Nhập viện trong tình trạng suy hô hấp cấp tính nặng vì cúm A/H1N1, mọi phương pháp điều trị, kể cả thở máy đều không đáp ứng, diễn biến ngày càng nặng nhưng may mắn đã đến với bệnh nhân Trịnh Xuân Tư (64 tuổi, ở huyện Ninh Giang, Hải Dương) sau khi được điều trị bằng kỹ thuật ECMO. Đây cũng là kỹ thuật được triển khai lần đầu tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TW và đã thành công.
Được sống sau 119 ngày nằm viện
Ngày 13/8, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương đã làm lễ ra viện cho bệnh nhân Trịnh Xuân Tư bị viêm phổi nặng do cúm A/H1N1 có kèm theo các bệnh lý phối hợp, sau gần 3 tháng điều trị tại BV này ông Tư đã được trở về đoàn tụ cùng gia đình.
Theo dõi bệnh nhân ECMO.
Trước đó, bệnh nhân Trịnh Xuân Tư đến BVĐK tỉnh Hải Dương khám và điều trị với triệu chứng ho, hung hắng ho nhưng chỉ sau 1 ngày điều trị phổi đã viêm nặng và được chuyển tuyến đến BV Bệnh nhiệt đới Trung ương. ThS. Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới TW cho biết, bệnh nhân Tư nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng, sốt cao, khó thở, nhịp tim 30l/phút, xuất hiện co kéo cơ hô hấp, viêm phổi suy hô hấp cấp tính nặng, xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1, ngoài ra, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp đã 10 năm. Tại đây, các bác sĩ cho bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh, kháng nấm và áp dụng các kỹ thuật thở máy cao, nhưng sau 3 ngày điều trị tích cực tình trạng hô hấp của bệnh nhân vẫn không cải thiện và ngày càng xấu đi, bệnh nhân liên tục sốt cao, khó thở, không đáp ứng với máy thở. Tình trạng tổn thương phổi tiếp tục tăng lên, suy hô hấp nặng, diễn biến lâm sàng tiếp tục xấu, tiên lượng tử vong trên 80%.
Cũng theo BS. Cấp, do bệnh nhân không đáp ứng với máy thở, tiên lượng tử vong tới 80% nên các bác sĩ quyết cho bệnh nhân được can thiệp điều trị bằng kỹ thuật ECMO (kỹ thuật trao đổi khí ôxy qua màng ngoài cơ thể),
cụ thể là kỹ thuật ECMO tĩnh mạch - tĩnh mạch hỗ trợ phổi. Đây là một kỹ thuật hồi sức đặc biệt bằng cách sử dụng máy để rút máu bệnh nhân ra, đưa qua màng trao đổi để cung cấp ôxy và thải khí CO2, thực hiện thay hoạt động của phổi và tim bệnh nhân... Được biết, để thực hiện thành công kỹ thuật này trên bệnh nhân Tư, các bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới TW cũng nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật về tim mạch của bác sĩ BV Tim Hà Nội. Kết quả sau 11 ngày cùng bệnh nhân giành giật với tử thần, dấu hiệu của sự sinh tồn đã xuất hiện, phổi của bệnh nhân từ chỗ bị tổn thương nặng đã dần hồi phục, bệnh nhân được rút Catheter và được chuyển sang tiếp tục thở máy. Sau 3 tuần, bệnh nhân được cai máy thở máy và sau đúng 119 ngày nằm viện, bệnh nhân được xuất viện. Tại buổi lễ xuất viện, bệnh nhân Trịnh Xuân Tư không giấu nổi sự xúc động và cảm ơn các bác sĩ đã không quản ngày đêm, nguy hiểm để trao cho ông sự sống lần hai, điều này thể hiện tinh thần tất cả vì sự sống người bệnh của các thầy thuốc... Ông Tư chia sẻ: “Tôi không chỉ muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các bác sĩ mà còn gửi đến một lời xin lỗi đến họ, bởi trong lúc tôi đau đớn không làm chủ được mình đã có những cử chỉ, thái độ không phải với các thầy thuốc”.
Thêm tự tin đối mặt với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
PGS.TS. Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương biết, với vai trò là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành trong cả nước và là tuyến cao nhất điều trị các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới. BV Bệnh nhiệt đới thường xuyên phải đương đầu với những trường hợp viêm phổi rất nặng, nhiều ca bệnh thậm chí thở máy cũng không giải quyết được. ECMO là một giải pháp trợ giúp cho vấn đề này và đây là giải pháp kỹ thuật cao nên phải có đội ngũ bác sĩ tinh nhuệ được đào tạo tập huấn bài bản để có thể triển khai được kỹ thuật này. Sau trường hợp đầu tiên được cứu sống bằng phương pháp ECMO, chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng phương pháp này để cứu những bệnh nhân khác khi không may mắc các bệnh cảnh do các vi sinh vật gây nên có tổn thương phổi nặng dẫn đễn hội chứng suy hô hấp cấp mà thở máy không giải quyết được. Mặt khác, trong khi ngành y tế đang phải đối diện với nhiều dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ đang nổi lên như cúm A/H5N1, H7N9, dịch hạch, MERS - CoV, Ebola... thì việc kỹ thuật ECMO được áp dụng rộng rãi nhằm cứu sống không chỉ bệnh nhân nhiễm cúm A, mà còn giúp các thầy thuốc thêm tự tin khi phải đối mặt với những bệnh dịch nguy hiểm.
Trong vụ dịch cúm A/H1N1 năm 2009 hoặc cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đã có nhiều trung tâm hồi sức lớn trên thế giới triển khai kỹ thuật ECMO để cứu sống thêm nhiều bệnh nhân cúm có tổn thương phổi nặng. Nghiên cứu cho thấy, ở những bệnh nhân tổn thương phổi rất nặng, nếu thở máy thường quy chỉ cứu sống được 37% nhưng nếu triển khai ECMO thì có thể cứu sống tới 53%. Kết quả tổng kết 1.000 ca ECMO tại BV ÐH Michgan cho thấy, cứ 100 ca bệnh nếu chạy ECMO sẽ cứu sống thêm 36 bệnh nhân.
Bài, ảnh: Tuệ Khanh