Hiện nay các bệnh viện, cùng các sở y tế đang triển khai đồng loạt Hội thi Quy tắc ứng xử ngành y tế. Đây là hoạt động vừa mang tính giáo dục, đồng thời là sân chơi lành mạnh gắn kết giữa thầy thuốc trong bệnh viện cũng như người bệnh. Để tìm hiểu hiệu quả của Hội thi Quy tắc ứng xử ngành y tế đang tổ chức tại cấp cơ sở, chúng tôi đã trao đổi nhanh với ThS. Lương Đức Sơn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên, một tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống.
PV: Được biết, trong cuộc thi Hội thi điều dưỡng - hộ sinh giỏi và thực hiện tuyên truyền quy tắc ứng xử ngành y tế do Sở Y tế Điện Biên tổ chức, đoàn Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên đã giành giải Nhất toàn đoàn, trong đó có tiết mục đã đoạt giải Nhất, việc tập các tiết mục tham gia hội thi có làm mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh không, thưa ông?
ThS. Lương Đức Sơn: Hoàn toàn không! Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo sở y tế, bệnh viện chúng tôi kết hợp với công đoàn bệnh viện đã phổ biến đến tận các khoa phòng, công đoàn viên để cán bộ công chức trong bệnh viện hiểu được ý nghĩa của việc tham gia hội thi. Từ việc hiểu ý nghĩa quan trọng đó, các cán bộ công chức tham gia tập các tiết mục đều tự giác sắp xếp, bố trí công việc để có thể tham gia. Một điều chúng tôi rất tự hào và càng thấy thấm thía, đó là trong khi tập các tiết mục, thường được bố trí sau giờ làm vào buổi chiều tối khi ít bệnh nhân đến viện nhất, đã có rất nhiều bệnh nhân và người nhà của họ đang điều trị nội trú cùng chứng kiến. Chúng tôi không khép mình vào tự tập với nhau mà mở rộng để bệnh nhân được biết. Để làm gì? Tôi nghĩ đó chính là cách truyền thông cực kỳ hiệu quả! Bởi bản thân người thầy thuốc khi hóa thân vào vai diễn cũng một lần được ôn luyện các quy tắc ứng xử do Bộ Y tế ban hành, người bệnh và người nhà chứng kiến thầy thuốc tập luyện và biểu diễn, có cơ hội được giám sát lại thầy thuốc.
![]() ThS. Lương Đức Sơn. |
PV:
Được biết, năm 2010, bệnh viện đã được trao tặng giải thưởng Bệnh viện thân thiện vì sức khỏe cộng đồng, trong tiêu chí xét tặng giải thưởng này, có tiêu chí quan trọng là thái độ hài lòng của người bệnh khi đến bệnh viện, nhân Hội thi Quy tắc ứng xử, ông có thể nói gì về ứng xử giữa thầy thuốc và bệnh nhân?
ThS. Lương Đức Sơn: Việc Bộ Y tế phát động Hội thi Quy tắc ứng xử trong toàn ngành là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Thi là nhằm tạo ra sự thi đua, tranh tài giữa các đơn vị. Phần hội, là để mỗi người cùng vui tạo sự thân thiện gắn kết trong cán bộ công chức. Quan trọng hơn để mỗi lãnh đạo bệnh viện, mỗi khoa phòng và cán bộ y tế ý thức được tầm quan trọng của giao tiếp giữa người thầy thuốc và bệnh nhân. Giao tiếp có văn hóa và đúng quy tắc ứng xử của ngành. Tôi chỉ lấy ví dụ nhỏ là việc cấm hút thuốc lá trong bệnh viện. Nếu người thầy thuốc khoác trên mình áo blouse trắng không gương mẫu đi trong bệnh viện hút thuốc lá thì còn nói được ai. Và đổi lại, khi điều dưỡng hoặc bác sĩ thấy có người hút thuốc tại phòng chờ hoặc trong khuôn viên bệnh viện nhẹ nhàng nhắc nhở, bảo vệ đúng nguyên tắc của bệnh viện đề ra, người hút thuốc sẽ tự giác chấp hành. Bệnh viện chúng tôi là bệnh viện ở tỉnh miền núi. Có những người bệnh chưa có thói quen nằm giường có chiếu và có những người gần hết đời người mới xuống đến thành phố, biết thế nào là đèn xanh, đèn đỏ. Điều dưỡng, bác sĩ gặp bệnh nhân như thế này ứng xử ra sao? Đó là chưa kể còn phải biết tiếng dân tộc của người đó. Tất cả những điều tôi nói ở trên, dẫu chưa thật đầy đủ nhưng phản ánh thực tế xảy ra hàng ngày ở các bệnh viện, đòi hỏi mỗi thầy thuốc phải biết nhẫn nại, chân thành với người bệnh.
PV: Ông có thể nói ngắn gọn, hiệu quả do Hội thi quy tắc ứng xử đem lại?
ThS. Lương Đức Sơn: Điều dễ nhận thấy nhất đó là tinh thần làm việc hăng say và vui tươi trong toàn bệnh viện. Ý nghĩa nhất là từ bảo vệ đến điều dưỡng và bác sĩ qua hội thi phải tự soi lại mình, ứng xử với người bệnh khéo léo, chân thành thì bệnh nhân mới tin tưởng để đến với bệnh viện!
PV: Cảm ơn ông!
Mộc Miên(thực hiện)