Bệnh nhân ghép phổi: Mỗi ngày tôi lao động 5 tiếng, một năm nay tự đi khám bệnh

20-09-2022 15:47 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS - Hai năm sau ghép phổi, giờ đây ông N.X.T (Bỉm Sơn, Thanh Hoá) mỗi ngày làm vườn từ 4 đến 5 tiếng, đi bộ 1 tiếng để rèn luyện thể thao, thậm chí ông tự xuống Hà Nội khám bệnh một mình.

Kỳ tích: Bệnh nhân ghép 2 lá phổi đã xuất việnKỳ tích: Bệnh nhân ghép 2 lá phổi đã xuất viện

SKĐS - Sáng ngày 10/11, bệnh nhân N.X.T ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa- người được ghép hai lá phổi đã bình phục sức khỏe và được các bác sĩ Trung tâm ghép phổi, BV Phổi Trung ương chúc mừng ra viện. Đây là ca ghép phổi được thực hiện bởi ê kíp bác sĩ của BV Phổi Trung ương và BV Trung ương quân đội 108 từ người hiến tạng chết não.

"Nếu không có người hiến tạng, tôi không có ngày hôm nay"

"Biểu diễn" trước mặt phóng viên, ông N.X.T ở  Bỉm Sơn, Thanh Hoá đi như chạy, đạp xe như vận động viên – những  việc mà cách đây 2 năm ông không thể  thực hiện được. Khi ấy, mỗi bước đi ông đều phải có người dìu từng chút một, leo cầu thang lên tầng 2 cũng khiến ông "thở không ra hơi".

Ông T chia sẻ, đến ngày hôm nay, ông có thể leo 3-4 tầng cầu thang mà cảm thấy bình thường. Hàng ngày, ông còn phụ giúp gia đình những công việc vườn tược từ 4 đến 5 giờ đồng hồ. Ông T. khoe: "Nếu trời không mưa, ngày nào cũng vậy, sáng tôi tập đi bộ 30 phút, chiều 30 phút mà không thấy mệt."

Ông N.X.T cách đây 1 năm (ảnh trái) và hiện tại.

Ông T kể, vào đầu năm 2022, không may là ông bị mắc COVID-19. Nhưng nhờ có sức khỏe mà ông chỉ nằm ở bệnh viện tỉnh có 9 ngày là hồi phục.  Còn nhớ thời điểm sau phẫu thuật, có lúc ông phải dùng tới 10 loại thuốc, nhưng đến nay chỉ còn uống khoảng 5-6 loại thuốc.

Bày tỏ  niềm hạnh phúc và mãn nguyện khi có được ngày hôm nay, ông T. cho biết, bản thân sức khỏe của mình đang hồi phục từng ngày, vết sẹo do ghép phổi rất nhỏ, hầu như không ai nhận ra ông đã từng  trải qua cuộc đại phẫu, về gia đình 2 người con trai của ông đều đã trưởng thành và đang công tác tại Hà Nội. Ông cảm thấy may mắn khi nhận được "món quà" của người hiến tạng cũng như sự thành công ngoạn mục của ca ghép phổi, ông T nói:  "Đây quả thật là điều may mắn không thể nào tả hết được đối với tôi, tôi không bao giờ dám nghĩ đến".

Tôi có cảm giác như được sinh ra một lần nữa. Nếu không có người hiến tạng, tôi không có ngày hôm nay. Tôi mong sẽ có thêm nhiều người nữa được ghép tạng như tôi.
Ông N.X.T ở Bỉm Sơn, Thanh Hoá – người được ghép phổi cách đây 2 năm
Bệnh nhân ghép phổi: Mỗi ngày tôi lao động 5 tiếng, một năm nay tự đi khám bệnh - Ảnh 4.

TS Đinh Văn Lượng, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương khám bệnh cho ông T.

Cách đây 2 năm, ông T. có biểu hiện ho kéo dài, khó thở, mệt khi vận động, chỉ đi bộ 5 phút là đã thở gấp, leo cầu thang thì  không chịu nổi. Nghĩ mình bị ho do dùng thuốc lào, nên ông tới bệnh viện để khám bệnh. Và bất ngờ ông nhận được chẩn đoán bị xơ phổi. Tuy nhiên, bệnh diễn biến rất nhanh, xuất hiện dấu hiệu suy hô hấp. Thời điểm đó, TS Đinh Văn Lượng, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương nhận định, nếu không được ghép phổi, bệnh nhân chỉ có thể cầm cự được từ  2-3 tháng nữa.  Ông được đưa vào danh sách chờ ghép phổi.

