Bệnh nhân ghép phổi hồi sinh thần kỳ, được ra viện sau nhiều ca phẫu thuật và hơn 7 tháng nằm viện

16-12-2024 15:28 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS - Trải qua 1 ca ghép phổi, vài ca phẫu thuật do bệnh nền và 7 tháng nằm viện, bệnh nhân ghép phổi hồi sinh thần kỳ… Dù ca ghép phổi trên bệnh nhân mắc bệnh hiếm, diễn tiến sau phẫu thuật cực kỳ phức tạp nhưng chưa bao giờ các y bác sĩ từ bỏ hy vọng, từng chút một đưa người bệnh trở về với cuộc sống.

Bệnh nhân ghép phổi hồi sinh thần kỳ, được ra viện sau nhiều ca phẫu thuật và hơn 7 tháng nằm viện- Ảnh 1.

Vợ chồng bệnh nhân Trịnh Thị HIền tặng hoa tri ân các bác sĩ - những người đã góp phần tặng cho chị một cuộc sống mới.

Đón bệnh nhân Trịnh Thị Hiền (39 tuổi, ở Diễn Yên, Diễn Châu, Nghệ An) ra viện hôm nay (16/12), ngoài chồng, mẹ đẻ chị Hiền còn có bố chồng chị tên là Trần Bốn (70 tuổi), ông là một cựu chiến binh. Ông Bốn hiện đang làm bảo vệ của một cửa hàng ở quận Cầu Giấy cho biết, trong ngày con dâu được ra viện, ông nhất định phải có mặt để cảm ơn các y bác sĩ - những người đã tận tình chăm sóc, điều trị cho con ông suốt thời gian qua.

Bệnh nhân được ghép phổi Trịnh Thị Hiền cho biết, sức khỏe hiện tại của chị đã tốt hơn rất nhiều so với trước. Giờ đây chị có thể tự làm các công việc phục vụ bản thân, đi bộ được hàng trăm mét mà không biết mệt. Chị mong muốn trở về nhà, nơi có gia đình của mình để phục hồi sức khỏe.

Chia sẻ với phóng viên, ông Bốn nghẹn ngào cho biết: "Đây quả là một phép màu, con tôi đã được cứu sống, được sinh ra lần thứ 2. Con tôi có được ngày hôm nay là nhờ ơn của các y bác sĩ, các nhà hảo tâm, nhà tài trợ".

Bệnh nhân ghép phổi hồi sinh thần kỳ, được ra viện sau nhiều ca phẫu thuật và hơn 7 tháng nằm viện- Ảnh 2.

Gia đình bệnh nhân tặng hoa tri ân các y bác sĩ, những người đã chăm sóc, điều trị cho chị Hiền trong suốt thời gian qua.

Gia đình từng chuẩn bị hậu sự cho bệnh nhân

Ông Bốn nhớ lại, hồi đầu tháng 4 khi nhận được điện thoại của bệnh viện về việc có phổi của người cho chết não hiến tặng phù hợp với chị Hiền, gia đình vừa mừng vừa lo. Mừng vì con có thể được cứu sống như lo vì những chi phí trước mắt quá khả năng của gia đình. Nhưng ông Bốn kiên quyết, còn người là còn của, trước mắt cứ cứu sống được con dâu của ông đã.

Nhớ lại thời gian trước khi phát bệnh, chị Hiền cho biết, chị xuất hiện cảm giác tức ngực, khó thở, cảm thấy mệt mỏi đến mức không thể đi làm được. Chị Hiền đã phải nghỉ việc công nhân suốt 2 năm, cả gia đình chỉ trông chờ vào lương công nhân của chồng chị.

Suốt trong một thời gian dài, hai vợ chồng chị Hiền đi khám ở nhiều nơi, bác sĩ đều kết luận chị Hiền bị tràn dịch màng phổi. Sau thời gian điều trị không khả quan, hai vợ chồng chị Hiền dắt nhau lên Bệnh viện Phổi Trung ương.

Tại đây, ngoài căn bệnh tràn dịch màng phổi, các bác sĩ còn tìm ra một căn bệnh khiến chị Hiền điều trị bệnh không tiến triển đó là do chị mắc một căn bệnh hiếm có tên bệnh Lymphangioleiomatomatosis (LAM).

