Bệnh nhân suy hô hấp nặng, nguy kịch do lao phổi tái phát

21-02-2025 09:09 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Lao phổi tái phát là tình trạng người bệnh nhiễm lao phổi đã điều trị khỏi nhưng lại bị mắc lại gọi là lao tái phát. Lao phổi tái phát có thể xảy ra khi sức đề kháng suy yếu và phải thường xuyên tiếp xúc với người nhiễm lao.

Bệnh nhân suy hô hấp nặng nguy kịch có tiền sử lao phổi

Bệnh nhân 31 tuổi, bị suy hô hấp nặng, có tiền sử tràn mủ màng phổi, màng tim, lao phổi cũ, đã điều trị đủ phác đồ 4 năm trước.

Trước khi nhập viện ba tuần, bệnh nhân khó thở, sốt cao, được người nhà đưa đi khám và điều trị tại một bệnh viện tuyến trung ương. Do bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân phải mở khí quản, thở máy, nhưng cai máy thở thất bại.

Xác định bệnh nhân nguy cơ tử vong cao, phổi không hồi phục, để điều trị giảm nhẹ nên được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng nguy kịch, thở máy với độ bão hòa oxy 100%, đờm nhiều, đục bẩn, viêm phổi, tràn mủ màng phổi, xẹp phổi phải, suy kiệt nặng, lao phổi cũ tái phát nguy cơ cao.

Xác định đây là một ca bệnh vô cùng khó khăn, bệnh viện đã huy động tối đa nguồn lực chuyên môn cao và các thiết bị máy móc hiện đại để điều trị cho bệnh nhân.

Kết quả sau 43 ngày điều trị, bệnh nhân đã vượt qua giai đoạn nguy kịch và hồi phục đáng kinh ngạc. Bệnh nhân được xuất viện trong trạng thái tỉnh táo, đã có thể tự phục vụ được bản thân.

Bệnh nhân suy hô hấp nặng, nguy kịch do lao phổi tái phát - Ảnh 1.

Hình ảnh tổn thương do lao phổi

Lao phổi tái phát do đâu?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lao phổi tái phát như: trong thời gian điều trị dùng thuốc không đúng chỉ định, tự ý ngưng thuốc, thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây bệnh (người nhiễm lao), sức đề kháng suy yếu...

Nhiều người nhầm tưởng lao tái phát là một giai đoạn của lao phổi, điều đó hoàn toàn sai lầm. Người bệnh lao phổi đã điều trị khỏi luôn được các bác sĩ căn dặn để tránh lao tái phát. Lao tái phát chỉ mắc khi người bệnh không tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh.

Đối với những người bệnh đã điều trị lao phổi, nếu không thực hiện chế độ sinh hoạt điều độ, tăng cường dinh dưỡng để tăng sức đề kháng thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao bùng phát. Việc điều trị khi này trở nên khó khăn hơn rất nhiều nếu chuyển sang lao kháng thuốc.

Việc điều trị khi mắc lao tái phát trở nên khó khăn hơn rất nhiều, nếu chuyển sang lao kháng thuốc thì khả năng chữa khỏi vô cùng thấp. Bên cạnh đó, chi phí để điều trị cho một trường hợp mắc lao kháng thuốc thường rất cao. Chưa kể những tổn hại về sức khỏe mà người bệnh phải gánh chịu suốt đời.

Cách phòng lao phổi tái phát

Bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ điều trị, nên phát hiện sớm nguồn lây chính trong cộng đồng và điều trị triệt để bằng các phác đồ hiệu quả trong 6 tháng. Khi điều trị, người bệnh phải dùng thuốc đều đặn đúng và đủ theo thời gian quy định tới khi khỏi hoàn toàn. Sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân cần tái khám định kỳ để nắm được tình trạng sức khỏe, khả năng phục hồi bệnh.

Ngoài ra, người bệnh cần tránh tiếp xúc với nguồn lây bệnh, tăng cường sức đề kháng, nhất là sức đề kháng của đường hô hấp để chống lại những vi khuẩn lao có thể xâm nhập cơ thể.

Tóm lại: Bệnh lao lây qua đường hô hấp, nên tỷ lệ nhiễm cao. Bệnh thường bùng phát khi cơ thể suy giảm miễn dịch, như khi mang thai, mắc bệnh tiểu đường, sau cắt dạ dày, nghiện rượu, kém dinh dưỡng, suy nhược ở tuổi già…Vì thế tiêm phòng lao chỉ có tác dụng với trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 1 tuổi. Với người đã nhiễm khuẩn, cách phòng lao tốt nhất là có chế độ dinh dưỡng hợp lý, môi trường sống và làm việc trong lành, giảm căng thẳng…để tăng sức đề kháng của cơ thể.

Cảnh báo nguy cơ lao phổi tiến triển nặng khi tự ý điều trị Cảnh báo nguy cơ lao phổi tiến triển nặng khi tự ý điều trị

SKĐS - Bệnh lao phổi là một tình trạng nhiễm trùng phổi bởi vi khuẩn lao gây ra. Vi khuẩn này lây lan từ người này sang người khác qua đường hô hấp. Chính vì vậy việc tuân thủ điều trị của người bệnh là một điều vô cùng quan trọng.


BS. Nguyễn Đức Dương
Ý kiến của bạn