Hà Nội

Bệnh nhân ho khạc ra sinh vật nhỏ, nhiễm trùng liên tục vì “dính” giun lươn

28-09-2018 07:50 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Nữ bệnh nhân 50 tuổi, gần đây thấy trên da xuất hiện nhiều nốt sẩn ngoằn ngoèo, di chuyển, thi thoảng tức ngực, ho khạc ra những sinh vật nhỏ. Kết quả xét nghiệm huyết thanh xác định bệnh nhân bị nhiễm giun lươn.

 

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW vừa tiếp nhận điều trị trường hợp nữ bệnh nhân người Việt hiện đang sinh sống ở Lào, nhà có mảnh vườn nên thường tự trồng, chăm sóc hoa. Gần đây, thấy có biểu hiện bất thường nên bệnh nhân đã về Việt Nam đi khám và điều trị tại nhiều nơi. Kết quả xét nghiệm huyết thanh xác định bệnh nhân bị nhiễm giun lươn.

BS Nguyễn Trung Cấp- Trưởng Khoa Cấp cứu- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, những trường hợp nhiễm giun lươn như trên không phải quá hiếm gặp.

Cách đây không lâu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận điều trị một bệnh nhân nam 70 tuổi bị sốt kéo dài, nhiễm trùng huyết nhiều lần. Tại đây, bệnh nhân đã phải điều trị nhiễm trùng đồng thời với diệt giun lươn mới hết tình trạng nhiễm trùng huyết tái phát. Trước đó, bệnh nhân từng điều trị ở rất nhiều bệnh viện vì bị tái phát nhiễm trùng nhiều lần.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, giun lươn  tên khoa học là Strongyloides stercoralis được Bavay tìm ra năm 1876 ở lính Pháp hồi hương từ Việt Nam. Ngoài người, chúng có thể gây bệnh cả ở chó mèo. Chúng sống tự do trong đất hoặc ký sinh ở động vật, với 3 giai đoạn vòng đời: giun trưởng thành, ấu trùng rhabditiform và ấu trùng filariform.

Trong chu kỳ tự do, giun sống trong đất, đẻ trứng nở ra ấu trùng rhabditiform rồi lại phát triển thành giun trưởng thành. Chúng cứ thế tồn tại vô thời hạn trong đất. Trong chu kỳ ký sinh, một số rhabditiform biến đổi thành filariform.

“Nếu người dân ta đi chân trần vào vùng đất có filariform, chúng sẽ đi xuyên qua da tạo các nốt di bệnh ngoằn ngoèo, vào máu đi lên phổi, xuyên qua phế nang theo đờm lên họng, bị nuốt xuống ruột phát triển thành giun trưởng thành ký sinh trong ruột.

Giun lươn là một loại giun tròn nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa ở người vì chúng có thể tự nhân lên trong cơ thể

Tại ruột chúng đẻ trứng nở thành ấu trùng rhabditiform thải theo phân gây ô nhiễm đất. Một số rabditiform thành filariforrm ngay trong lòng ruột lại tái xâm nhập qua da gần hậu môn vào máu lại tạo ra lứa giun mới. Cơ chế này khiến người bị nhiễm giun lươn thường bị mạn tính vài chục năm”- BS Cấp cho biết.

Giun lươn là một loại giun tròn nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa ở người vì chúng có thể tự nhân lên trong cơ thể (do quá trình tự nhiễm). Khi cơ thể chúng ta bị suy giảm miễn dịch thì chúng bùng lên phát triển rất mạnh, phát tán đến nhiều cơ quan gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong.

Giun lươn lưu hành khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tại Châu Á, giun lươn có ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia...

Tại Việt Nam tỷ lệ người từng nhiễm giun lươn lên đến 29%, riêng khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ nhiễm cao nhất lên tới hơn 42%. Hầu hết các ca nhiễm giun lươn mạn thường không có triệu chứng hoặc đôi khi chỉ mẩn ngứa hay các nốt giun di chuyển ngoằn ngoèo dưới da hoặc ậm ạch khó tiêu, táo bón.

"Những bệnh nhân này nếu bị suy giảm miễn dịch sẽ khởi phát siêu nhiễm dẫn đến tình trạng rất nặng. Người bệnh có biểu hiện viêm phổi nặng, nhiễm trùng máu do các vi khuẩn đường ruột, nhiễm ấu trùng giun lươn lan tỏa ở nhiều vị trí như màng não, màng tim, mắt... Tỷ lệ tử vong ở nhóm này có thể lên tới tới 40%"- BS Nguyễn Trung Cấp thông tin


Khác nhau giữa giun đũa chó mèo và giun lươn

Giun đũa chó mèo chỉ ở chó mèo còn giun lươn thì tồn tại tự do lưu cữu trong đất, ruộng.

Giun đũa chó mèo ký sinh ở chó mèo dưới thể giun trưởng thành, đẻ trứng gây ô nhiễm. Nếu người nuốt phải thì chúng vào người nở thành ấu trùng, đi qua dòng máu lên các nội tạng nở thành ấu trùng và ở đóvài năm rồi chết đi chứ không thành giun trưởng thành ở người.

Còn giun lươn thì chúng qua phổi, lên họng, xuống ruột lại thành giun trưởng thành và đẻ trứng, nở thành ấu trùng, tự nhiễm đi nhiễm lại trong nhiều năm

 

 

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn