GS.TS. Nguyễn Lân Việt - Giám đốc Dự án phòng chống bệnh tăng huyết áp bày tỏ lo ngại của một chuyên gia về các bệnh liên quan đến tim mạch khi ông cho biết đã có nhiều trường hợp người trẻ 30 tuổi, thậm chí dưới 30 tuổi là bệnh nhân của Viện Tim mạch vì các chứng bệnh liên quan đến tăng huyết áp, tim mạch...
30 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim
Theo thống kê của Viện Tim mạch quốc gia, số ca mắc tăng huyết áp ở Việt Nam tăng rất nhanh. Nếu như năm 1960 toàn dân chỉ có khoảng 1% tăng huyết áp, nhưng năm 1990 con số này là 8-9% người trưởng thành, đến năm 2008 con số này lên 25,5% và hiện ở mức khoảng 30% người trưởng thành, tương đương 4 người lớn có 1 người bị tăng huyết áp. Như vậy có nghĩa khoảng gần 11 triệu người Việt tuổi từ 25-64 bị tăng huyết áp. Số mắc tăng, xác suất có biến chứng cũng tăng theo. Nếu như trước đây nhồi máu cơ tim là bệnh thường chỉ có đối với nhóm người cao tuổi (50-60 tuổi hoặc cao hơn). Tại Viện Tim mạch quốc gia đã có những bệnh nhân đột tử khi mới 25 tuổi do nguyên nhân tim mạch, thậm chí có bệnh nhân mới 21 tuổi đã có huyết áp cao hoặc 30 tuổi bị nhồi máu cơ tim.
Người trẻ tuổi cũng cần kiểm tra huyết áp thường xuyên.
Trả lời câu hỏi vì sao người trẻ bị mắc các chứng bệnh tăng huyết áp, tim mạch, GS. Việt cho rằng, stress do áp lực cuộc sống và công việc, chế độ ăn mặn - ăn quá nhiều muối, thịt và mỡ động vật, ít rèn luyện thể lực, ít rau xanh... là những căn nguyên chính khiến số mắc tăng huyết áp tăng cao ở Việt Nam, trong đó có nhóm người trẻ tuổi. Bên cạnh đó, rất nhiều người trẻ đang mắc bệnh tăng huyết áp do uống nhiều bia rượu, gặp nhiều áp lực trong cuộc sống. Những bệnh nhân trẻ này thường thiếu kiến thức về dinh dưỡng, họ có thể uống hàng chục cốc bia, rượu, trong khi không chú ý đến việc ăn uống các thực phẩm khác...
Kẻ giết người thầm lặng...
“Tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng vì có rất nhiều biến chứng nguy hiểm, nguy hiểm nhất là đột quỵ, ngoài ra có những biến chứng nguy hiểm không kém của tăng huyết áp là biến chứng lên mắt, thận, tim mạch... Nếu gặp biến chứng của tăng huyết áp ở mắt thì có khả năng sẽ mù vĩnh viễn, không thể điều trị bằng thay thủy tinh thể như bệnh đục thủy tinh thể” - GS. Việt cảnh báo. Thế nhưng trên thực tế nhiều người Việt Nam bị biến chứng nặng thậm chí tử vong vì chủ quan, lơ là với căn bệnh tăng huyết áp. Trong số những người bị tăng huyết áp ở nước ta qua điều tra, có tới 52% không biết mình bị mắc bệnh, 30% số người biết bị bệnh nhưng không điều trị và có tới 64% số người biết bị tăng huyết áp đã được điều trị nhưng không đạt huyết áp mục tiêu.
Nói về nguyên nhân người Việt chủ quan với căn bệnh tăng huyết áp, theo GS. Nguyễn Lân Việt, ban đầu người bệnh có thể xuất hiện một vài triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, ù tai... Tuy nhiên, những triệu chứng này người bệnh thường chủ quan bỏ qua, không đi khám sớm mà cho rằng đó là do mệt mỏi đơn thuần gây nên. Thậm chí, một số người biết mình bị tăng huyết áp nhưng khi uống thuốc thấy đỡ thì tự ý dừng luôn, không tái khám và theo dõi bệnh theo chỉ định của bác sĩ. Nhiều trường hợp lúc thấy có triệu chứng đau đầu xuất hiện thì tiếp ngay sau đó cũng là kết thúc cuộc đời của họ, do đã bị xuất huyết não nặng nề... GS. Nguyễn Lân Việt cho rằng, tuân thủ điều trị khi đã được kết luận tăng huyết áp là một vấn đề khá yếu ở người bệnh Việt Nam. Đã có nhiều trường hợp sau một thời gian điều trị, thấy huyết áp đã giảm về mức gần bình thường là ngừng sử dụng thuốc, tuy nhiên nếu tiếp tục giữ lối sống, chế độ ăn và sinh hoạt như cũ thì huyết áp lại tăng, nguy cơ gặp cơn đột quỵ không phải ít. Khác với nhiều căn bệnh khác gây tình trạng nặng ngay lập tức khiến người mắc bệnh lo lắng chữa trị ngay, tăng huyết áp lại rất thầm lặng, cứ diễn tiến một cách từ từ nhưng mức độ nguy hiểm lại rất cao.
Ðể phòng ngừa bệnh tăng huyết áp ở người trẻ tuổi, cần có chế độ ăn khoa học: ít đường, ít mỡ, nhiều chất xơ... Chỉ nên ăn không quá 2 - 4gr muối mỗi ngày. Nên ăn thức ăn có chứa kali (có ở chuối, nước dừa, đậu trắng), canxi (sữa, tôm, cua), magiê (có nhiều trong thịt) để hoạt động của hệ tim mạch được ổn định. Nên ăn chất đạm có nguồn gốc từ cá và thực vật hơn là các loại thịt lợn, bò, gà... Không nên ăn quá ngọt, nên ăn nhiều rau xanh, trái cây để cung cấp nhiều chất khoáng, vitamin và chất xơ. Hạn chế uống nhiều rượu. Nên tập thể dục mỗi ngày khoảng 30 - 45 phút. Người trẻ tuổi cũng cần đo huyết áp thường xuyên hàng tuần cho dù không có triệu chứng bệnh để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.