Viêm phổi do giun lươn
Người phụ nữ 64 tuổi ăn kém, sụt cân, ho và khó thở khoảng một tháng, nội soi dạ dày tá tràng và phế quản ghi nhận nhiều dị vật màu trắng xám, kiểm tra dưới kính hiển vi cho thấy là ấu trùng giun lươn. Bệnh nhân vào Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM với tình trạng thiếu máu, tăng bạch cầu ái toan - một trong những chỉ điểm của tình trạng nhiễm ký sinh trùng, viêm phổi. Từ kết quả nội soi, bác sĩ xác định người bệnh nhiễm giun lươn nặng ở phổi và ruột trên cơ địa suy giảm miễn dịch, phải điều trị với thuốc đặc hiệu.
Trước đó, bệnh viện cũng mới tiếp nhận người đàn ông 69 tuổi, từng ung thư thanh quản, đến khám vì ăn kém, nôn ói, đau bụng, ho và khó thở trong 10 ngày. Chụp phim cắt lớp vi tính ngực và ổ bụng ghi nhận hẹp môn vị, có thể do ký sinh trùng, tổn thương phổi hoại tử hai bên. Nội soi ghi nhận nhiễm giun lươn nặng ở phổi và ruột, có biến chứng hẹp môn vị trên cơ địa ung thư thanh quản.
Giun lươn nhiễm thế nào?
Nhiễm giun lươn là một bệnh thường gặp, có thể xảy ra trên nhiều hệ cơ quan khác nhau, diễn biến bất thường và nặng nề, đặc biệt ở những người bệnh có hệ miễn dịch suy yếu.
Đây là một bệnh nhiễm sán thuộc nhóm bệnh lây truyền qua đất. Mặc dù giun lươn được xếp vào loại ký sinh trùng nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa (có thể tồn tại lâu trong cơ thể người và gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong), tuy nhiên đến nay bệnh giun lươn vẫn được WHO đưa vào danh sách các bệnh nhiệt đới bị lãng quên.
Ký sinh trùng nhiễm vào cơ thể thông qua việc xâm nhập ấu trùng Strongyloid từ trong đất qua da hoặc niêm mạc. Sau khi xâm nhập, các ấu trùng lây nhiễm di chuyển qua hệ tuần hoàn máu vào phổi, tim, từ phế nang vào khí quản, tiếp đó sẽ nuốt vào đường tiêu hóa cư trú tại thực quản, dạ dày và ruột non, chủ yếu là ở tá tràng.
Bệnh giun lươn có thể gây viêm da tại vị trí xâm nhập, tổn thương phổi và viêm phế quản do giai đoạn ấu trùng di chuyển. Những tổn thương chính của bệnh thường thấy ở đường tiêu hóa, đặc biệt là tá tràng và phần trên của hỗng tràng nhưng cũng có thể xảy ra trong đường mật và ống tụy.
Những người có nguy cơ cao nhiễm bệnh giun lươn
- Hay gặp ở người thường xuyên đi chân trần, phơi nắng ở bãi biển.
- Trẻ nhỏ thường xuyên chơi ở khu đất ẩm, hố cát.
- Nông dân thường xuyên tiếp xúc với đất, cát.
- Người có suy giảm miễn dịch.
Biểu hiện của bệnh giun lươn

Ký sinh trùng nhiễm vào cơ thể thông qua việc xâm nhập ấu trùng Strongyloid từ trong đất qua da hoặc niêm mạc.
Bệnh giun lươn được biết đến là một trong số ít các bệnh sán ký sinh liên quan đến tình trạng miễn dịch suy giảm, chẳng hạn như trong bệnh AIDS, sau phẫu thuật ghép tạng hoặc một số bệnh cảnh khác.
Về chẩn đoán, WHO khuyến cáo, phương pháp huyết thanh học là lựa chọn tốt nhất hiện có, nên kết hợp ELISA và soi tươi tìm ấu trùng phân trong thực hành lâm sàng để chẩn đoán nhiễm giun lươn.
Phòng nhiễm giun lươn
Để phòng nhiễm giun lươn, bản thân mỗi người và cộng đồng cần có những biện pháp vệ sinh môi trường; quản lý tốt phân, nước, rác; vệ sinh cá nhân, không phóng uế bừa bãi; có biện pháp phòng hộ trong lao động và trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt những người thường tiếp xúc với đất (nên mang găng tay, đi giày dép, đi ủng).
Người có những biểu hiện nghi ngờ bị nhiễm giun lươn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được xét nghiệm xác định bệnh, chữa trị càng sớm càng tốt; nâng cao sức đề kháng cơ thể, ăn nhiều rau, trái cây tươi, luyện tập thể dục thể thao hàng ngày... để tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, tránh tình trạng miễn dịch suy yếu làm bùng phát bệnh giun lươn.