở tuổi 14, có chỉ số đường máu rất cao, đưa đến bệnh viện muộn trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, người bệnh đã được các bác sĩ chẩn đoán nhanh, chính xác, phẫu thuật và hồi sức tích cực… nên đã an toàn.
Bệnh lồng ruột ít xảy ra ở người lớn và thường gặp ở trẻ em khoảng từ 1 đến 2 tuổi trở xuống nhưng rất khó phát hiện. Do đó, các bậc phụ huynh không được chủ quan xem thường khi trẻ có các dấu hiệu sau:
Ở giai đoạn đầu, trẻ thấy khó chịu do co thắt dạ dày, sau đó đau bụng từng cơn. Khi bị cơn đau, trẻ khóc thét, co gối lên ngực, bỏ ăn, bỏ bú. Khi hết cơn đau, trẻ có thể bú lại bình thường, nhưng sau đó vài phút cơn đau tiếp tục trở lại và trẻ nôn ói nhiều, đi ngoài.
Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh chuyển giai đoạn muộn, ruột bắt đầu bị hoại tử; lúc đó, trẻ nôn liên tục; chướng bụng; da lạnh, nhợt nhạt; mạch nhanh, nông; thở nhanh...
Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu của lồng ruột, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Trường hợp trẻ đến muộn phải mổ cấp cứu do đoạn ruột của trẻ đã chui sâu vào bên trong gây tắc ruột, phù nề và hoại tử, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cứu sống bệnh nhân 86 tuổi phình động mạch chủ ngực phức tạp I SKĐS