Hà Nội

Bệnh nhân tâm thần phạm tội dưới góc nhìn của chuyên gia

PGS.TS. Bùi Quang Huy

PGS.TS. Bùi Quang Huy

Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện quân y 103

03-08-2022 09:30 | Sức khỏe tâm hồn

SKĐS - Nhiều vụ án nghiêm trọng xảy ra có liên quan đến bệnh nhân tâm thần. Vì sao bệnh nhân tâm thần có hành vi phạm tội? hãy cùng chuyên gia lý giải về điều này dưới góc độ khoa học tâm thần.

Theo số liệu của Hội Tâm thần học Mỹ, các bệnh nhân tâm thần có tỷ lệ phạm tội cao gấp 10 lần người bình thường. Các bệnh tâm thần hay có hành vi phạm tội là tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, nghiện rượu và ma túy. Các tội do những bệnh nhân này gây ra thường là tội cố ý gây thương tích, giết người, gây rối trật tự công cộng và buôn bán ma túy.

1. Tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là một bệnh loạn thần nặng, bệnh nhân có các hoang tưởng và ảo giác chi phối hành vi. Bệnh tâm thần phân liệt tiến triển suốt đời, bệnh nhân không bao giờ khỏi được. Họ chỉ tạm ổn định khi được điều trị bằng thuốc an thần (đủ liều). Nhưng khi họ ngừng thuốc bệnh sẽ tái phát.

Khi bệnh nhân tâm thần phân liệt có các ảo thanh (tiếng người nói không có thực, nhưng bệnh nhân lại nghe được) ra lệnh thì họ sẽ thực hiện các mệnh lệnh của ảo thanh. Các hành vi đó có thể là giết người, gây thương tích, đốt nhà, phá phách và tự sát. Họ không sao cưỡng lại các mệnh lệnh này của ảo thanh.

Còn khi bệnh nhân có ảo thanh bình phẩm xấu về mình, bệnh nhân có thể tìm "người" nói xấu bệnh nhân để làm cho ra nhẽ. Không may cho ai bị bệnh nhân gán là người nói xấu bệnh nhân sẽ bị bệnh nhân chửi bới và hành hung.

Bệnh nhân tâm thần phạm tội dưới góc nhìn của chuyên gia - Ảnh 2.

Bệnh nhân tâm thần cần được uống thuốc hằng ngày, thậm chí suốt đời.

Khi bệnh nhân có hoang tưởng bị chi phối, họ cho rằng mọi hành vi của họ là do một người nào đó điều khiển hoàn toàn. Họ có thể phạm tội cố ý gây thương tích, giết người, phá hủy tài sản của người khác… mà vẫn cho rằng mình vô tội vì hành vi của mình bị người khác chi phối.

Còn khi bệnh nhân có hoang tưởng bị hại, họ sẽ tìm cách trả thù. Họ có thể cho rằng mình và các thành viên khác trong gia đình bị hại về thể xác, về tinh thần, bị cản trở việc làm ăn, con đường công danh, sự nghiệp… Khi đó họ sẽ lập kế hoạch trả thù đối tượng mà họ gán cho là kẻ hại họ. Bệnh nhân sẽ lập kế hoạch rất chi tiết, chuẩn bị kĩ lưỡng vũ khí, ra tay tàn độc và quyết liệt.

Để ngăn chặn các hành vi phạm tội của bệnh nhân tâm thần phân liệt, bệnh nhân cần được điều trị nội trú trong bệnh viện tâm thần. Khi bệnh đã tạm ổn định có thể được ra viện, định kì hàng tháng đến khám lại.

Bên cạnh đó, phải có một thành viên đáng tin cậy trong gia đình bệnh nhân cho bệnh nhân uống thuốc an thần theo đơn của bác sĩ hàng ngày. Bệnh nhân sẽ phải uống thuốc an thần suốt đời. Một điểm đáng chú ý là 97% số bệnh nhân tâm thần phân liệt không thừa nhận mình bị bệnh nên họ sẽ tìm cách bỏ thuốc điều trị.

Với các bệnh nhân kiên quyết không chịu uống thuốc phải dùng các thuốc an thần kinh chậm. Hiện nay trên thị trường đã có thuốc paliperidone tiêm 1 mũi/tháng đảm bảo không tái phát bệnh.

