Chị Võ Thanh T. 49 tuổi, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đến BVĐK TW Cần Thơ khám vào lúc 13 giờ 50 ngày 31/12/2020 do tình trạng rong huyết kéo dài.
Bệnh nhân phát hiện bệnh từ tháng 7/2020 đang điều trị tại bệnh viện địa phương, thường xuyên bị rong huyết mỗi tháng khoảng 10 ngày.
Cách nhập viện 4 ngày bệnh nhân bị rong huyết nhiều, chóng mặt, choáng váng nên đến Khoa Sản BVĐK Trung ương Cần Thơ. Kết quả siêu âm tử cung phần phụ cho thấy bệnh nhân có khối u xơ tử cung kích thước # 53x55x57 mm loại L2 (u xơ dưới niêm).
Động mạch tử cung phải trước can thiệp
Loại u xơ này thường gây biến chứng rong kinh, rong huyết hơn các loại u xơ khác. Do tình trạng thiếu máu mức độ nặng (Hb: 7,2g/dl), nên được chỉ định truyền 2 đơn vị hồng cầu lắng, tuy nhiên sau truyền máu, kiểm tra lại tình trạng thiếu máu vẫn không cải thiện do bệnh nhân vẫn tiếp tục ra máu âm đạo.
Ngoài ra, bệnh nhân còn bị huyết khối tĩnh mạch chậu ngoài và tĩnh mạch chậu chung trái, huyết khối gây tắc hoàn toàn hệ tĩnh mạch sâu.
Trước đó, bệnh nhân bị thuyên tắc và huyết khối tĩnh mạch đùi và khoeo được điều trị nội khoa tại bệnh viện 15 ngày (ra viện ngày 25/12/2020), đang sử dụng thuốc kháng đông đường uống tại nhà.
Huyết khối tĩnh mạch sâu là hiện tượng hình thành cục máu đông bên trong lòng tĩnh mạch, thường gặp nhất là huyết khối tĩnh mạch chi dưới, là tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị ngay lập tức.
Động mạch tử cung phải sau can thiệp
Thông thường phải mất 3 đến 6 tháng để cục máu đông hoàn toàn được giải quyết, nhưng với việc điều trị đúng cách có thể ngăn cục máu đông tăng kích thước và vỡ ra gây biến chứng.
Trong đó, biến chứng nguy hiểm nhất của huyết khối tĩnh mạch sâulà thuyên tắc phổi gây đe dọa tính mạng người bệnh. Vì vậy khi có chẩn đoán bệnh lý trên bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng đông.
Tuy nhiên, khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng mất máu đang diễn tiến nên chống chỉ định dùng thuốc kháng đông.
Trước tình huống này, qua hội chẩn liên khoa, các bác sĩ xác định chẩn đoán: u xơ tử cung biến chứng xuất huyết tiến triển, huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới lan rộng.
Cùng lúc các bác sĩ phải giải quyết tình trạng rong huyết và điều trị tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới.
Các bác sĩ thực hiện kỹ thuật tắc mạch
Theo ThS.BS Nguyễn Hữu Thời - Phó Khoa - Phụ trách Khoa Sản BVĐK Trung ương Cần Thơ: Các phương pháp điều trị u xơ tử cung gồm: Điều trị nội khoa; Phẫu thuật bóc nhân xơ, cắt bán phần tử cung, cắt tử cung toàn phần; phương pháp UAE (Uterine Artery Embolization) - tắc động mạch tử cung; Điều trị bằng sóng siêu âm hội tụ cường độ cao.
Trường hợp bệnh nhân này không sử dụng nội tiết tố để cầm máu vì các loại thuốc nội tiết tố làm tăng thêm tình trạng tạo huyết khối, hơn nữa lựa chọn phẫu thuật đối với bệnh nhân này cũng không an toàn với lý do bệnh nhân đang có huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới lan rộng. Do đó lựa chọn tắc mạch cầm máu là lựa chọn tối ưu.
Đây là phương pháp xâm lấn tối thiểu nhưng hiệu quả tối đa. Ê kíp can thiệp do BS.CKI Trần Công Khánh – Phó Khoa Chẩn đoán hình ảnh thực hiện tiến hành xác định vị trí và bơm tắc nhánh động mạch nuôi u thành công trong 90 phút.
Sau can thiệp tình trạng ronghuyết cơ bản đã được kiểm soát và bệnh nhân tiếp tụcđược sử dụng kháng đông điều trị tiếp tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới ngay trong ngày can thiệp.
Theo BS.CKI Trần Công Khánh: Điều trị tắc mạchcó chỉ định khi u xơ tử cung gây đau bụng, rong kinh rong huyết, rối loạn tiểu tiện đại tiện…; kích thước u < 10cm (khuyến cáo) và bệnh nhân không muốn phẫu thuật.
Nếu bệnh nhân chưa có con cần thảo luận với bác sĩ sản khoa trong việc lựa chọn nút động mạch tử cung hay phẫu thuật nội soi bóc nhân xơ.
Tắc mạch là phương pháp không phẫu thuật nhằm triệt tiêu nguồn máu nuôi u xơ tử cung. Bác sĩ sử dụng một ống thông nhỏ và mềm đưa qua động mạch đùi để đi đến động mạch tử cung hai bên. Chất gây tắc được bơm vào và làm tắc hai động mạch tử cung. Khối u xơ sẽ bị hoại tử vô trùng và teo nhỏ dần vì thiếu máu, trở thành sẹo nhỏ.
Ưu điểm của điều trị tắc mạch: đây là thủ thuật an toàn và hiệu quả trong u xơ tử cung; ít đau khi so với phẫu thuật, thời gian nằm viện ngắn; không mất máu trong thủ thuật; không cần can thiệp vào ổ bụng; không cần gây mê toàn thân; thẩm mỹ cao vì không có vết mổ; thời gian trở lại làm việc bình thường ngắn, khoảng 6- 8 ngày (nếu phải mổ thì thời gian này từ 6-8 tuần).
Ngày 07/01/2021, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn, giảm đau vùng hạ vị, tình trạng rong huyết ổn định, hai chân bớt sưng, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Khoa Sản.