10 ngày trước, Sở Y tế TP.HCM đã quyết định phân tầng điều trị các bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue như thời điểm COVID-19 để hạn chế số ca tử vong xuống mức thấp nhất. Sự phân tầng này sẽ giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối, đặc biệt là các tuyến cơ sở.
Bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng hơn so với những năm trước
Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM đang điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết ở TP.HCM và các tỉnh thành lân cận. Trong khu vực này, có nhiều bệnh nhân có nguy cơ trở nặng.
Chị Ca Thị Bích Ngà (trú ở Quận 1) cho biết, con trai chị bị sốt cao mấy ngày liên tục. Ngày thứ ba chị mới đưa con vào bệnh viện xét nghiệm, lúc đó kết quả tiểu cầu của con chị là 170 (chỉ số tiểu cầu ở mức bình thường là 140-150, dưới 50 là nguy hiểm – PV), bác sĩ cho về nhà theo dõi.
Tuy nhiên, hôm sau chị cho con đi tái khám thì tiểu cầu tụt xuống chỉ còn 37 nên phải nhập viện trong tình trạng sốc sốt xuất huyết, người lừ đừ, sốt cao. Kết quả xét nghiệm ghi nhận bệnh nhân có men gan tăng cao hơn 10 lần so với bình thường, tăng bilirubin máu. Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn, điều trị tích cực nên hiện tại tình trạng sức khỏe của con chị đã dần ổn định.
Được biết, Khoa Nhiễm D trung bình có khoảng từ 20- 30 bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị. Những bệnh nhân nặng thì nằm điều trị ở Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU) người lớn.
Hiện tại, Khoa ICU đang điều trị 5 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, trong đó có 2 ca rất nặng, phải thở máy, lọc máu và thay huyết tương. Các trường hợp nặng khác có biểu hiện sốc, tái sốc, tổn thương gan nặng, rối loạn đông máu, xuất huyết nặng, phải truyền dịch chống sốc.
ThS. BS Hà Thị Hải Đường - Phó khoa ICU, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM cho biết, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết năm nay có biểu hiện lâm sàng nặng hơn so với những năm trước. Bệnh nhân vào sốc sớm, tái sốc nhiều hơn, số ca suy gan nặng, xuất huyết nặng cũng tăng. Bên cạnh sốt xuất huyết thì khoa ICU cũng có nhiều trường hợp bị sốc nhiễm trùng hoặc là những ca suy hô hấp. Hiện tại đang có dịch cúm mùa nên những bệnh nhân lớn tuổi và có bệnh nền, phụ nữ mang bầu dễ bị suy hô hấp, viêm phổi.
Mới đây, trước tình hình sốt xuất huyết phức tạp và có số ca tử vong cao nhất trong 10 năm qua, Sở Y tế TP.HCM đã phân tầng điều trị sốt xuất huyết. Do vậy, khoa ICU, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM chỉ tiếp nhận những ca nặng sốt xuất huyết nặng với khoảng 50% trường hợp cần can thiệp hỗ trợ hô hấp và điều trị chuyên sâu.
Theo bác sĩ Hải Đường, việc phân tầng điều trị sốt xuất huyết là khoa học, sẽ giúp phân rõ nhiệm vụ của từng tầng. Mỗi tầng sẽ có chức năng và giới hạn riêng trong theo dõi và điều trị.
Hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng có sự kết nối với các bệnh viện trong khu vực và các tỉnh thành lân cận, luôn sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn cho các tuyến trong trường hợp cần thiết.
Cũng theo bác sĩ Hải Đường, Sở Y tế TP.HCM đã thành lập Group hội chẩn sốt xuất huyết nặng. Theo đó, các bệnh viện tuyến tỉnh nếu có những ca nặng thì có thể gọi trực tiếp cho khoa ICU, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM luôn để xin ý kiến những ca có thể điều chuyển lên. Hoặc những ca nào mà không thể chuyển được, bắt buộc phải nằm điều trị tại chỗ thì sẽ cho ý kiến để điều trị tại chỗ. Tức là có sự kết nối giữa các bệnh viện với nhau.
Bệnh nhân sốt xuất huyết cần theo dõi đặc biệt, chặt chẽ
BSCK2 Nguyễn Thanh Phong - Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM cho hay, vừa rồi Sở Y tế TP.HCM ban hành văn bản phân tầng điều trị sốt xuất huyết. Theo bác sĩ Phong, cách phân chia 3 tầng như vậy rất rõ ràng để điều trị các ca sốt xuất huyết khi được phát hiện. Nếu tình hình sốt xuất huyết diễn ra phức tạp với số ca nhiễm lớn thì sự phân tầng sẽ giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối, đặc biệt là các tuyến cơ sở.