Bệnh LAM còn gọi là bệnh phổi đột lỗ. Nguyên nhân là do một sự tăng trưởng không đau của tế bào cơ trơn xung quanh phổi, các mạch máu phổi, mạch bạch huyết và màng phổi. Bệnh hiếm gặp LAM thường xảy ra ở phụ nữ trẻ với các triệu chứng như đau ngực, ho, khó thở, ho ra máu, tràn khí màng phổi tự phát.

Theo các bác sĩ, để điều trị cho chị Hiền, có 2 phương án là vá lại phổi hoặc ghép phổi. Với phương án vá lại phổi, các bác sĩ lo ngại phương pháp này chỉ được một thời gian ngắn và nguy cơ bục rất cao nếu người bệnh hoạt động quá công suất lá phổi. Phương án thứ hai là ghép phổi nhưng cơ hội để được ghép giống như một tia hy vọng le lói cuối cùng.

Và điều bất ngờ ngoài mong đợi của gia đình chị Hiền đã đến. Vào một ngày đầu tháng 4, chồng của chị Hiền là anh Nguyễn Minh Hạnh nhận được cuộc điện thoại từ Bệnh viện thông tin có lá phổi hiến từ người cho chết não phù hợp với các thông số sức khỏe của chị Hiền. Anh Hạnh gấp rút đưa vợ nhập viện và "ngày định mệnh" khiến cuộc đời gia đình anh chị Hạnh Hiền sang một trang mới tươi sáng và hạnh phúc hơn đã đến, đó là ngày chị được ghép lá phổi mới.

Bệnh nhân ghép phổi hồi sinh thần kỳ, được ra viện sau nhiều ca phẫu thuật và hơn 7 tháng nằm viện- Ảnh 3.
Bệnh nhân ghép phổi hồi sinh thần kỳ, được ra viện sau nhiều ca phẫu thuật và hơn 7 tháng nằm viện- Ảnh 4.

Ông Trần Bốn - bố chồng của bệnh nhân Trịnh Thị Hiền nghẹn ngào chia sẻ với phóng viên.

Ông Bốn rưng rưng kể: "Sau phẫu thuật ghép phổi được 8 ngày mà không thấy con có tiến triển, tôi đã điện về cho bà nhà tôi chuẩn bị một phần đất để lo hậu sự cho con. Nhưng sang đến ngày thứ 9, bác sĩ báo tin cho gia đình là con tôi đã an toàn, lúc đó gia đình tôi mới thực sự tin con mình đã được cứu sống".

Chồng chất những khó khăn thử thách các y bác sĩ trong ca ghép phổi phức tạp nhất từ trước đến nay

Có được tạng để ghép phổi, cứu sống bệnh nhân đã khó, nhưng để bệnh nhân hồi phục được đến ngày hôm nay là một sự "thần kỳ". Theo các bác sĩ, đây là ca ghép phổi phức tạp nhất từ trước đến nay do bệnh nhân mắc bệnh hiếm, lại mắc thêm nhiều bệnh nền. Nhưng nếu không được ghép phổi ngay, bệnh nhân chỉ sống với thời gian tính bằng tháng.

Bệnh nhân ghép phổi hồi sinh thần kỳ, được ra viện sau nhiều ca phẫu thuật và hơn 7 tháng nằm viện- Ảnh 5.

Giám đốc BV Phổi trung ương TS. BSCC Đinh Văn Lượng chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm đối với ca ghép phổi phức tạp nhất từ trước đến nay đã được các y bác sĩ hồi sinh sự sống.

Giám đốc BV Phổi trung ương TS. BSCC Đinh Văn Lượng cho biết, bệnh nhân Trịnh Thị Hiền có bệnh nền rất phức tạp, quá trình phẫu thuật gặp nhiều khó khăn do cấu trúc giải phẫu khó. Ngay khi ghép xong, bệnh nhân có tình trạng phổi trái chưa tiếp nhận máu và dinh dưỡng, khó có thể "sống" được. Phương pháp đặt ra là có thể phải cắt một lá phổi trái.

Tuy nhiên, "còn nước còn tát", TS.BSCC Đinh Văn Lượng cho biết, bằng tất cả nỗ lực và quyết tâm, các y bác sĩ từng chút một, theo dõi, điều chỉnh thuốc, cố gắng giữ lại lá phổi trái cho người bệnh. Nỗ lực điều trị của cả ê-kíp đã được đền đáp, lá phổi trái hoạt động trở lại bình thường.