2. Trầm cảm

Bệnh nhân bị rối loạn trầm cảm không chỉ có hành vi tự sát mà còn có hành vi giết người, cố ý gây thương tích. Điều đáng ngạc nhiên là bệnh nhân trầm cảm rất hay gây án tàn độc và lạnh lùng. Người ta cho rằng do bệnh nhân trầm cảm có cảm xúc bị ức chế nên họ không có sự nương tay hay thương xót khi gây án.

Hành vi phạm tội hay gặp nhất trong trầm cảm là giết người và giết người rồi tự sát. Những nạn nhân của họ thường là trẻ con, người thân của bệnh nhân. Nguyên nhân của hiện tượng phạm tội này là do bệnh nhân có hoang tưởng hư vô. Họ cho rằng thế giới đã sụp đổ, mọi người đã chết, chỉ còn mình sống đau khổ, cô đơn trên thế gian này. Họ cho rằng vậy thì tốt nhất là mình giết chết mọi người rồi tự sát cho đỡ đau khổ. Đáng thương nhất là các em bé sơ sinh bị chính người mẹ (bị trầm cảm) của mình giết chết.

Bệnh nhân tâm thần phạm tội dưới góc nhìn của chuyên gia - Ảnh 3.

Điện não đồ kiểm tra sức khỏe tâm thần.

Để ngăn chặn tình trạng này, cần phải phát hiện kịp thời và đưa bệnh nhân trầm cảm đi diều trị. Các dấu hiệu mất ngủ và/hoặc lo âu quá mức kéo dài trên 3 ngày, bệnh nhân thường nhắc đến cái chết… là các dấu hiệu rõ ràng nhất báo hiệu bệnh nhân sẽ giết người hoặc/và tự sát.

Sau khi điều trị ổn định ở bệnh viện tâm thần, bệnh nhân cũng phải được tái khám hàng tháng và uống thuốc chống trầm cảm trong tối thiểu 3 năm.

Cũng như bệnh tâm thần phân liệt, bệnh nhân trầm cảm cũng hay phủ định bệnh và bỏ điều trị nên bệnh rất dễ tái phát. Và khi tái phát thì nguy cơ phạm tội cũng sẽ tái diễn.

3. Rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực bao gồm hai pha là hưng cảm và trầm cảm. Trong pha trầm cảm, họ cũng có hành vi phạm tội như rối loạn trầm cảm đã nêu trên.

Trong pha hưng cảm, bệnh nhân thường phạm tội gây rối trật tự công cộng, chiếm đoạt tài sản.

Bệnh nhân hưng cảm nói rất nhiều, hoạt động nhiều khiến cho việc phạm tội gây rối rất dễ xảy ra. Những bệnh nhân hưng cảm luôn tự cao, họ tiêu nhiều tiền, đầu tư mạo hiểm và… thua lỗ. Để có tiền, họ vay mọi người, vay ngân hàng, vay tập thể. Khi thua lỗ, họ không có tiền trả nợ và trở thành tội phạm.

Để tránh các tai họa do rối loạn lưỡng cực gây ra, bệnh nhân cần được điều trị nội trú tại bệnh viện tâm thần. Khi bệnh tạm ổn định, họ có thể được ra viện và điều trị củng cố tại nhà bằng thuốc chỉnh khí sắc và thuốc an thần kinh mới suốt đời. Cũng như tâm thần phân liệt, bệnh nhân rối loạn lưỡng cực hay tìm cách bỏ điều trị nên bệnh dễ tái phát.

Gia đình bệnh nhân cần có người giám sát việc uống thuốc hàng ngày của bệnh nhân như với bệnh nhân tâm thần phân liệt. Với các bệnh nhân không chịu uống thuốc điều trị củng cố, họ cũng cần được tiêm thuốc an thần kinh chậm như với tâm thần phân liệt.

Để hạn chế những hành vi phạm tội của bệnh nhân tâm thần, góp phần giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội, người bệnh tâm thần cần được quản lý tốt. Bệnh nhân tâm thần cần được điều trị triệt để và chống tái phát tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Xem thêm video đang được quan tâm:

6 cách cực đơn giản để giảm cân và "chuẩn 3 vòng" ngày hè.

PGS. TS. Bùi Quang Huy
Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện quân y 103
Ý kiến của bạn