Bệnh nhân sốc phản vệ tối cấp được cứu ngoạn mục tại BV miền núi Yên Bái

05-07-2019 13:57 | Camera bệnh viện

SKĐS - Sau những ngày hôn mê bất tỉnh tưởng không thể qua khỏi chị Nguyễn Thị Vân Thành 45 tuổi đã được xuất viện. Niềm vui này không chỉ có ở gia đình chị mà còn của tất cả các cán bộ nhân viên y tế khoa Hồi Sức tích cực và ban lãnh đạo BVĐK tỉnh Yên Bái. Bởi, để có được chị Vân Thành đứng vững và khỏe mạnh như ngày hôm nay là cả một quãng thời gian dài cân nào của đội ngũ y bác sĩ khoa Hồi sức tích cực.

BS.Nguyễn Song Hào - Phó Giám đốc, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực , Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, đây là ca lâm sàng sốc phản vệ tối cấp, đường vào tĩnh mạch nên cấp cứu rất khó khăn.

Trước đó, vào giữa tháng 6/2019, chị Nguyễn Thị Vân Thành 45 tuổi, cư trú tại Hạ Hòa, Phú Thọ nhập Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái với chẩn đoán viêm tụy cấp nặng cần phải thay huyết tương cấp cứu. Sau khi các bác sĩ tiến hành  thay huyết tương không lau  thì bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau bụng tăng nôn, khó thở và choáng váng, hôn mê.

Bệnh nhân Thành ngày ra viện cùng cán bộ nhân viên y tế khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Yên Bái

BSCK I Hoàng Tiến Hảo - người trực tiếp cùng kíp thay huyết tương chia sẻ: Trong khi đang tiến hành thay huyết tương được khoảng 1 giờ thì bệnh nhân xuất hiện đau bụng tăng lên, da nổi ban đỏ, đau ngực, khó thở rồi nhanh chóng tụt huyết áp, tim rời rạc và mất ý thức.

"Ngay lập tức, chúng tôi hội ý chẩn đoán sốc phản vệ tối cấp/ viêm tụy cấp nặng và quyết định dừng ngay lọc máu, tiến hành cấp cứu, thở máy, truyền dịch, tiêm và truyền liên tục Adrenalin. Sau khoảng 2 giờ cấp cứu, bệnh nhân tỉnh hơn, nhưng phải đến 1 ngày sau huyết áp mới dần ổn định” - bác sỹ Hảo cho biết.

Theo các bác sĩ, Sốc phản vệ do nhiều dị nguyên gây ra và được y văn báo cáo từ ngàn năm trước Công nguyên. Dị nguyên gây sốc phản vệ có thể là côn trùng đốt, phấn hoa, ăn thực phẩm lạ, nấm và hay gặp nhất là các loại kháng sinh, các chế phẩm của máu…

Bệnh nhân nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời thì nhanh chóng tử vong do suy hô hấp, tuần hoàn. Cơ chế sinh lý bệnh còn phức tạp và có thể diễn biến pha hai. Chính vì vậy có trường hợp sốc phản vệ được phát hiện và xử lý kịp thời tại các trung tâm y khoa lớn nhưng vẫn tử vong.

Các thầy thuốc khuyến cáo, những bệnh nhân có cơ địa dị ứng như: viêm mũi dị ứng, dị ứng phấn hoa, hen phế quản dễ nhạy cảm với các phản ứng phản vệ hay trong khi đang ăn, tiếp xúc, tiêm thuốc mà thấy xuất hiện các triệu chứng nổi ban sẩn ngứa trên da, đau bụng, khó thở thì cần đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.


PV
Ý kiến của bạn