Sự hỗ trợ về tài chính kịp thời đối với các trường hợp hiểm nghèo nhưng lại không có khả năng chi trả là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng góp phần cứu sống người bệnh.
Tại Việt Nam, Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020 do Thủ tướng chính phủ phê duyệt trong năm 2010 là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hình thành và phát triển nghề công tác xã hội trong các lĩnh vực y tế. Tiếp đó, năm 2015, Bộ Y tế ban hành Thông tư Quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện vì bệnh viện chính là nơi cần có hoạt động của công tác xã hội nhất. Ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 25 tháng 3 hàng năm là “Ngày Công tác xã hội Việt Nam”.
Một số bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ
Công tác xã hội trong bệnh viện là các hoạt động hỗ trợ người bệnh, người nhà người bệnh và các nhân viên y tế trong bệnh viện nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và tâm lý liên quan đến bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh. Mục đích là hỗ trợ các nhóm đối tượng khắc phục những khó khăn về xã hội để đạt được hiệu quả chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện là cầu nối để giải quyết các mâu thuẫn giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, giữa bệnh nhân và bệnh nhân, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
BV. Bệnh Nhiệt đới mà tiền thân là BV. Chợ Quán được xây dựng v ào năm 1862 trên nền cũ trạm cứu thương của thực dân Pháp, tọa lạc trên một khu đất rộng gần 5 hecta tại làng Chợ Quán nằm giữa Sài Gòn - Chợ Lớn, phía trước có sông Bến Nghé chảy qua (nay gọi là kênh Tàu Hủ) khi đánh đồn Kỳ Hòa (1861) với nguồn kinh phí do một số nhà giàu hảo tâm người Việt đóng góp xây dựng và quản lý. Đến năm 1864, bệnh viện được giao lại cho chính quyền thời bấy giờ quản lý.
BV. Chợ Quán - BV. Bệnh Nhiệt đới trong hơn 150 năm qua là bệnh viện của người dân mắc bệnh hiểm nghèo, đó là những bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao. Hiện nay đây là bệnh viện đầu ngành Nhiễm trùng - Truyền nhiễm ở khu vực phía Nam, là đơn vị chủ lực của Bộ Y tế, Sở Y tế TP. HCM trong công tác điều trị, ngăn chặn hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm của thành phố và khu vực phía nam (như dịch hạch, dịch tả, thương hàn, sốt rét, não mô cầu, bạch hầu, uốn ván, sốt xuất huyết, tay chân miệng…). Bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm thường là những người nghèo, điều kiện sống thiếu thốn, môi sinh kém, những người ở vùng sâu vùng xa, và thậm chí phải chịu đựng sự kỳ thị, phân biệt đối xử của người xung quanh kể cả là người thân trong gia đình.
Phòng Công tác xã hội - BV. Bệnh nhiệt đới tuy mới thành lập vào ngày 1/8/2017 nhưng được sự đồng hành từ nhiều nhà hảo tâm nên đã khơi gợi và phát huy được truyền thống “lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam. Nghĩa cử này làm cho cuộc sống đẹp và đáng quý hơn. Có một bệnh nhân đã vượt qua được lằn ranh sinh - tử sau 11 tháng điều trị tại khoa Nhiễm Việt Anh - BV. Bệnh Nhiệt đới. Đây chính là một sự kỳ diệu trong đời thường. Nhiều lần tưởng chừng như anh không qua khỏi; nhưng khát vọng sống của anh được tiếp thêm sức mạnh từ những bàn tay nhân ái trong xã hội cùng với những nỗ lực cứu chữa của tập thể y bác sĩ khoa nhiễm Việt Anh đã đưa anh về lại với cuộc sống này. Còn hạnh phúc nào hơn khi tất cả chúng ta đã góp phần để giữ lại người cha cho những đứa trẻ của một gia đình khi mà mẹ của các cháu đã không may qua đời khi sinh đứa con thứ 3.
Lễ kỷ niệm “Ngày Công tác Xã hội Việt Nam” nhằm tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân. Công tác xã hội là một khoa học xã hội ứng dụng và đồng thời là một nghề nghiệp được hình thành tại các quốc gia châu Âu, châu Mỹ từ cuối thế kỷ XIX, sau đó phát triển rộng khắp và phổ biến ở hầu hết các quốc gia như hiện nay.
- Cơm trên tường: 3.273 suất.
- Cơm Nhơn Hòa: 239.125 suất.
- Cháo yêu thương: 910 suất.
- Bữa cơm ngày tết: 200 suất.
- Cháo dinh dưỡng cho bệnh nhân nặng ăn qua sonde triển khai từ 19/07/2017 đã hỗ trợ số tiền là 151.830.000 đồng.
2 tháng đầu năm 2018:
- Cơm trên tường: 707 suất.
- Cơm Nhơn Hòa: 43.250 suất.
- Cháo dinh dưỡng cho bệnh nhân nặng ăn qua. sonde đã hỗ trợ số tiền là 24.900.000 đồng.
Năm 2017, Phòng Công tác Xã hội hỗ trợ viện phí cho 216 người bệnh có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 1.236.793.426 đồng. 2 tháng đầu năm 2018, 10 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ với số tiền 105.249.507 đồng.