- Tầng một là những ca sốt xuất huyết thông thường, được điều trị tại các trạm y tế phường, xã, các phòng khám trên địa bàn của địa phương.
- Tầng hai là các ca sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo, các bệnh viện tuyến quận, huyện kể cả các bệnh viện đa khoa của khu vực tham gia điều trị.
- Tầng ba là tầng cuối cùng, đây là những ca bệnh nặng được Sở Y tế phân công điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và các bệnh viện đa khoa tuyến cuối như Bệnh viện 115, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Gia Định… và một số bệnh viện trung ương ở địa bàn của TP.HCM như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân y 175.
Những bệnh viện này tiếp nhận các ca sốt xuất huyết Dengue nặng, ví dụ như ca sốt xuất huyết có tái sốc hoặc xuất huyết nặng, suy đa tạng.
Với tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn ra phức tạp, đặc biệt là những ca nặng tử vong của TP.HCM lên cao nhất trong 10 năm gần đây, bác sĩ Phong đặt vấn đề: "Tôi thấy rằng khi bị sốt làm sao phải loại trừ được có phải sốt xuất huyết không? Một là bệnh nhân sốt 1-2 ngày, 3 ngày đầu thì phải đến cơ sở y tế khám để bác sĩ chẩn đoán xem bệnh nhân đó có phải sốt xuất huyết hay không, bằng cách có thể cho bệnh nhân thử máu để làm test kháng nguyên. Việc test này có thể cho kết quả ngay tại chỗ và trong vòng ba ngày đầu tiên. Nếu kết quả dương tính thì cần theo dõi một cách rất chặt chẽ và đặc biệt".
"Không thể chủ quan khi mắc sốt xuất huyết mà tự điều trị tại nhà được, phải đến một cơ sở y tế. Tùy cơ địa bệnh nhân và xem bệnh nhân có bệnh lý nền hay không mà bác sĩ chỉ định bệnh nhân điều trị tại cơ sở nào cho phù hợp theo sự phân tầng của Sở Y tế TP.HCM", bác sĩ Phong nhấn mạnh.
Đề phòng bệnh trở nặng
Theo BSCK2 Nguyễn Thanh Phong, thông thường các bệnh nhân có cơ địa béo phì, người có thai, bệnh lý nền như cao huyết áp, tiểu đường hoặc những bệnh lý về gan, thận khi bị sốt xuất huyết thường diễn tiến nặng. Do đó, bác sĩ khuyến cáo những người có các biểu hiện trên nên đi khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán và hướng dẫn cụ thể.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, sốt xuất huyết cũng có các triệu chứng ban đầu giống như các bệnh nhiễm siêu vi: Sốt cao, đau đầu, lạnh run… Tuy nhiên, sốt xuất huyết Dengue có khác biệt là bệnh nhân những ngày đầu sốt rất cao, sau khi bệnh nhân hết sốt rồi thì bắt đầu mới có nguy cơ trở nặng. Tức là khoảng từ tầm ngày thứ tư tới ngày thứ bảy bệnh nhân bớt sốt và hết sốt thì lại dễ diễn tiến nặng. Do đó sự theo dõi và điều trị sốt xuất huyết hoàn toàn khác với các bệnh nhiễm, sốt khác.
Sốt xuất huyết không phải là một bệnh có miễn dịch lâu dài và có thể tái nhiễm trở lại. Nếu bị sốt xuất huyết rồi mà lần sau bị mắc tiếp thì sẽ có diễn biến bệnh phức tạp, nặng hơn lần mắc sốt xuất huyết Dengue trước đó.
Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tình hình sốt xuất huyết vẫn phức tạp. Trong 10 năm liên tục, chưa có năm nào có số ca tử vong như năm nay mặc dù dịch bệnh sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu đi xuống mà còn có nguy cơ tăng nữa.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) vào tối ngày 4/10 cho biết, từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận 62.085 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 7 lần với cùng kỳ năm 2021, số ca sốt xuất huyết nặng là 1.360 ca. Tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 25 trường hợp, tăng 20 ca so với cùng kỳ năm 2021.
HCDC cho biết, hiện nay có khoảng 75% số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là người lớn. Có những trường hợp đến bệnh viện trễ khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời.
Để hạn chế số ca tử vong do sốt xuất huyết xuống mức thấp nhất trong thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM đã quyết định áp dụng kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để ứng phó với dịch sốt xuất huyết.