Hà Nội

Bệnh nhân ung thư vú: Biến địa ngục thành thiên đường

23-04-2014 07:02 | Tin nóng y tế
google news

Những dòng nhật ký của chị Phan Thị Hạnh, giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân, một bệnh nhân ung thư vú chứa đựng những cảm xúc rất thật của một người mang trong mình căn bệnh nan y.

LTS: Những dòng nhật ký của chị Phan Thị Hạnh, giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân, một bệnh nhân ung thư vú chứa đựng những cảm xúc rất thật của một người mang trong mình căn bệnh nan y. Từ hy vọng đến tuyệt vọng và tìm cách thoát ra khỏi sự tuyệt vọng đó để nhìn về phía trước với niềm lạc quan đầy mơ ước…

"Tôi đã từng có một chuyến đi mơ ước sau 8 tháng 8 ngày vật lộn trong bệnh viện với ung thư vú giai đoạn III, chưa phát hiện di căn xa. Hai tháng sống và học tập ở nước Úc trong môi trường giáo dục và văn hoá dễ chịu, được học những thứ mình muốn, làm những điều mình thích, khiến tôi hơn một lần so sánh với thiên đường. Và tôi ước, giá như những ngày vật lộn với hoá chất, phẫu thuậtphóng xạ chỉ là cơn ác mộng duy nhất trong đời...

Bức ảnh này được chị Hạnh đặt tên là Nhìn về cái chết. Bức ảnh chụp chị đứng ở khu Zone 9 cũ, nhìn về phía nhà tang lễ 108, Hà Nội.

Bức ảnh này được chị Hạnh đặt tên là "Nhìn về cái chết". Bức ảnh chụp chị đứng ở khu Zone 9 cũ, nhìn về phía nhà tang lễ 108, Hà Nội.

Thế rồi đúng vào một lần đi chơi ở công viên có tên Miền đất Ước mơ (Dream Land), tôi phát hiện mình có một cục u lồi hẳn ra sau gáy. Cảm giác lúc ấy thật hoảng loạn. Tôi tốn rất nhiều tiền gọi điện thoại về Việt Nam cho các bác sĩ đã chữa trị cho tôi và hỏi về nguy cơ di căn xa. Cũng từ đó, tôi tiếp tục những ngày học tập ở Úc nhưng mất luôn cảm giác của thiên đường. Nửa tháng sau khi trở về Việt Nam, bác sĩ thông báo tôi đã bị di căn vào gan, đa ổ, tiên lượng xấu. Cuộc sống lại đưa tôi sang một trang mới, một cuộc khủng hoảng của bản thân và gia đình đã diễn ra trên nhiều chiều cạnh... Tôi bị hoá chất Gem vùi xuống đáy của sự sống, để rồi tôi phải ngưng hoá chất và tạm xa rời bệnh viện, sống một cuộc sống Không Bình Thường cho đến nay...

Bệnh tật đã lấy đi thật nhiều sức lực, tiền bạc và nước mắt. Nhưng bệnh tật lại dạy tôi biết yêu thương nhiều hơn, đúng ra là biết thưởng thức từng giọt sống, hân hoan vì những điều giản dị và bé nhỏ. Cũng nhiều lúc ngã lòng vì mệt mỏi hay đau đớn, và cũng nhiều đêm thao thức trăn trở như đêm nay. Nhưng rồi tiếng thở của con thơ trong đêm vắng, nụ cười và ánh mắt con, cùng những cái ôm trong vòng tay yêu dấu lại là động lực để sống, cùng với đau đớn và nhọc nhằn, để yêu, để củng cố niềm tin và hy vọng..."

Như bao người phụ nữ bình thường khác, chị có những cảm xúc dịu êm bên người chồng thân thương, người đã luôn ở bên chị mỗi bước đường đi lối về. Những hoài niệm thời thơ ấu ùa về đầy yêu thương và đẹp đẽ. Giá như số phận có thể cho chúng ta sống mãi bên những người mình yêu thương.

