Bệnh nhân thoát khỏi tàn phế nhờ... xương đùi nhân tạo

15-11-2019 13:48 | Camera bệnh viện

SKĐS - Thay thế xương đùi bằng xương nhân tạo in 3D vừa được thực hiện thành công tại BVĐK Xanh Pôn. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện kỹ thuật tiên tiến này thay vì cắt bỏ xương đối với những bệnh nhân bị u xương như trước đây.

Sự thành công này đã mở ra khả năng ứng dụng ngày càng rộng rãi hơn trong việc bảo tồn chi cho bệnh nhân mắc các bệnh lý như u xương hoặc tổn thương cũ gây mất đoạn xương dài. Công nghệ này có chi phí phù hợp với túi tiền của người bệnh cũng như có tính khả thi để thực hiện ở nhiều cơ sở y tế.

Cơ hội vận động bình thường và chất lượng sống nâng lên

Bệnh nhân Khuất Hữu T. (46 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) mới được ghép đoạn xương nhân tạo cách đây không lâu. Ông T. mắc bệnh u xương chỏm đùi đã 5 năm. Trước khi được phẫu thuật, ông T. đi lại rất khó khăn, khi ngồi phải lệch về một bên, lúc ngủ cũng phải nằm nghiêng một bên.

Vì vậy, ông được các bác sĩ BVĐK Xanh Pôn tư vấn phẫu thuật sớm bởi khối u xương của ông đã chuyển thành u ác tính, gây mất đoạn, khuyết hổng tổ chức xương đùi. Nếu không phẫu thuật kịp thời, phần xương bị hổng sẽ khiến ông T. nhanh chóng bị tàn phế và suy giảm nặng nề chất lượng cuộc sống.

Sau khi được chữa trị, ông đã không còn đau đớn, cũng không phải ngồi nghiêng, nằm nghiêng như trước mà tự tin hơn trong cuộc sống hàng ngày. Hiện ông T. tỏ ra rất thoải mái khi đi lại, có thể tự đứng bằng hai chân trong vòng vài phút mà không cần chống nạng.

BS. Phạm Trung Hiếu - Trưởng Đơn nguyên Phẫu thuật khớp háng và khung chậu, Khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao, BVĐK Xanh Pôn chia sẻ: Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ghép xương đùi nhân tạo từ vật liệu peek để bảo tồn chi thể. Nhóm bác sĩ chúng tôi tự hào khi được tham gia ca phẫu thuật, được hợp tác với các kỹ sư tiên phong trong lĩnh vực vật liệu y sinh trong nước.

xương đùi nhân tạoPGS.TS. Trần Trung Dũng cùng các thầy thuốc thăm khám lại cho bệnh nhân.

Thông tin về ca bệnh trên được chia sẻ tại hội thảo khoa học “Vật liệu y sinh peek và công nghệ 3D: Bước tiến mới trong chấn thương chỉnh hình”. Tại hội thảo, các chuyên gia khẳng định với sự kết hợp của vật liệu y sinh peek và công nghệ 3D, các bệnh nhân gặp vấn đề về tổn thương xương, khuyết xương, ung thư xương... sẽ có cơ hội được vận động bình thường thay vì phải chấp nhận bị tàn tật vĩnh viễn như trước.

Công nghệ 3D mở ra triển vọng mới cho phẫu thuật chấn thương chỉnh hình

PGS.TS. Trần Trung Dũng - Phó Giám đốc BVĐK Xanh Pôn cho biết, ung thư xương là bệnh lý hiếm gặp nhưng có chiều hướng gia tăng với tỷ lệ ung thư xương nguyên phát chiếm 1% trong các loại ung thư và ung thư xương thứ phát phổ biến hơn.

Từ thực tiễn thăm khám và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân của mình, BS. Dũng cho biết, tỷ lệ bệnh nhân ung thư xương hay gặp nhiều ở nhóm tuổi trẻ (khoảng 20 tuổi) và tỷ lệ nữ chiếm tới 90%, chủ yếu ung thư khớp gối. Ung thư xương hay gặp ở những phần khớp, trước đây các bác sĩ sẽ tiến hành cắt rộng rãi bao gồm phần xương ung thư và phần mềm, cơ để ngăn cản việc di căn. Vì thế, những bệnh nhân này sẽ bị mất chức năng vận động hoàn toàn, gây ảnh hưởng đến hoạt động, thẩm mỹ và tâm lý cho bệnh nhân.

Những kỹ thuật trước đây như ghép xương đồng loại, thay khớp kèm ghép xương đồng loại... gặp nhiều hạn chế vì thiếu nguồn cung, gặp vấn đề về thải ghép và khả năng mắc các bệnh lây nhiễm.

“Tuy nhiên, với vật liệu peek mới này, những bệnh nhân ung thư xương sẽ có cơ hội được vận động trở lại với khả năng hỗ trợ của vật liệu giúp tái tạo khả năng vận động khoảng 70-80% so với trước. Tại Bệnh viện K, những bệnh nhân được phẫu thuật can thiệp bằng vật liệu này đã có hiệu quả cao trong việc tự vận động, tự đi lại không sử dụng tới nạng”, PGS.TS. Trần Trung Dũng thông tin.

Cũng theo BS. Dũng, có 3 tiêu chí để các bác sĩ quyết định có phẫu thuật và ứng dụng vật liệu peek hay không là bệnh nhân phải đáp ứng hóa chất, tổn thương còn khu trú tại chỗ và không có dấu hiệu di căn xa.

Hiện nay, đã có 20 ca được ứng dụng vật liệu này cho cả tổn thương xương ở khớp tay và khớp chân, trong đó có 2 ca khớp chân khó nhất vừa được can thiệp thành công tại BVĐK Xanh Pôn và Bệnh viện K, mang lại sự vận động cho người bệnh. Chi phí cho 1 ca phẫu thuật xương sử dụng vật liệu peek khoảng 50-60 triệu và cũng đang được nhóm hỗ trợ nghiên cứu một phần chi phí.

Theo PGS.TS. Trần Trung Dũng, vật liệu y sinh peek và công nghệ 3D đang mở ra triển vọng mới cho phẫu thuật chấn thương chỉnh hình nói chung và phẫu thuật tái tạo xương khớp nói riêng.


Bình Hoàng
Ý kiến của bạn