Hà Nội

Bệnh nhân Hàn Quốc đầu tiên nhiễm MERS-CoV lây sang người cùng phòng

24-05-2015 11:24 | Quốc tế
google news

SKĐS - Vợ và người ở chung phòng với bệnh nhân được phát hiện nhiễm MERS-CoV đầu tiên ở Hàn Quốc vừa được khẳng định đã bị lây nhiễm virut này.

Như vậy đến nay, tại quốc gia Đông Á này đã ghi nhận 3 trường hợp nhiễm virut Corona gây hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV). Trường hợp đầu tiên, như tin đã đưa, là một người đàn ông Hàn Quốc 68 tuổi trở về từ Bahrain, trường hợp thứ hai là người vợ của bệnh nhân này (63 tuổi) và trường hợp lây nhiễm thứ ba là bệnh nhân nam khác, 76 tuổi, người chung phòng với bệnh nhân đầu tiên.

Thông tin này vừa được Bộ Y tế Hàn Quốc, Cơ quan Đầu mối thực hiện Điều lệ y tế quốc tế (IHR_NFPs) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo sau khi có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của 2 bệnh nhân này vào ngày 21/5.

Hàn Quốc xác nhận ca nhiễm MERS-CoV thứ ba tại nước này, một ngày sau khi ca đầu tiên được báo cáo. Ảnh: worldbulletin.net.

Hàn Quốc xác nhận ca nhiễm MERS-CoV thứ ba tại nước này, một ngày sau khi ca đầu tiên được báo cáo. Ảnh: worldbulletin.net.

Theo kết quả điều tra dịch tễ của trường hợp đầu tiên nhiễm MERS-CoV tại Hàn Quốc, bệnh nhân này lưu trú cùng vợ tại Bahrain, một quốc gia vùng Trung Đông, từ ngày 18/4 - 29/4/2015, có tham gia công việc tại nông trại. Ngày 29-30/4 di chuyển cùng gia đình qua Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, ngày 1-2/5 qua Vương quốc Ả Rập Xê Út, ngày 3/5 quá cảnh qua Qatar, ngày 4/5 cùng gia đình bay về sân bay quốc tế Incheon - Hàn Quốc. Một tuần sau khi trở về quê nhà không có biểu hiện triệu chứng bệnh lý gì. Ngày 11/5, ông có biểu hiện dấu hiệu ban đầu là sốt và ho và đến khám tại một bệnh xá địa phương vào ngày 12-15/5 để điều trị ngoại trú, ngày 15-17/5 có chuyển điều trị tại một bệnh viện địa phương và xuất viện về nhà. Tối 17/5, bệnh nặng thêm ông phải đến cấp cứu tại bệnh viện, tại đây bệnh phẩm ho có đờm của bệnh nhân được lấy gửi xét nghiệm, đến ngày 19/5 có kết quả ban đầu dương tính với MERS-CoV. Ngày 20/5 được khẳng định nhiễm MERS-CoV tại Phòng xét nghiệm quốc gia Hàn Quốc bằng giải trình tự gen theo phương pháp PCR và RT-PCR. Không thấy có yếu tố tiếp xúc lạc đà hoặc bệnh nhân MERS-CoV trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh. Bệnh nhân được chuyển tuyến điều trị tại bệnh viện Trung tâm quốc gia quy định điều trị MERS-CoV theo tư vấn và khuyến cáo tiêu chuẩn của WHO. 2 trường hợp tiếp theo được phát hiện nhiễm MERS-CoV cũng đang được điều trị tại bệnh viện Trung tâm quốc gia, hiện tình trạng sức khỏe cả 3 bệnh nhân đều ổn định.

Bộ Y tế Hàn Quốc đã tiến hành điều tra nguồn lây nhiễm, giám sát địa chỉ liên lạc của 58 người và nhân viên y tế bệnh viện tham gia chăm sóc 3 bệnh nhân MERS-CoV tại bệnh viện Trung tâm quốc gia, đến nay chưa phát hiện người nào có biểu hiện triệu chứng gì.

Theo WHO, từ 2012 đến nay, trên thế giới đã ghi nhận 1.134 người nhiễm MERS-CoV tại 25 quốc gia, trong đó ít nhất 427 người tử vong.

WHO nhận định nhóm nguy cơ cao mắc MERS-CoV đó là những người mắc bệnh đáo tháo đường, suy thận, bệnh phổi mãn tính, những người bị bệnh miễn dịch. Do vậy, những đối tượng này nên tránh tiếp xúc với động vật đặc biệt là lạc đà nhất là khi tới các trang trại, chợ, chuồng trại những nơi vi rút Corona có khả năng lưu hành. Các biện pháp vệ sinh chung như rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi sờ vào động vật và tránh tiếp xúc với động vật ốm.

 

10 khuyến cáo của WHO với các quốc gia trong phòng chống bệnh MERS-CoV:

1. Tiếp tục giám sát các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, xem xét các trường hợp nhiễm trùng hô hấp khác thường và có tiền sử về từ các nước vùng Trung Đông.

2. Triển khai các biện pháp cơ bản phòng chống, kiểm soát phòng lây nhiễm, nhất là phòng lây nhiễm trong các cơ sở y tế.

3. Do MERS-CoV có các triệu chứng sớm không điển hình cần áp dụng các biện pháp dự phòng tiêu chuẩn và đầy đủ đối với cơ sở y tế và nhân viên chăm sóc người bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và nghi ngờ nhiễm MERS-CoV.

4. Hoàn thành các điều tra, đánh giá về MERS-CoV để có hiểu biết đầy đủ về dịch tễ học, yếu tố nguy cơ.

5. Hỗ trợ nâng cao năng lực phòng chống cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi MERS-CoV.

6. Nâng cao nhận thức và truyền thông nguy cơ về MERS-CoV cho cộng đồng, cán bộ y tế, chính quyền.

7. Nâng cao nhận thức về MERS-CoV đối với nhóm người đi hành hương, du lịch tới vùng bị ảnh hưởng bởi MERS-CoV.

8. Tăng cường hợp tác liên ngành, đặc biệt là thú y và y tế.

9. Chưa cần sàng lọc đặc biệt tại cửa khẩu, không hạn chế thương mại và du lịch tới các quốc gia bị ảnh hưởng.

10. Chia sẻ với WHO các thông tin liên quan cần thiết.

 

PV

 

 


Ý kiến của bạn