Hà Nội

Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể tử vong nếu sốc hoặc suy tạng

03-04-2017 07:21 | Đời sống
google news

SKĐS - Sốt rét và sốt xuất huyết Dengue (SXHD) đều là những bệnh lây truyền từ muỗi thường gặp ở các vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt. Bản thân SXHD không có tỷ lệ tử vong cao như sốt rét nhưng theo ước tính của WHO, dịch bệnh này vẫn ảnh hưởng tới 50 – 100 triệu người trên thế giới và gây ra khoảng 10.000 – 20.000 ca tử vong mỗi năm chủ yếu do sốc hoặc suy tạng.

Người bình thường sau khi bị muỗi vằn mang virus Dengue đốt nhiều khả năng sẽ nhiễm bệnh. Bệnh có nguy cơ lây lan ra cộng đồng và bùng phát thành dịch thông qua vật chủ trung gian là muỗi vằn nếu véc-tơ truyền bệnh không được kiểm soát tốt, nhất là vào mùa mưa – mùa sinh sôi của muỗi và các virus, vi khuẩn gây bệnh.

Việt Nam mỗi năm phải đón nhận 50.000 – 100.000 ca mắc SXHD. Đáng nói là số lượng ca mắc cũng như số trường hợp tử vong đang có dấu hiệu tăng lên theo từng năm, đi kèm với đó là đối tượng mắc bệnh và vùng phát dịch cũng đang được mở rộng. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã ghi nhận trên 50.000 ca sốt xuất huyết ở 48 tỉnh, thành và gần 20 trường hợp tử vong.

Bệnh nhân SXHD mức độ nhẹ (còn gọi là sốt Dengue) thường sốt cao (39 – 40 độ C) liên tục từ 2 – 7 ngày, đau đầu dữ dội, nhức hai hố mắt và có thể nổi mẩn, phát ban. Sốt Dengue xảy ra phổ biến ở người lớn và ít gây tử vong.

Nếu bị nặng hơn (gọi đầy đủ là SXHD, thể bệnh rất hay gặp ở trẻ em) thì ngoài những triệu chứng kể trên, bệnh nhân còn biểu hiện thêm một vài dấu hiệu đặc thù như xuất huyết (ngoài da, mũi, chân răng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen…); đau bụng vùng gan; người mệt mỏi, li bì, chân tay lạnh… Đây là thể bệnh được xác định có tỷ lệ tử vong cao lên tới 30 – 40% do dễ xảy ra biến chứng. Thậm chí, nếu không được đưa đi cấp cứu và điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong chỉ sau 5 – 6 giờ đồng hồ tính từ lúc bệnh bắt đầu biến chứng.

Trong số những biến chứng khiến bệnh phải nâng lên cấp độ cảnh báo đỏ, hội chứng sốc Dengue và suy tạng là hai nguyên nhân dễ dẫn đến tử vong hơn cả. Sốc Dengue không phải do mất nước mà đa phần do rối loạn phân bố nước giữa các khu vực lòng mạch và khoảng gian bào, thường xuất hiện từ ngày thứ 3 – 6 của bệnh sau khi người bệnh chuyển từ sốt cao sang hạ sốt. Dấu hiệu sớm của hội chứng sốc Dengue là người mệt lả, buồn nôn, đau tức vùng gan, tiểu ít... Trong trường hợp được phát hiện và bù dịch đầy đủ, bệnh nhân có thể nhanh chóng hồi phục; ngược lại, tình trạng bệnh sẽ chuyển biến xấu và xuất hiện sốc nặng. Thời gian diễn ra sốc rơi vào khoảng 12 – 24 tiếng, tuy nhiên nếu sốc nặng, bệnh nhân hoàn toàn có thể tử vong chỉ sau 5 – 6 giờ đồng hồ.

Một biến chứng nữa rất dễ gây tử vong ở những bệnh nhân SXHD, đặc biệt là người già và trẻ em, mà chúng ta không thể không nói tới là tình trạng suy phủ tạng với các biểu hiện như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, tràn dịch màng phổi, viêm dạ dày… Bệnh nhân bị suy tạng nặng cũng khó thoát khỏi “lưỡi hái Tử thần” nếu không được cấp cứu kịp thời.

Chính vì chưa có vắc-xin ngừa bệnh, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng ngừa SXHD hữu hiệu nhất hiện vẫn là tiêu diệt muỗi vằn, cắt đứt đường lây truyền của bệnh. Và trong tiết trời giao mùa dễ tạo điều kiện bùng phát dịch sốt, chúng ta càng nên đề cao cảnh giác, nghe ngóng cơ thể để người lành có thể kéo bản thân ra khỏi vòng lây lan, người mắc được điều trị kịp thời, đúng phác đồ và không gặp phải biến chứng.


Ý kiến của bạn