|
Người bán - người mua tự ý làm thầy thuốc
Thấy con hâm hấp sốt, bị ho và ngạt mũi, quấy khóc cả ngày, chị Ngọc Ánh liền mang con ra hiệu thuốc gần nhà “kể” bệnh. Sau vài phút nghe thông tin của chị Ánh, người bán thuốc đã trở thành bác sĩ khi “phán” con chị bị viêm họng rồi bán ngay cho chị mấy liều thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, mới uống thuốc được một ngày, chị Ánh thấy con bị đi ngoài 3 - 4 lần/ngày, không chịu ăn uống. Lo quá, chị đưa con đi khám bác sĩ nhi khoa. Bác sĩ cho biết, con chị bị viêm họng do virut, không phải dùng đến kháng sinh, cháu chỉ cần dùng thuốc hạ sốt, giảm đau, thuốc ho, uống nhiều nước, ăn các thức ăn dễ tiêu, sau vài ngày là khỏi. Không chỉ với trẻ nhỏ “bị” uống thuốc kháng sinh theo kiểu cả bố mẹ và người bán thuốc đều là thầy thuốc mà ngay cả với người lớn, việc tự ý dùng kháng sinh khi bị ho, đau họng, viêm nhiễm... cũng là chuyện thường ngày.
Có thể nói, việc người bán tự ý bán thuốc kháng sinh và người mua tự ý dùng kháng sinh đang diễn ra phổ biến, bởi chỉ cần ra bất kỳ quầy bán thuốc nào nói tình hình bệnh là người tiêu dùng mua được kháng sinh ngay. Điều này đã được dẫn chứng qua số liệu nghiên cứu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh khi có đến trên 50% số khách hàng yêu cầu bán thuốc kháng sinh không đơn, còn lại thuốc được bán theo hướng dẫn của người bán tại các hiệu thuốc; 31,6 % người tiêu dùng mua kháng sinh để tự điều trị ho và 21,7% điều trị sốt. Những loại kháng sinh được bán phổ biến là amoxicillin, cephalexin, ampicillin, azithromycin, spiramycin, cefuroxime, cefxime...
Gia tăng tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh
Theo TS. Trần Minh Điển - Phó Giám đốc BV Nhi TW, khi trẻ bị ốm, các bậc phụ huynh hay tự ý dùng kháng sinh, đây là một việc làm không hợp lý. Do kháng sinh là một loại thuốc giúp cơ thể của trẻ chống đỡ lại vi khuẩn, vì vậy chỉ khi bị nhiễm khuẩn mới cho trẻ sử dụng kháng sinh. Nếu các bậc phụ huynh sử dụng kháng sinh không đúng sẽ dẫn tới rất nhiều nguy cơ cho trẻ. Ví dụ, có loại thuốc có thể gây ra hội chứng xanh tái ở trẻ sơ sinh, hoặc nhóm thuốc tetracyclin khi sử dụng đối với trẻ 8 tuổi có thể gây hỏng mầm răng của trẻ; những nhóm thuốc kháng sinh khác khi sử dụng tiêm có thể gây nguy cơ điếc cho trẻ.
|
TS. Điển cũng nhấn mạnh, khi dùng nhiều thuốc kháng sinh sẽ dẫn tới việc nhiều vi khuẩn kháng lại kháng sinh đó. Kết quả nghiên cứu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã minh chứng cho ý kiến của TS. Điển vì theo nghiên cứu này, việc sử dụng kháng sinh rộng rãi trong cộng đồng, thầy thuốc kê đơn lạm dụng kháng sinh, người dân có thói quen tự ý mua thuốc kháng sinh không theo chỉ định của thầy thuốc là nguyên nhân khiến nhiều vi khuẩn đã kháng lại hầu hết các kháng sinh thông dụng như penicillin, tetracyclin, streptomycin... Và, cũng chính vì việc sử dụng kháng sinh không hợp lý nên tỷ lệ thất bại trong điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực ở 19 BV thuộc Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng là 63%, cao hơn nhóm dùng kháng sinh thích hợp là 26%.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ThS. Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh, tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh không theo kê đơn là do người dân hoàn toàn tự ý đi mua. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc, gia tăng chi phí điều trị, nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cho người bệnh rất lớn. Vì vậy, người dân cần phải nâng cao nhận thức của mình trong việc sử dụng thuốc kháng sinh, không tự ý làm thầy thuốc... Bên cạnh đó, các cơ sở bán thuốc cũng chỉ nên bán thuốc khi có đơn kê của bác sĩ.
Thái Bình