TS Đinh Văn Lượng kể lại, khi có được nguồn tạng hiến, lúc đó trong danh sách dài những người chờ ghép các bác sĩ rút lại còn 4 trường hợp. Nhưng sau đó, khi so sánh các chỉ số, sự tương thích của người hiến và người nhận, chỉ có bệnh nhân T là phù hợp.  Và kỳ tích đã xảy ra, ca phẫu thuật thành công ngoài mong đợi, chỉ 2 ngày sau ghép bệnh đã rời khỏi giường tập phục hồi chức năng.

Sau 2 năm ghép phổi, ông N.X.T có thể sinh hoạt, vận động như bình thườngbệ 

Ca ghép phổi thành công toàn diện đầu tiên tại Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, ghép phổi là một trong những kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng. Ca ghép phổi này là thành công rất lớn, là kết quả giữa sự phối hợp giữa BV Phổi Trung ương và BV TW quân đội 108. Thành công này không chỉ đem đến cho thầy thuốc niềm cảm hứng chinh phục đỉnh cao khoa học, mà còn đem lại cho người bệnh niềm tin, hy vọng về những ca ghép phổi thành công tiếp theo, Giám đốc BV Phổi Trung ương cho hay.

Theo TS Đinh Văn Lượng, ca ghép phổi này được đánh giá là ca ghép phổi thành công nhất, toàn diện nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Hiện tại, các chỉ số đánh giá chức năng hô hấp của người bệnh như người bình thường. Bệnh nhân được thực hiện theo một quy trình theo tiêu chuẩn quốc tế  giống như những bệnh nhân ghép phổi tại Trung tâm ghép phổi UCSF ở Mỹ (UCSF là một trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất ở Mỹ). Tất cả quy trình được thực hiện chặt chẽ, bài bản theo chuẩn của UCSF.

Đặc biệt, việc chăm sóc  sau ghép cho bệnh nhân cũng được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, chuẩn của Mỹ. Bệnh nhân T đã được chăm sóc phục hồi để hòa nhập với cuộc sống bình thường trong điều kiện của Việt Nam.

"Trường hợp của bệnh nhân T là ca ghép phổi thứ 8 tại Việt Nam, nhưng đây là ca ghép phổi thành công toàn diện ở Việt Nam", TS Đinh Văn Lượng nói.  Đó là do quy trình ghép phổi chuẩn, việc sàng lọc bệnh nhân ghép kỹ càng, kỹ thuật ghép tiên tiến, hiện đại  và trong đó  còn  phải kể đến cả việc chăm sóc sau mổ tốt.

Bệnh nhân ghép phổi: Mỗi ngày tôi lao động 5 tiếng, một năm nay tự đi khám bệnh - Ảnh 7.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương

Chia sẻ với phóng viên TS Đinh Văn Lượng cho biết, mỗi năm tại Việt Nam có thêm 40-50 người được chỉ  định ghép phổi, thời gian của họ sẽ rút ngắn dần nếu không có tạng hiến phù hợp. Nguồn tạng ghép là một khó khăn rất lớn.  PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho hay, đa số người Việt đều có suy nghĩ chết là hết,  tất cả sẽ trở về với cát bụi. "Tại sao chúng ta không có nhận thức rằng, khi mất đi, tất cả  sẽ đi mất hoàn toàn. Nếu hiến tạng, một phần của họ sẽ còn ở lại với chúng ta… Bởi cho đi là còn mãi", PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nói.    

Hai năm là khoảng thời gian không ngắn cũng không quá dài, nhưng tôi tin rằng người bệnh ghép phổi này  sẽ còn thêm nhiều năm sống vui, sống khoẻ nữa. Thành công của ca ghép phổi này vô cùng đáng khích lệ, tạo thêm niềm tin cho các y bác sĩ cũng như người bệnh về những thành công tiếp nối trong tương lai.

TS Đinh Văn Lượng- Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương khám lại cho bệnh nhân T.

Một năm sau ghép phổi: "Tôi khoẻ mạnh và hạnh phúc hơn"Một năm sau ghép phổi: 'Tôi khoẻ mạnh và hạnh phúc hơn'

SKĐS- Gặp lại bệnh nhân N.X.T, Bỉm Sơn, Thanh Hoá 1 năm sau khi ông trải qua ca đại phẫu ghép một lúc 2 lá phổi, cả sức khoẻ và tinh thần của ông đã thay đổi rất nhiều. Ông vui vẻ hơn và hào hứng khoe đã lên 9kg kể từ lần ghép phổi năm ngoái.


Hải Yến
Ý kiến của bạn