Bệnh nhân L.M.C, 46 tuổi bị ngã gập cổ do tai nạn giao thông. Sau ngã, bệnh nhân yếu liệt tứ chi, rối loạn đại tiểu tiện được người nhà đưa vào Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội) cấp cứu.
Sau khi khám và chụp phim CT, cộng hưởng từ, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị chấn thương cột sống cổ, rách đĩa đệm C3, C4, dập tủy cổ ngang C3, C4 gây yếu liệt tứ chi, rối loạn đại tiểu tiện.
Các bác sĩ đã hội chẩn và lên lịch mổ cấp cứu ngay bằng phương pháp phẫu thuật cột sống cổ lối trước giải phóng chèn ép thần kinh.
Ca phẫu thuật do ekip bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Việt - Trưởng khoa Ngoại chấn thương; BSCKI. Bùi Việt Phương thực hiện đã diễn ra thành công. Sau mổ bệnh nhân phục hồi một phần tứ chi từ 0/5 lên 2/5, cải thiện cảm giác ngực bụng. Bệnh nhân tiếp tục được tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật để cải thiện vận động.
BSCKI. Bùi Việt Phương cho biết: Nhờ có phương pháp hiện đại, mổ nhanh bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ biến chứng liệt tứ chi do dập tủy cổ, đường mổ nhỏ giảm nguy cơ nhiễm trùng, có thể ngồi dậy tập phục hồi chức năng sớm, tránh nguy cơ biến chứng do nằm lâu.
Hình ảnh cột sống cổ trước và sau phẫu thuật.
Các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần cẩn thận, chú ý trong các hoạt động hàng ngày. Nếu không may xảy ra tai nạn người bệnh cần được sơ cứu đúng cách bằng cố định nẹp cổ. Sau đó, đến cơ sở y tế để được thăm khám, kiểm tra và can thiệp kịp thời bởi các bác sĩ chuyên khoa, tránh những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng hoặc tàn phế suốt đời.
Để bảo vệ cột sống cổ và phòng ngừa bệnh thoái hóa, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, nên:
- Tập thể dục đều đặn; phòng chống béo phì.
- Có chế độ vận động thể dục thể thao hợp lý, bảo vệ cột sống tránh quá tải.
- Không nên làm việc quá lâu tại bàn giấy, đặc biệt với máy vi tính, cứ mỗi 30 - 40 phút nên dừng lại để thực hiện các động tác vận động cột sống cổ, vai và tay. Các động tác tự xoa bóp vùng cổ gáy có tác dụng tốt chống thoái hóa.
- Giảm bớt thời gian trước màn hình điện thoại và nên đặt điện thoại ngang với tầm mắt khi sử dụng vì dùng điện thoại nhiều không chỉ ảnh hưởng đến ngón tay, mà còn ảnh hưởng đến vùng cổ.
- Giữ ấm vùng cổ vai khi trời lạnh, khi đi xe máy và đi ngủ. Khi nằm ngủ chú ý giữ đầu thẳng với cột sống để có giấc ngủ ngon, thoải mái.
- Tránh các động tác làm căng cơ cổ như xách vật nặng một tay, đeo túi xách, bê vác nặng…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Mua vé dễ dàng - Hành khách háo hức trải nghiệm tàu sắt Cát Linh - Hà Đông.