Trong khi các quốc gia như Canada và châu Âu không còn yêu cầu nhịn ăn để kiểm tra máu thì Mỹ và nhiều quốc gia khác vẫn tuân theo hướng dẫn này. TS. Saleh Aldasouqi - bác sĩ nội tiết tại Đại học Y khoa Đại học Michigan và là tác giả chính của nghiên cứu này cho biết: Nhịn ăn được coi là một việc quan trọng để có được kết quả xét nghiệm chính xác trong nhiều hệ thống chăm sóc sức khỏe khi đo nồng độ cholesterol, gan, thận và glucose... Nhưng đối với bệnh nhân tiểu đường thì việc làm này lại có thể gây nhiều nguy hiểm cho họ.
Nhiều loại thuốc trị tiểu đường được sử dụng trong điều trị bệnh tiểu đường loại 2 sẽ làm giảm lượng đường trong máu bằng cách kết hợp tăng tiết insulin của cơ thể và tăng độ nhạy cảm chung với insulin - cả hai đều có thể dẫn đến lượng đường trong máu thấp nếu bệnh nhân bỏ bữa. Mặt khác, lượng đường trong máu cao cũng có thể xảy ra ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường loại 1 bỏ bữa sáng vì phản ứng sinh lý bình thường từ gan để giải phóng glycogen và chuyển hóa thành glucose để cơ thể sử dụng làm nhiên liệu. Vì vậy, yêu cầu một bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường bỏ bữa sáng mà không hướng dẫn cách điều chỉnh thuốc an toàn có thể gây nguy hiểm cho họ.