CẢM XÚC THÁNG TƯ

"Tháng Tư về, như là mong đợi. Mơ hồ mùa Hè trong không khí sớm mai anh chở em đến bệnh viện . Con đường lầm bụi đến bệnh viện, oái ăm lại cùng tuyến đường ra nghĩa trang thành phố... Em vẫn cố tìm cảm xúc cuối mùa Xuân giữa những cơn đau. Dòng sông (giống như là sông đào hơn là những dòng chảy tự nhiên từ xa xưa để lại) bé, hẹp lòng, toàn bê tông và những chiếc cầu xấu xí. May là bên kia đường vẫn sót lại vài cành tầm xuân hồng nhạt dịu hiền. Cây bưởi cuối mùa hoa vẫn lác đác chút màu trăng trắng. Em gồng lên trong cơn đau như lửa đốt, khắc khoải dõi nhìn những hàng rào nhà máy cứ mênh mang.

Cảm xúc tháng tư
Cảm xúc tháng tư

Chẳng có lãng mạn cả từ khi còn trẻ, nhưng em cảm nhận được tình anh qua những gượng nhẹ ổ gà. Và cuối cùng anh bật ra câu hỏi: "Mai mình đi taxi em nhé!". Không có những lời ngọt ngào có cánh, nhưng anh bỏ thói quen uống cà phê sáng ở cantin để theo em lên buồng bệnh. Với em, vậy là đủ...

Buổi sáng tinh sương đầu tháng mới, anh ngược đường đưa em đi ký giấy tờ, chính thức từ bỏ quyền sở hữu cái tài sản lớn nhất bố mẹ cho em. Anh ngược đường đưa em về với những người bạn từ bé thơ. Anh ngược đường đưa em về lại chốn xưa, nơi những ấu thơ trong trẻo...

Sớm mai ấy, em tự cho mình quyền được rời bỏ bệnh viện trong vài tiếng đồng hồ buổi sáng, rời bỏ những ràng buộc vật chất cuối cùng cũng là phù dù, để dấn thân tìm lại em xưa, cùng cô ấy... Cô ấy đưa em qua những nẻo đường ấu thơ bọn em đã cùng lớn lên. Hoa cẩm chướng, đồng tiền ta hay xu xi là những thứ đã thuộc về kỷ niệm. Ngược đường, ngược thời gian và tất cả, cô ấy sẵn sàng nắm tay em về lại bé thơ yêu dấu. Giữa những cơn thở gấp gáp, em nhủ lòng mình ráng chịu đựng để đi đến tận cùng. Thế mà trời thương thật, vì em đã qua được ngần ấy đường đất, tìm về từng nơi. Ngôi nhà ấu thơ vẫn còn cây hồng xiêm gần bằng tuổi em được lấy giống chính gốc Xuân Đỉnh. Sân trường và nơi hẹn hò ngày còn nhỏ. Em vẫn còn nhớ cái váy sặc sỡ (và hình như là duy nhất) em đã mặc để đi tìm cậu ấy. Cô ấy hỏi em có muốn xuống xe để ngắm nhìn, và em nghẹn ngào từ chối. Một phần em sợ sẽ làm ảnh hưởng đến sự trọn vẹn của phần còn lại trong chuyến đi, và điều lớn hơn là em sợ mình sẽ òa khóc... Rồi bọn em đi tìm mua hồng xiêm, Xuân Đỉnh, phải là Xuân Đỉnh cơ. Dù là tiền đi có thể gấp nhiều lần tiền quả, nhưng đã cho một đam mê đến tận cùng, còn điều gì là không thể. Thế mà chẳng có hồng Xuân Đỉnh, em bỗng nhớ quả Kiwi vàng, dù mùi vị không có gì liên quan, nhưng màu da và dáng quả cũng có chút gì gợi nhớ. Mùa tháng Tư, nhót chín đỏ rực gánh quà. Cô ấy gọi lại, rồi bỗng ngập ngừng. Em không ăn nhót, nhưng cô ấy thường bảo, nhót bây giờ dù chín vẫn chát hơn ngày xưa..."

Phan Thị Hạnh

Nhật ký của tôi: Từ Thiên đường xuống địa ngục và biến địa ngục thành thiên đường

Diễn đàn Ung thư Việt Nam


Ý kiến của bạn