Ngày 4/7, thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) được biết, các bác sĩ tại Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình đã phẫu thuật thành công cho trường hợp bệnh nhân bị khuyết hổng lớn vùng cùng cụt (xương cụt nằm ngay dưới xương cùng là phần cuối cùng của đốt sống) bằng kĩ thuật chuyển vạt. Đây là kĩ thuật mới lần đầu tiên được áp dụng tại bệnh viện.
Trước đó bệnh nhân H. H. (74 tuổi) trú tại xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) nhập viện cấp cứu, điều trị bệnh nhồi máu cơ tim. Sau hơn một tháng nằm một chỗ điều trị, bệnh nhân bị khuyết hổng phần mềm vùng cùng cụt do loét tỳ đè. Các bác sĩ đã hội chẩn và và quyết định tiến hành phẫu thuật chuyển vạt ghép da cho bệnh nhân.
Đây là phương pháp tối ưu được đưa ra giúp giảm bớt biến chứng và di chứng cho người bệnh, trong đó có nguy cơ hoại tử xương. Phương pháp này giúp che phủ được những gân, xương, thần kinh và/hoặc mạch máu bị lộ và phục hồi sớm giải phẫu và chức năng các cơ quan.
Hiện, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt, vùng da khuyết hồng được bồi đắp, hồng hào, vết mổ khô.
Bác sĩ CKI Nguyễn Duy Tùng, Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, trưởng kíp phẫu thuật chia sẻ, những bệnh nhân bị hoại tử, khuyết hổng phần mềm vùng cùng cụt khi chăm sóc và điều trị rất khó khăn vì thông thường bệnh nhân lớn tuổi và có nhiều bệnh mạn tính kèm theo.
Phẫu thuật chuyển vạt che phủ khuyết hổng phần mềm vùng cùng cụt giúp bệnh nhân kéo dài được tuổi thọ và có chất lượng sống tốt hơn. Đây là một kĩ thuật khó đòi hỏi ê kíp mổ phải có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn kĩ thuật cao.
Bác sĩ Tùng cho biết thêm, loét tỳ đè vùng cùng cụt là biến chứng nặng nề, thường gặp ở những bệnh nhân nằm lâu ngày. Do đó, việc chăm sóc, phòng ngừa loét cho bệnh nhân rất quan trọng trong quá trình điều trị. Để phòng ngừa loét hiệu quả, trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nằm trên giường lâu ngày, cần phải làm vệ sinh thường xuyên như lau khô mồ hôi, làm mát vùng tỳ đè. Tư thế nằm ngửa cần có gối mềm kê ở các vùng thắt lưng và mông. Cần chăm sóc da để da khô, sạch. Đồng thời cần quan tâm đến đại tiện và tiểu tiện của bệnh nhân không để dây bẩn ra các vùng cơ quan sinh dục, chậu hông, lưng...
Mỗi ngày xoa bóp cho người bệnh ít nhất 3 - 4 lần ở vùng da bị tì đè. Thường xuyên thay đổi tư thế nằm cho bệnh nhân (nghiêng trái, nghiêng phải, nằm sấp…) thời gian khoảng 1 - 2 giờ một lần. Đặt tư thế bệnh nhân nằm thoải mái nhất. Vải trải giường cần khô, sạch, phẳng. Cho bệnh nhân nằm đệm hơi chống loét. Bên cạnh đó bệnh nhân cần có chế độ ăn uống đảm bảo chất dinh dưỡng, cân bằng các chất đạm, mỡ, vitamin, khoáng chất.
Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng