Bác sĩ tuyến T.Ư khuyên giải mới nghe
Sáng 9/3, tại khoa Nhi (BV Bạch Mai), dù trời mưa gió rét mướt nhưng khu khám bệnh vẫn có hàng trăm người ngồi chờ. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, trong số này có tới một nửa không cần lên tuyến TƯ, có thể khám và điều trị ở tuyến dưới được như bị tiêu chảy, viêm đường hô hấp, viêm phế quản. Thậm chí có những ca là “bệnh ảo” do cha mẹ lo lắng thái quá. Điều này dẫn tới tình trạng chung của các BV TƯ là quá tải trầm trọng, thời gian chờ đợi khám chữa bệnh càng kéo dài.
Chỉ bị một số bệnh đơn giản nhưng người dân vẫn đăng ký khám vượt cấp. Ảnh chụp tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Lê Hữu Thọ
Một trong những ca bệnh như vậy là bệnh nhi 13 tháng tuổi, con chị Trần Thị Thu (trú tại Thanh Hóa). Bé thường xuyên đi ngoài xì xoẹt, mỗi ngày 4-5 lần. Chị rất lo lắng nên cho đi khám ở BV huyện rồi tới BV tỉnh, mỗi lần khám đều xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, siêu âm ổ bụng… Bác sĩ kết luận bé chỉ bị tiêu chảy nên kê cho ít men tiêu hóa về uống. Chị Thu không yên tâm, cho rằng bác sĩ ở tỉnh khám sai nên đưa con tới khoa Nhi (BV Bạch Mai) để khám. Chờ cả tiếng đồng hồ mới được khám thì tại đây, bác sĩ cũng kết luận bé bị “tiêu chảy sinh lý, lớn lên sẽ hết, không ảnh hưởng đến sức khỏe” và không kê đơn thuốc.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, ông đã phải dành nhiều thời gian để giải thích bệnh tình của con trai chị Thu để người mẹ yên tâm đưa con về, không “hành” con đi khám khắp nơi nữa.
Chị Đinh Hồng Mai cũng bế con từ Thanh Liêm (Hà Nam) đội mưa gió rét mướt đi khám ở BV Bạch Mai. Lý do là chị nghe tiếng thở của con khò khè, đưa đi khám ở tuyến huyện, tỉnh thì có nơi bác sĩ kết luận viêm phế quản, kê kháng sinh, nhưng cũng có nơi bác sĩ “đuổi về” vì con khỏe. Chị quyết định đưa con đi khám “tuyến TƯ cho yên tâm”. Khi đến khoa Nhi, TS Dũng thăm khám và nhận thấy bé hoàn toàn khỏe mạnh. Lúc này, việc của ông lại là… chữa bệnh tâm lý cho mẹ, rằng bé không bị bệnh, do nhịp thở của trẻ không giống người lớn nên dễ nhầm lẫn.
GS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết TƯ cho biết, khoảng 30% các ca khám bệnh tại bệnh viện (hơn 1.000 ca mỗi ngày) có thể khám và điều trị ở tuyến dưới như bệnh bướu cổ nhỏ, bệnh đái tháo đường chưa biến chứng. “Cho dù hiện nay theo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, người bệnh khám ngoại trú không được thanh toán BHYT nhưng họ vẫn đến khám. Họ cho rằng mất vài triệu nhưng khám ra bệnh, điều trị “một phát ăn ngay” còn hơn để lãi rãi sức yếu mà vẫn mất tiền”, GS Lương chia sẻ.
“Việc vượt tuyến không cần thiết không thể đổ lỗi cho bệnh nhân”, TS Dũng phân tích. Theo TS Dũng, rất ít người có thể phân loại được bệnh tật của mình để biết nên đi khám ở huyện, ở tỉnh hay TƯ. Họ cứ ốm, mệt là muốn được đi khám ở các cơ sở y tế tin cậy, có uy tín.
“Đối với căn bệnh “thích có bệnh” như của chị Thu, chị Mai nói trên rất dễ mà lại rất khó. Dễ vì chỉ cần dành thời gian phân tích cho người nhà hiểu để yên tâm không ngược xuôi đưa con đi khám nữa. Nhưng khó vì để giải thích được cần một bác sĩ có uy tín, hiểu tâm lý người bệnh, biết trấn an. Bác sĩ khám 3-4 phút, đưa ra kết luận sơ sài càng khiến bố mẹ không phục, càng hoang mang, lo lắng”, TS Dũng nhận định.
Phớt lờ thủ tục
Tại BV Bạch Mai, bà Nguyễn Thị Hạnh (57 tuổi, trú tại Thái Nguyên) cho biết bà bị chóng mặt, nhìn mọi vật đều xoay tròn, đến mức không đi đứng được. Bà đã đi khám ở BV Đa khoa Thái Nguyên và được chẩn đoán là tiền đình nhưng vẫn chưa tin tưởng kết quả nên con trai đưa về Hà Nội khám. Bà đi từ 4 giờ sáng, xuống đến BV Bạch Mai là 6 giờ, lấy số thứ tự 08. Sau khi khám bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm. Tuy nhiên, việc chụp CT lại phải chờ đến 16 giờ.
Ông Lê Quốc Minh (54 tuổi, ở Nghệ An, khám tại BV Nội tiết T.Ư):
Tôi bị đái tháo đường, khi đi khám phải làm nhiều xét nghiệm nên chầu chực từ sáng đến chiều, mệt mỏi vô cùng. Tôi khám ngoại trú cũng không được thanh toán BHYT, phải chi mấy triệu đồng. Biết đông, biết phải chờ, biết mất tiền nhưng sợ chữa ở tỉnh không đảm bảo nên lại lên BV T.Ư”.
Suốt quá trình này, bà và người nhà mất rất nhiều thời gian để hỏi, hỏi từ chỗ photocopy giấy chuyển viện, thẻ BHYT cho tới chỗ chiếu chụp. Trong khi đó, để cung cấp thông tin cho người bệnh, tránh việc người bệnh đi nhầm lẫn, lúng túng, tại khoa Khám bệnh (BV Bạch Mai) đã treo nhiều bảng biểu hướng dẫn về thủ tục đăng ký, giấy tờ cần thiết, cách thanh toán viện phí… Ngay cửa ra vào BV còn bố trí một bàn hướng dẫn, nhân viên y tế trực thường xuyên để chỉ dẫn cho người dân. Mặc dù có sơ đồ, có bảng chỉ dẫn nhưng rất nhiều người, trong đó có bà Hạnh, bỏ qua và cứ gõ cửa từng phòng khám để hỏi khiến bác sĩ mất thêm thời gian trả lời.
TS. Trần Văn Đoan, Trưởng khoa Khám bệnh (BV Bạch Mai) cho biết, BV đã triển khai khám bệnh vào thứ 7 để giảm quá tải. Tuy nhiên, dù tuyên truyền nhiều nhưng người dân vẫn không biết lịch, cứ ùn ùn đi khám vào các ngày đầu tuần khiến khoa Khám bệnh luôn quá tải, còn ngày cuối tuần thì thưa vắng. “Người có thẻ BHYT cũng đi khám được vào thứ 7 lại thích hợp với công chức, học sinh sinh viên phải đi làm, rất tiện lợi cho mọi người”, TS Đoan nhấn mạnh.
Ngoài ra, có rất nhiều người cậy có tiền, cậy quen biết nên thường không thèm tìm hiểu các bước khám bệnh, chen ngang quy trình khám khiến cho những người đi sớm, xếp hàng sớm bị đẩy xuống sau gây bức xúc. Các BV hiện đang cố gắng để giảm hiện tượng này. Thường xuyên được nghe các cú điện thoại “nhờ vả” để được khám nhanh, khám sớm, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng phải mỏi miệng từ chối. Ông cho biết khám chữa bệnh là cả một quy trình với nhiều khâu khác nhau, không thể vì quen biết mà đẩy nhanh cả “đoàn tàu”. Cũng không phải vì quen biết, vì có phong bì mà chất lượng khám chữa bệnh nhanh hơn, tốt hơn. “Người dân nên khắc phục tâm lý ỷ lại này, nên hình thành thói quen tìm hiểu bao quát thông tin về quy trình khám chữa bệnh, xếp hàng, chờ đợi một cách có văn hóa”- TS Dũng cho biết.
Để giảm thiểu thực trạng này, theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, đến tháng 6.2015, tất cả các BV từ tuyến huyện đến tuyến TƯ phải áp dụng hệ thống phát số thứ tự khám bệnh tự động tại các khoa khám bệnh nhằm hạn chế tình trạng chen ngang, đảm bảo công bằng và giảm thời gian chờ đợi của người dân.
100% BV trong cả nước đã thực hiện cải tiến quy trình khám bệnh, trong đó 93% số BV đã cải tạo cơ sở hạ tầng khoa khám bệnh; mua sắm bổ sung trang thiết bị cho khu vực ngồi chờ khám bệnh, nhiều nơi có đặt hệ thống phát số thứ tự khám bệnh tự động… 93,3% BV bổ sung thêm buồng khám, bàn khám bệnh.
Công bố của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) năm 2014