Sau hơn một tuần được các bác sĩ BV Hữu nghị Việt Đức tiến hành ghép tạng từ người cho chết não (2 ca ghép thận, một ca ghép gan), bệnh nhân ghép thận đầu tiên đã được xuất viện. Hai bệnh nhân ghép gan và ghép thận còn lại đã ăn uống, nói chuyện khỏe mạnh, các chỉ số sinh học trở về bình thường và sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
“Tôi như được sinh ra lần nữa…”
Sau 8 ngày được ghép gan, bệnh nhân Vũ Đình Huỳnh, 54 tuổi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã có thể ngồi dậy, ăn uống, nói chuyện với mọi người. Trò chuyện với chúng tôi, anh Huỳnh xúc động chia sẻ: “Tôi như được sinh ra thêm một lần nữa. Nhờ có nguồn tạng phù hợp và bằng sự tài giỏi của các bác sĩ mà tôi đã được cứu sống, trở về cuộc sống hàng ngày – điều mà trước đây nằm trên giường bệnh nhiều lúc tôi chẳng dám nghĩ đến”.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết thăm khám cho bệnh nhân ghép gan Vũ Đình Huỳnh. Ảnh: D.Hải. |
Nằm điều trị trong đơn vị ghép tạng, bệnh nhân Nguyễn Đại Lợi, 30 tuổi – người được ghép thận cùng hai ca ghép tạng khác trong đêm 22/5 vừa qua cũng hồ hởi cho biết: “Đến giờ tôi cảm thấy rất khỏe mạnh, đi tiểu bình thường, không còn xanh xao, mệt mỏi như trước đây nữa…”. Chàng trai 30 tuổi này cũng cho biết thêm, đây có lẽ là điều kỳ diệu nhất mà cuộc sống này dành cho anh và chính các y bác sĩ là người đã hồi sinh sự sống cho anh.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, tính đến thời điểm hiện tại, BV Hữu nghị Việt Đức đã tiến hành ghép được 12 ca ghép gan (trong đó 9 ca ghép từ người cho chết não và 3 ca ghép từ người cho sống); 5 ca ghép tim và 160 ca ghép thận (trong đó 25 ca ghép từ người cho chết não và 135 ca ghép từ người cho sống). Chi phí cho các ca ghép khoảng 300 triệu đồng (ghép thận) và khoảng 1,5 tỉ đồng (ghép gan) – trong đó, bệnh nhân BHYT được hỗ trợ đồng chi trả. So với chi phí ghép tạng ở nước ngoài (1-7 tỉ/ca ghép tạng) thì chi phí ghép tạng ở trong nước rẻ hơn rất nhiều.
Về trang thiết bị, cơ sở vật chất, BV Hữu nghị Việt Đức hiện có 30 bàn mổ, sắp tới tăng thêm 50 bàn mổ cùng với đội ngũ y bác sĩ hoàn toàn có thể đáp ứng mổ luân phiên cho 150 trường hợp/ngày.
Ghép tạng – hành trình gian nan đầy ý nghĩa
Chia sẻ về hành trình ghép tạng hồi sinh sự sống cho người bệnh trong suốt thời gian vừa qua, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết nói: “Đây quả thực là một hành trình đầy gian nan, vất vả mà các y bác sĩ chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều. Điều khó khăn nhất vẫn là rào cản tâm lý “người chết phải toàn thây” khiến người dân chưa nhận thức hết được ý nghĩa nhân văn của việc cứu người”.
“Tại BV Hữu nghị Việt Đức, mỗi năm có khoảng 1.000 người chết não. Bản thân các y bác sĩ phải tích cực vận động rất nhiều nhưng trong vòng 4 năm trở lại đây mới có 13 người hiến tạng cho y học. Trong khi đó, số bệnh nhân đăng ký chờ ghép tạng ngày một nhiều thêm và hiện đã lên tới hàng trăm người. Nhìn những người bệnh hiểm nghèo mòn mỏi chờ tạng để ghép chúng tôi quả thực không khỏi xót xa…”- PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết bày tỏ.
Hiện tại, dù đã có Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cũng kiến nghị, Nhà nước cần có những hoạt động thiết thực tôn vinh các gia đình người cho tạng. Có như vậy, nhiều bệnh nhân đang nằm “chờ chết” mới có hi vọng được hồi sinh.
Dương Hải