1. Mối quan hệ giữa ung thư vú và ung thư buồng trứng
Ung thư vú và ung thư buồng trứng có mối liên hệ với nhau thông qua một số yếu tố khác nhau, bao gồm đột biến gene làm tăng nguy cơ mắc cả hai bệnh ung thư. Nếu một người được chẩn đoán mắc một trong những bệnh ung thư này, sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh kia.
Theo BSCKI Hoàng Trọng Điểm, chuyên khoa Ung bướu, ung thư vú và ung thư buồng trứng là hai căn bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Các yếu tố nguy cơ mắc ung thư vú bao gồm: tuổi cao, tiếp xúc với các chất sinh ung thư, hút thuốc lá, uống rượu, thừa cân, béo phì, ít vận động và một số yếu tố di truyền.
Yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư vú bao gồm: tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, tiền sử có kinh sớm, mãn kinh muộn, thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai hoặc hormone nội tiết estrogen thay thế…
Đối với ung thư buồng trứng, các yếu tố được cho là có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở các trường hợp phụ nữ có kinh nguyệt không đều; phụ nữ qua thời kỳ mãn kinh hoặc sinh đẻ ít; dùng thuốc kích thích rụng trứng, dùng liệu pháp thay thế hormone hậu mãn kinh; người bị ung thư vú.
Nếu bị ung thư vú, người phụ nữ cũng có thể tăng nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tiền sử gia đình mắc một số loại ung thư khác như ung thư đại trực tràng và ung thư vú có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Điều này là do những bệnh ung thư này có thể do đột biến di truyền ở một số gene gây ra hội chứng ung thư gia đình làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
Cần lưu ý, một số yếu tố nguy cơ sinh sản đối với ung thư buồng trứng cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú. Nguy cơ ung thư buồng trứng sau mắc ung thư vú cao nhất ở những phụ nữ có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú.
TS.BS Lê Hồng Quang - Trưởng khoa Ngoại vú, Bệnh viện K khuyến cáo: Việc phát hiện sớm ung thư vú rất quan trọng vì nó giúp tăng khả năng chữa khỏi và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khi phát hiện sớm, người bệnh có nhiều cơ hội để tiếp cận với các phương pháp điều trị hiệu quả và phòng ngừa những biến chứng khác.
2. Nội tiết tố và gene di truyền ảnh hưởng đến cả hai loại ung thư
Nghiên cứu cho thấy, ung thư vú và ung thư buồng trứng có thể liên quan đến nhau vì nhiều lý do. Các yếu tố nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến cả hai bệnh ung thư và cũng có một số đột biến gene, đáng chú ý nhất là BRCA1 và BRCA2, làm tăng nguy cơ mắc cả hai bệnh ung thư.
Yếu tố nội tiết tố: Có nhiều loại ung thư vú khác nhau và nhiều loại ung thư đáp ứng với hormone. Nếu ung thư vú dương tính với thụ thể hormone, hormone estrogen sẽ thúc đẩy ung thư. Buồng trứng sản xuất hormone này.
Những người bị ung thư vú dương tính với thụ thể hormone có thể dùng thuốc kháng estrogen (liệu pháp nội tiết tố) hoặc chọn cắt bỏ buồng trứng để ngăn chặn sự phát triển của ung thư.
Yếu tố di truyền: Các gene phổ biến nhất làm tăng nguy cơ ung thư vú (cũng như ung thư buồng trứng) là gene BRCA1 và BRCA2. Ngoài ra, những tiến bộ trong phân tích gen cũng đã tìm thấy một số gene khác có thể làm tăng nguy cơ mắc cả hai loại ung thư.
Mặc dù mắc ung thư vú và ung thư buồng trứng cùng lúc là không phổ biến, nhưng việc mắc bệnh này làm tăng nguy cơ phát triển bệnh kia, đặc biệt đối với những người bị đột biến gene.
Do đó, những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng nên được theo dõi và sàng lọc bệnh ung thư khác trong suốt quãng đời còn lại để giảm nguy cơ phát triển hoặc phát hiện và điều trị kịp thời ở giai đoạn sớm.
3. Nên tầm soát ung thư vú và ung thư buồng trứng định kỳ
Ung thư vú và ung thư buồng trứng có hiệu quả điều trị tốt nếu được phát hiện sớm. Càng phát hiện muộn thì hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống càng kém. Hiện nay, nhờ những tiến bộ của y học giúp tăng hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Vì vậy tầm soát ung thư chính là cách phát hiện bệnh sớm và gia tăng tỷ lệ điều trị thành công, nhất là những phụ nữ có nguy cơ cao.
Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tự khám vú thường xuyên và khám tầm soát ung thư định kỳ.
Thời điểm phụ nữ nên tầm soát ung thư buồng trứng là giai đoạn mãn kinh, sau 50 tuổi nên tầm soát định kỳ hàng năm tại cơ sở y tế chuyên khoa.
Ngoài ra, nếu tiền sử gia đình cho thấy có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao, phụ nữ có thể cân nhắc tư vấn và xét nghiệm di truyền để dự đoán có khả năng mắc một trong các đột biến gene liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư buồng trứng hay không.
Xem thêm video đang được quan tâm
Bác sĩ chỉ ra các dấu hiệu của ung thư tinh hoàn