Trước đó, ngày 12/12/2019, Khoa Cấp cứu – bệnh viện quận Thủ Đức tiếp nhận bệnh nhân T.H. T (sinh năm 1983) tại Hiệp Bình Phước – Thủ Đức. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vết thương dập nát từ vùng xương mu xuống, lóc dương vật lộ 2 tinh hoàn, lóc 1 phần da cẳng chân bên phải, tiên lượng nguy cơ tử vong cao. Trước đó bệnh nhân T bị tai nạn tại quốc lộ 1A quận Thủ Đức được người dân đưa vào cấp cứu tại bệnh viện quận Thủ Đức.
Tại khoa Cấp Cứu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân tiên lượng nguy cơ tử vong cao nên phải chuyển mổ cấp cứu ngay. Vì vậy, các bác sĩ trong kíp trực áp dụng quy trình báo động đỏ cấp cứu trường hợp khẩn cấp, trong vòng 05 phút các bác sĩ khoa Cấp cứu, khoa Tiết niệu nam khoa, Khoa Chấn thương chỉnh hình, khoa Gây mê hồi sức, khoa Hồi sức tích cực và khoa Ngoại tổng quát tiến hành hội chẩn và quyết định chuyển mổ khẩn cấp để cứu bệnh nhân.
Anh T. đã qua cơn nguy kịch. Ảnh: BVCC
Ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ 30 phút đồng hồ, trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được tiến hành gây mê toàn diện, được đặt catheter động mạch xâm lấn theo dõi huyết áp liên tục và catheter tĩnh mạch cảnh trong để truyền các thuốc vận mạch trong phẫu thuật. Bệnh nhân được truyền 4 đơn vị hồng cầu lắng 350ml, 4 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh, 4 đơn vị kết tủa lạnh.
Sau khi được phẫu thuật, nhờ quy trình báo động đỏ nhanh chóng bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, đến nay bệnh nhân T. H.T đã qua cơn nguy kịch, đang theo dõi đặc biệt tại khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện quận Thủ Đức.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Quân – Khoa Hồi sức tích cực cho biết sau mổ tình trạng bệnh nhân vẫn sốc, bệnh nhân vẫn cần theo dõi và điều trị tích cực. Do bệnh nhân trong tình trạng rất nguy kịch khi được chuyển đến bệnh viện nên để có thể cứu sống bệnh nhân đòi hỏi có sự phối hợp nhịp nhàng, nhanh chóng giữa thời gian cấp cứu, trang thiết bị y tế, bác sĩ trong một quy trình đỏ, để kịp thời cứu sống bệnh nhân. Bởi lẽ chỉ cần chậm trễ chừng vài phút, bệnh nhân có thể tử vong.
Hiện tại, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tại bệnh viện.
Được biết, “Báo động đỏ” là quy trình phối hợp khẩn cấp giữa những chuyên gia có kinh nghiệm thuộc các chuyên ngành khác nhau trong nội viện, cũng như giữa các BV nhằm can thiệp ngoại khoa cấp cứu đối với người bệnh trong tình trạng nguy kịch. Mục tiêu là khẩn trương vừa hồi sức vừa tiến hành can thiệp phẫu thuật cấp cứu ngay cho người bệnh. Quy trình này yêu cầu toàn bộ đội ngũ nhân viên hồi sức, phẫu thuật và các chuyên khoa liên quan phải có mặt ngay tại phòng mổ trong thời gian sớm nhất, có thể bỏ qua một số khâu của quy trình cấp cứu thông thường như hội chẩn, chờ hồi sức nội khoa ổn định, xét nghiệm máu, X-quang, siêu âm...