Đến lúc nhận kết quả xét nghiệm âm tính với Ebola, anh Chung mới sực tỉnh và biết mình còn sống. Đến sáng 3-11, khi tiếp xúc với phóng viên, tình trạng sức khỏe của anh đã hồi phục nhiều, có thể đi lại và nói chuyện bình thường.
Vẫn nuôi hy vọng
Nhớ lại hành trình từ vùng dịch Ebola - Guinea về nước, anh Chung nói: “Tại các địa phương ven thủ đô Conakry, dịch bệnh Ebola bùng phát tràn lan. Quân đội phải can thiệp, thiết lập các vùng cấm, không được di chuyển người từ những nơi này đi ra ngoài cũng như người từ ngoài vào vùng có dịch”.
Anh Chung kể cách đây hai năm anh được giới thiệu đi xuất khẩu lao động ở Guinea, làm nghề ở một tiệm ảnh. Công việc làm ăn nơi đất khách đang diễn ra bình thường thì dịch bệnh Ebola tràn đến. Nhiều người nước ngoài, trong đó có người Việt lần lượt bỏ đi. “Hiện vẫn còn hơn 40-50 người Việt đang bám trụ ở Conakry. Dịch bệnh Ebola khiến mọi người rất hoang mang, lo lắng. Nó cũng khiến công việc làm ăn thất bát nên ngày 28-10, chúng tôi quyết định về nước” - anh Chung cho biết.
Sau khi quá cảnh ở Maroc và Qatar với các thủ tục kiểm tra y tế ngặt nghèo, ngày 30-10 anh Chung về đến sân bay Tân Sơn Nhất. “Khi về khách sạn nghỉ ngơi thì tôi lên cơn sốt. Khoảng một giờ sau thì cơn sốt dứt, tôi nghĩ mình chỉ bị sốt bình thường nên ngày 31-10, tôi đi máy bay ra Đà Nẵng”.
Bệnh nhân Chu Văn Chung đã hồi phục sức khỏe và nói chuyện bình thường. Ảnh: L.THỦY
Sau khi có mặt tại Đà Nẵng, anh Chung cùng bạn bè tham gia một lễ hội Halloween. Đến sáng 1-11, anh Chung lên cơn sốt dữ dội và được đưa vào BV Đa khoa Hoàn Mỹ cấp cứu. Khi nghe anh báo vừa trở về từ vùng dịch Guinea, các bác sĩ ở đây đã khẩn trương chuyển anh qua BV Đa khoa Đà Nẵng để cách ly kịp thời. “Lúc đó tôi cũng lo sợ vì nếu không may bị nhiễm virus Ebola thì sẽ lây lan cho rất nhiều người đã tiếp xúc. Nhưng qua các thông tin mà tôi đọc được thì nghĩ mình không phải bị nhiễm Ebola vì không có các triệu chứng của bệnh này như tiêu chảy, nổi phát ban… nên tôi vẫn nuôi hy vọng” - anh Chung nói.
Tại bệnh viện, anh Chung gọi điện thoại liên lạc với gia đình thông báo hoàn cảnh hiện tại của mình. Khi nghe tin đứa con trai út nhập viện, phải nằm phòng cách ly, cha anh Chung cùng gia đình ở quê như ngồi trên đống lửa. Mọi người hoảng loạn, lo sợ anh Chung nhiễm phải loại virus “tử thần” này. “Biết tôi vào đây nằm điều trị, cả nhà thay nhau gọi điện thoại hỏi thăm liên tục đến nỗi điện thoại của tôi hết cả pin. Bạn bè cũng đến thăm nhưng chỉ đứng ở phòng ngoài, không được vào trong” - anh Chung nói.
Chiều 2-11, khi được bác sĩ thông báo âm tính với virus Ebola, anh Chung mừng quá. Người nhà ở quê cũng nguôi đi nỗi lo. “Mấy ngày tới, chắc bố tôi sẽ vào đây thăm” - anh Chung cho biết.
Đêm trực toát mồ hôi
Là người đầu tiên trực tiếp khám cho bệnh nhân Chung, BS Phạm Ngọc Hàm, Trưởng khoa Y học nhiệt đới, cho biết khi nhận được tin sắp tiếp nhận một trường hợp nghi nhiễm virus Ebola, kíp trực cũng có chút tâm lý… căng thẳng. “Nghe đến Ebola ai mà không sợ. Nhưng chúng tôi đã động viên anh em lập vùng cách ly chỉ trong một giờ sau đó. Lúc đẩy bệnh nhân vào, mặc dù chưa có đồ bảo hộ “đặc chủng” nhưng các bác sĩ và y tá vẫn tiếp xúc với anh Chung để tìm hiểu bệnh”. BS Hàm nói thêm, theo kinh nghiệm, có thể xác định bệnh nhân bị sốt rét bởi vùng Guinea là tâm điểm của bệnh sốt rét với khả năng kháng thuốc cao. Nhưng kíp trực không dám loại bỏ khả năng nhiễm Ebola vì chỉ cần một chút sai sót sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
“Lần đầu tiên trong hai mươi mấy năm làm nghề tôi mới gặp một trường hợp sốt lên đến 5 (trên 40oC). Tức là mật độ ký sinh trùng sốt rét trong máu rất dày đặc, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ vỡ ra là tử vong ngay. Khi đã lên cơn thì sốt kinh khủng, đến nỗi giường bệnh nhân như rung lên gần nửa tiếng mới hạ” - BS Hàm cho biết. Trong đêm đầu tiên nhập viện, anh Chung lên cơn sốt 3-4 lần.
Sau khi lấy mẫu bệnh phẩm gửi ra Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm, BS Hàm cùng kíp trực “nín thở” chờ kết quả. “Mặc dù đã hết ca trực nhưng không ai ra về. Mọi người đều có chung tâm trạng muốn sớm biết được kết quả xét nghiệm. Khi nhận được kết quả lần đầu âm tính với Ebola, cả phòng mới thở phào nhẹ nhõm” - y tá Nguyễn Thị Thu Thảo cho biết.
Trước khi bước vào ca trực, tiếp nhận bệnh nhân nghi nhiễm Ebola, y tá Thảo không dám báo cho gia đình biết vì sợ họ lo lắng. “Trước đó, chúng tôi cũng đã từng chăm sóc cho các bệnh nhân bị H5N1, SARS… nên chỉ lo âu chứ không hoảng loạn” - y tá Thảo nói tiếp. Đó là một đêm trực toát mồ hôi đối với kíp trực.
Anh Chung tâm sự hơn hai ngày nằm điều trị tại đây anh mới hiểu hết nỗi vất vả, nhọc nhằn của kíp trực. Họ phải làm việc 24/24 giờ để theo dõi diễn tiến bệnh tình của anh. Mọi sinh hoạt cá nhân từ ăn uống, vệ sinh… đều được các điều dưỡng, y tá chăm sóc tận tình; áo quần được giặt giũ, phơi phóng. “Tôi rất cảm kích và chân thành cám ơn họ” - anh Chung giãi bày.
Lúc đó tôi cũng lo sợ vì nếu không may bị nhiễm virus Ebola thì sẽ lây lan cho rất nhiều người đã tiếp xúc.
Bệnh nhân CHU VĂN CHUNG
Mặc dù đây không phải là ca nhiễm Ebola nhưng chúng tôi vẫn xem đây như một đợt tập dượt, đề phòng khi có trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.
BS PHẠM NGỌC HÀM, Trưởng khoa Y học nhiệt đới
BV Đa khoa Đà Nẵng