1. Những lưu ý bệnh nhân hen phế quản cần biết
Trên lâm sàng, hen phế quản có biểu hiện: thở khò khè, khó thở, nặng ngực và ho. Bệnh dễ tái phát và nặng lên khi tiếp xúc yếu tố nguy cơ hoặc thay đổi thời tiết, đặc biệt là khi trời chuyển lạnh.
Do có liên quan chặt chẽ đến việc thay đổi thời tiết, môi trường sống nên bệnh nhân hen phế quản luôn phải chú ý giữ gìn sức khỏe. Chú ý phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp do nhiễm vi khuẩn, virus... làm phế quản co thắt dẫn đến cơn hen cấp.
Bệnh nhân hen phế quản không nên lao động nặng, nên làm việc phù hợp với tình trạng sức khỏe, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Vì các hoạt động gắng sức quá mức cũng là yếu tố có thể gây khởi phát cơn hen.
Đối với những người có cơ địa dị ứng càng cần phải chú ý đến môi trường sống, nên tránh tiếp xúc với những chất dễ gây dị ứng như: phấn hoa, bụi bẩn, hóa chất, khói thuốc lá. Đặc biệt là một số thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng…
Thường xuyên luyện tập thể lực bằng các bài tập phù hợp với sức khỏe. Đặc biệt cần có chế độ dinh dưỡng khoa học: Ăn đủ chất dinh dưỡng; bổ sung thực phẩm có tác dụng chống viêm, tăng cường sức đề kháng; uống đủ nước cũng là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh và ngăn ngừa bệnh tái phát.
2. Dinh dưỡng cho bệnh nhân hen phế quản
2.1 Thực phẩm nên dùng
- Bệnh nhân hen phế quản nên ăn nhiều rau củ quả. Đây là nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp bổ sung dinh dưỡng, có tác dụng kháng viêm và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Nên chọn thực phẩm giàu vitamin A giúp bảo vệ niêm mạc đường hô hấp, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Nguồn thực phẩm giàu vitamin A gồm các loại rau màu xanh đậm; các loại củ quả có màu đỏ, vàng như: gấc, bí đỏ, xoài, đu đủ, cà rốt... Khi chế biến thức ăn cần cho thêm dầu, mỡ để hỗ trợ hấp thu vitamin A.
- Thực phẩm giàu vitamin D cũng rất tốt cho người bệnh hen phế quản. Cũng như vitamin A, vitamin D giúp tăng sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm trùng, giảm viêm đường hô hấp. Vitamin D có nhiều trong các loại hải sản, trứng, sữa...
- Bệnh nhân nên ăn thực phẩm giàu vitamin E như: các loại hạt, khoai lang, quả kiwi, rau màu xanh sẫm... có thể giúp cải thiện triệu chứng ho và khò khè.
- Thực phẩm giàu magiê như: các loại rau lá xanh, cà chua, các loại đậu, hạt, chuối, ngũ cốc nguyên cám… cũng giúp cải thiện hoạt động của phổi, tốt cho người bị hen phế quản.
- Những thực phẩm có chứa acid béo Omega 3 giúp tăng cường miễn dịch, chống viêm, cải thiện chức năng hô hấp, tốt cho người bệnh hen. Nguồn thực phẩm giàu Omega 3 là: các loại cá như cá trích, cá thu, cá hồi…; quả bơ, hạt hướng dương, dầu lạc, dầu hạt cải…
2.2 Thực phẩm người bệnh hen nên tránh
- Thực phẩm dễ gây dị ứng
Đối với người bệnh hen phế quản hoặc có tiền sử hen phế quản nên lưu ý tránh thực phẩm dễ gây dị ứng như: một số loại hải sản, nhộng ong, nhộng tằm… Đặc biệt, nếu đã từng dị ứng với một loại thức ăn nào thì tuyệt đối không sử dụng loại thức ăn đó nữa.
- Hạn chế muối
Ăn nhiều muối dễ gây ra tình trạng phù nề có ảnh hưởng xấu đến hô hấp của người bệnh. Vì vậy, người bệnh hen nên hạn chế ăn muối, chỉ nên sử dụng 5g mỗi ngày.
Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối như: thịt nguội, xúc xích, dăm bông, thịt xông khói…
- Hạn chế thực phẩm sinh hơi
Ăn quá nhiều các loại thực phẩm sinh hơi sẽ tạo áp lực lên cơ hoành, có thể làm tăng nguy cơ kích thích cơn hen. Vì vậy, người bệnh nên tránh các loại thực phẩm này gồm: bắp cải, đồ uống có gas, hành tây, thức ăn chiên rán...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thông tin về tiêm COVID-19 cho trẻ em.