BSCKI. Nguyễn Thị Thanh Mai - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, nguyên nhân người bệnh nhập viện điều trị viêm tụy cấp chủ yếu là do lạm dụng rượu, bia. Hiện tại, Khoa đang điều trị cho 30 người bệnh thì có đến 5 ca bị viêm tụy cấp. Ước tính, 70% các trường hợp viêm tụy cấp nhập viện ở đây là do lạm dụng rượu, bia.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thế H., 56 tuổi, có tiền sử nghiện rượu nhiều năm liền, vào viện trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, bí trung đại tiện. Trước đó, người bệnh đã vào Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, đến khi tình trạng diễn biến nặng, người bệnh được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Tại khoa Hồi sức tích cực- chống độc, qua khai thác triệu chứng và tiền sử, người bệnh được chỉ định chụp CT ổ bụng và làm các xét nghiệm cần thiết. Các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị viêm tụy cấp nặng. Tại đây, người bệnh được điều trị hồi sức tích cực, truyền dịch, thay huyết tương, lọc máu liên tục. Sau 3 ngày điều trị, dẫn lưu được 2000ml dịch viêm hoại tử, người bệnh đã qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ thăm khám cho người bệnh bị viêm tụy cấp đang điều trị tại BVĐK tỉnh Phú Thọ.
Theo bác sỹ Mai, các triệu chứng điển hình của viêm tụy cấp thường xuất hiện sau khi uống rượu, bia như: đau bụng một cách đột ngột vùng thượng vị, đau liên tục, dữ dội kéo dài nhiều giờ kèm theo buồn nôn, nôn, bí trung đại tiện, bụng trướng và đầy tức, khó chịu.
Ngoài ra, bệnh có thể tiến triển tới các biểu hiện khó thở do đau, do tràn dịch màng bụng, màng phổi. Nặng hơn có thể gây sốc nhiễm trùng nhiễm độc, suy đa tạng như suy hô hấp, suy thận, suy gan, nếu không cấp cứu và điều trị kịp thời, tỷ lệ người bệnh tử vong rất cao.
Hơn nữa, các trường hợp đã bị viêm tụy cấp do rượu bia nếu sau điều trị còn tiếp tục uống rượu, bia thì khả năng tái phát bệnh cao và lần sau mức độ bệnh sẽ nặng hơn những lần trước.
Ngoài những tác hại dễ nhận thấy sau khi uống rượu bia như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, uống nhiều rượu bia còn ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể, có thể dẫn đến viêm tụy, viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan, tăng nguy cơ ung thư miệng và thực quản, ung thư đại tràng.
Nhiều trường hợp nghiện rượu lâu năm còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh gút, đột quỵ, giảm sút trí nhớ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, mối quan hệ gia đình...
Do đó, hạn chế và điều chỉnh thói quen uống rượu, bia là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh viêm tụy cấp và các bệnh nói trên.
Tuyến tụy là một cơ quan rất quan trọng nằm trong ổ bụng, dài từ 12-15cm nằm dựa vào thành sau ổ bụng, tương ứng với đốt sống lưng số 2 và nằm lọt vào trong khung tá tràng. Tuyến tụy có vai trò tiết ra một số men giúp tiêu hóa chất đạm, đường và mỡ từ thức ăn.
Viêm tụy cấp là tình trạng viêm cấp tính ở tụy do hoạt hóa các men tuỵ dưới dạng chưa hoạt động (tiền men) ngay tại tụy gây ra sưng, phù nề tổ chức tụy hoặc nặng hơn nữa là gây ra chảy máu, hoại tử nhu mô tụy.
Thông thường, các men này khi xuống ruột non mới hoạt động để phân hủy thức ăn giúp cho quá trình hấp thu tại ruột, nhưng khi tụy bị viêm nó được hoạt hóa ngay tại tụy và phân hủy luôn cả tổ chức tụy gây hoại tử trong nhu mô tụy và các cơ quan xung quanh.