GS.TS Mai Trọng Khoa, PGĐ BV Bạch Mai, GĐ Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu của BV cho biết: Tại Trung tâm, có rất nhiều bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn đã được chữa khỏi. Nhờ áp dụng những kỹ thuật mới trong điều trị ung thư, một bệnh nhân và cũng là một bác sĩ đã thoát khỏi án tử ung thư 5 năm nay dù căn bệnh ung thư phổi đã di căn khắp cơ thể "từ đầu đến chân". Và như đã biết, bệnh nhân ung thư sống sót sau 5 năm phát hiện bệnh thì có thể coi là khỏi bệnh hoàn toàn.
"Vị bác sĩ này phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn muộn cách đây hơn 5 năm. Bệnh nhân không có biểu hiện đau đớn gì ngoài ho kéo dài 3-4 tuần, uống thuốc mãi không khỏi. Chỉ đến khi đi chụp PET/CT quét toàn thân thì mới phát hiện ung thư phổi giai đoạn 4B tức là đã rất muộn. Bệnh đã di căn tràn lan đến cột sống, tủy xương và sau đó khối u di căn lên não, đẩy nhãn cầu lồi ra phía trước, ép bong võng mạc"- GS. Khoa thông tin.
Cũng theo GS. Khoa, trong ung thư, người ta chia thành các giai đoạn từ 1, 2, 3, 4A và 4B. Trước đây, với các bệnh nhân ung thư di căn giai đoạn 4B như vậy, thường chỉ áp dụng các phương pháp điều trị triệu chứng, chăm sóc giảm nhẹ, nâng cao thể trạng... Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân này, do ý thức tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị cùng với việc áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất như chụp PET/CT vừa để chẩn đoán, vừa để mô phỏng lập kế hoạch xạ trị và sau đó là phẫu thuật bằng dao gamma quay, tiếp đó là duy trì hóa chất, thuốc điều trị đích.... bệnh nhân đã chiến thắng được căn bệnh, toàn bộ khối u không còn. Vị bác sĩ này hiện đã khỏe mạnh, đi làm bình thường, đủ sức khỏe đi làm từ thiện khắp nơi...
Nói về căn bệnh ung thư, GS. Khoa cho rằng, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao nhất trên thế giới. Hàng năm, số lượng người mới mắc bệnh không ngừng tăng lên và một tỷ lệ rất lớn trong số đó đã tử vong. Theo số liệu của Globocan (2012) riêng trong năm 2012 tại Việt Nam có 125.000 ca ung thư mới mắc và 94.700 người tử vong vì căn bệnh này. Tuy nhiên, có rất ít bệnh nhân ung thư ở Việt Nam được chẩn đoán sớm và điều trị sớm, hầu hết ở giai đoạn muộn, di căn và biến chứng. Do đó việc điều trị gặp nhiều khó khăn, chi phí điều trị tăng cao, nhưng hiệu quả điều trị thấp, tỷ lệ tái phát, tử vong cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Việc điều trị ung thư thường phải phối hợp nhiều phương pháp như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, điều trị đích.... Trong đó có hơn 50% số bệnh nhân ung thư ở nước ta có chỉ định sử dụng bức xạ ion hóa để chẩn đoán và đặc biệt để điều trị với các kỹ thuật xạ trị chiếu ngoài, chiếu trong, xạ phẫu, xạ trị áp sát, cấy hạt phóng xạ, xạ trị trong chọn lọc...
Triệu chứng:
• Ho kéo dài có đờm lẫn máu kèm đau ngực.
• Tức ngực, hơi thở ngắn, thở nông, thở khò khè, khó chịu trong lúc thở.
• Sụt cân, mệt mỏi, khàn giọng, khó nuốt, đau xương.
• Khoảng 13% bệnh nhân không biểu hiện bất cứ một triệu chứng nào như trên dù khối u đã được phát hiện.
Nguyên nhân:
• 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá.
• Công việc tiếp xúc với bụi silic hoặc nghề nghiệp liên quan đến luyện thép, ni-ken, crôm và khí than.
• Tiếp xúc với tia phóng xạ có hít thở không khí chứa khí radon. Radon là một chất khí không màu, không mùi, sinh ra từ chất phóng xạ dưới mặt đất và có thể ngấm vào nguồn nước dưới lòng đất.
• Các chất gây ô nhiễm không khí.
• Yếu tố gene.
Cách phòng chống:
• Giữ vệ sinh môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ.
• Chế độ ăn, nghỉ ngơi lành mạnh.
• Tham gia các bộ môn thể thao để rèn luyện thể chất.
• Phẫu thuật loại bỏ khối u: Hiệu quả khi khối u còn nhỏ và chưa di căn.
• Tia xạ: Phương pháp điều trị này kéo dài đời sống của bệnh nhân nhưng ít khi chữa khỏi bệnh.
• Điều trị bằng hóa chất: Để loại bỏ những tế bào ung thư.
• Điều trị hỗ trợ: Áp dụng cho những bệnh nhân bị giai đoạn cuối không thể điều trị được những phương pháp trên bao gồm chăm sóc, làm giảm đau... (Theo Nhà xuất bản Y học)