Chồng bệnh nhân chia sẻ về quá trình bỏ thuốc tây y sang dùng thuốc nam gia truyền.

Bệnh nhân B.T.H, (63 tuổi ở Trực Ninh, Nam Định) nhập Khoa Viêm Gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng mệt mỏi ăn kém, bụng chướng tăng dần, phù 2 chân rõ.

Chồng bệnh nhân cho biết, cách đây 2 năm vợ ông được chẩn đoán xơ gan do vi rút viêm gan B nhưng lúc đó còn nhẹ nên bác sĩ cho về nhà điều trị theo hướng dẫn.

Nghe người xung quanh mách, gia đình đã tìm đến một nhà kinh doanh thuốc gia truyền ở Hoà Bình chuyên chữa bệnh gan và dạ dày. Đặc biệt, nhà thuốc gia truyền này có rất nhiều người từ miền Nam ra mua thuốc điều trị.

Người kê thuốc được giới thiệu là đã tốt nghiệp Trung cấp Đông y và có treo biển bán thuốc dạ dày và thuốc viêm gan.

Tờ rơi được nhà thuốc gia truyền phát cho người bệnh điều trị xơ gan.

“Nghe hàng xóm bảo có người dùng thuốc nam khỏi được bệnh viêm gan nên gia đình tin theo. Thuốc có giá 60 nghìn đồng/thang, uống 15 thang 1 tháng, hiện đã uống được khoảng một năm.

Gia đình ông cho rằng xơ gan và viêm gan B là 2 bệnh khác nhau vì thế gia đình đã lên “kế hoạch” bỏ thuốc kháng vi rút để uống thuốc nam cho khỏi bệnh xơ gan rồi sẽ uống tiếp để điều trị viêm gan B” - chồng bệnh nhân H cho biết.

"Bây giờ bà nhập viện mới biết rằng thuốc nam không thể chữa được bệnh viêm gan B, nên sẽ điều trị lại thuốc kháng vi rút" - người chồng nói.

Ông cũng chia sẻ, thời điểm này năm ngoái bà ấy uống thuốc tôi nghĩ đã khỏi nhưng không ngờ viêm gan B lại bùng lên. Khi tôi thấy bị hiện tượng nặng không thể ở nhà được, nên tôi đưa vợ đi bệnh viện luôn.

Chồng bệnh nhân cho phóng viên xem tờ quảng cáo cách dùng thuốc chữa xơ gan

BS. Nguyễn Thị Thu Huyền - khoa Viêm Gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân có tiền sử viêm gan B, phát hiện nhiều năm thì điều trị thuốc kháng vi rút không đều, bỏ thuốc 1 năm nay. Lúc khám bệnh nhân được chẩn đoán có viêm gan mạn tính tiến triển và xơ gan cổ chướng, giai đoạn cuối, mất bù.

“Vì dùng thuốc nam nên hậu quả gây ra là bị xơ gan mất bù, gây nhiễm độc gan, đẩy xơ gan tiến triển nhanh hơn. Trên nền bỏ điều trị thuốc kháng vi rút vì thế vi rút sẽ bùng phát sẽ khiến bệnh nhân bị bệnh nặng hơn. Bệnh nhân uống thuốc lá, không có tên gì đặc biệt nên chúng tôi cũng không xác định được mẫu.

Ít nhất 2 đến 4 tuần nữa, với điều kiện bệnh nhân điều trị tốt và đáp ứng thuốc, hết dịch ổ bụng và chức năng gan được cải thiện thì bệnh nhân mới được ra viện” - BS. Huyền nói.

Qua trường hợp này, BS. Huyền chia sẻ: "Tôi mong rằng các bệnh nhân dùng thuốc kháng vi rút đều đặn, theo chỉ dẫn của bác sĩ và phải dùng kéo dài, không được bỏ thuốc. Không nên sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc.

Bỏ thuốc thì có thể vi rút sẽ bùng phát sẽ gây tổn thương gan dẫn đến xơ gan và tiến triển thành ung thư gan.


Bệnh nhân đang điều trị tại khoa Viêm gan, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương 

Chưa có bài thuốc Đông y nào diệt được vi rút viêm gan B

Theo các bác sĩ, đối với người lớn bị mắc viêm gan B cấp tính, tức là mới mắc lần đầu thì 90% người bệnh tự khỏi trong vòng 1 vài tháng chỉ còn khoảng 10% bệnh trở thành mãn tính.

Nhiều người không biết điều này, nên khi thấy mình bị mắc viêm gan B thì đi tìm đến thầy lang để chữa bệnh, và sau khi điều trị thuốc của thầy lang thì thấy mình khỏi bệnh. Từ đó, nhiều thầy lang tin rằng mình có thể chữa được viêm gan B và nhiều người tự khỏi cũng nghĩ rằng do mình uống thuốc nam nên khỏi bệnh.

Ông chăm sóc bà tại bệnh viện 

Thực chất, với những bệnh nhân mắc viêm gan B cấp tính thì không cần phải can thiệp gì họ cũng tự khỏi. Vì vậy, khi biết mình bị mắc viêm gan B người bệnh không nên vội vàng đến các thầy lang để rổi nếu bệnh tự khỏi nhưng tiền vẫn mất, thậm chí có trường hợp uống thuốc "rởm" lại làm tổn thương thêm cho gan, thận...

Hiện nay, chưa có bài thuốc nào khẳng định là thuốc Đông y diệt được vi rút viêm gan B. Với tiến bộ của y học ngày nay, viêm gan B đã và đang được điều trị rất tốt.

Cần phải hiểu rằng, với thể cấp tính hầu như người bệnh sẽ tự khỏi. Nhưng khi chuyển sang thể mãn tính và mãn tính ổn định bệnh nhân sẽ cần được theo dõi kỹ càng để khi chuyển sang mãn tính hoạt động thì phải can thiệp.

Bởi, khi vi rút chuyển sang thể hoạt động thì nó phá hủy tế bào gan, tải lượng vi rút cao, men gan tăng liên tục kéo dài, hoặc có bằng chứng đang tiến triển đến xơ gan. Lúc này bác sĩ sẽ chỉ định điều trị với mục tiêu là kéo tỷ lệ vi rút xuống thấp nhất có thể để ngăn ngừa xơ gan, hạn chế quá trình xâm nhập của vi rút làm tổn hại đến tế bào gan.

Ý kiến của bạn