TS.BSCC Đinh Văn Lượng: "Tất cả những khó khăn, phức tạp có thể xảy ra ở 1 ca ghép phổi đều gặp trên bệnh nhân Hiền… Khi phẫu thuật ghép, chúng tôi phải tạo hình lại tĩnh mạch phổi dưới bên trái, đây là vấn đề thường gặp trong ghép phổi. Ở bệnh nhân Hiền ngoài phẫu thuật ghép phổi, trong quá trình nằm viện chị phát bệnh thận và phải trải qua ca phẫu thuật cắt thận, điều trị dò dưỡng chấp trong hệ thống đường tiêu hóa và điều trị nhiễm một loại virus tấn công hồng cầu ngoại biên khiến cơ thể liên tục bị thiếu máu…"

Trước ca ghép phổi, các bác sĩ tiên lượng ca ghép phổi sẽ gặp rất nhiều "trắc trở" vì sức khỏe của bản thân người bệnh. Và đúng như dự liệu, hậu phẫu sau ghép phổi đã khó, các bác sĩ còn phải đối mặt với những căn bệnh phức tạp của bệnh nhân. Trong hàng tháng trời hậu phẫu, bệnh nhân Hiền phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật như cắt thận, điều trị dò dưỡng chấp, hay điều trị nhiễm virus khiến bệnh nhân liên tục bị thiếu máu.

"Để điều trị loại virus này, bệnh nhân phải dùng một phác đồ điều trị trong 5 ngày tốn tới 200 triệu đồng.", TS.BSCC Đinh Văn Lượng cho biết.

Hành trình 7 tháng giành giật lại sự sống từ "bàn tay tử thần" cho bệnh nhân Trịnh Thị Hiền có sự đóng góp không nhỏ của các y bác sĩ. Đó không chỉ là trí tuệ, công sức mà còn là những nỗ lực phi thường với một tinh thần "không bỏ cuộc" của các y bác sĩ, đã mang đến niềm tin và hy vọng cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân vượt qua những khó khăn và giành lại sự sống.

"Thành công của ca ghép phổi này cho thấy trình độ tay nghề của các y bác sĩ Việt Nam không thua kém các nước phát triển. Thời gian tới đây, y tế Việt Nam có thể chủ động hoàn toàn các quy trình trong ghép phổi như ở các nước phát triển", TS.BSCC Đinh Văn Lượng nói.

Trong 4 ca ghép phổi thành công và đang được theo dõi tại BV Phổi Trung ương, năm 2024 đã thực hiện được 3 ca. TS.BSCC Đinh Văn Lượng cho biết, hiện nay, riêng tại BV Phổi Trung ương luôn có hàng chục ca chờ ghép phổi, tuy nhiên nguồn tạng hiến từ người cho chết não không đáp ứng được.

Trên thế giới mỗi năm có khoảng 5000 ca ghép phổi thì Mỹ chiếm khoảng 2500 ca. Tuy nhiên chi phí để thực hiện một ca ghép phổi tại Mỹ lên tới hàng triệu USD. Trong khi đó, chi phí cho một ca ghép phổi tại Việt Nam chỉ khoảng trên dưới 2 tỷ đồng, bằng 1/20 so với chi phí ghép phổi tại Mỹ.

Sau ghép phổi, bệnh nhân phải điều trị thuốc với chi phí khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng và được bảo hiểm y tế thanh toán.

Dù được bảo hiểm y tế chi trả nhưng chi phí thực hiện một ca ghép phổi tại Việt Nam vẫn khá cao, nhất là với những người bệnh nghèo, người thu nhập thấp, đây là một trở ngại không nhỏ. Bệnh nhân Trịnh Thị Hiền trong quá trình điều trị ngoài chi phí do bảo hiểm y tế chi trả, Phòng công tác xã hội của Bệnh viện Phổi Trung ương còn kêu gọi các mạnh thường quân đóng góp, hỗ trợ bệnh nhân Hiền vượt qua bạo bệnh.

Chồng bệnh nhân ghép phổi - anh Nguyễn Minh Hạnh thay mặt gia đình đã gửi lời cảm ơn các y bác sĩ đã trao tặng cho vợ anh món quà cuộc sống.

Bệnh nhân Trịnh Thị Hiền được xe của bệnh viện đưa về với gia đình trong ngày ra viện.


Người phụ nữ được ghép phổi thành công kéo dài sự sống cần sự hỗ trợ từ cộng đồng Người phụ nữ được ghép phổi thành công kéo dài sự sống cần sự hỗ trợ từ cộng đồng

SKĐS - Chi phí ghép phổi và điều trị hậu phẫu quá lớn, lên tới 3,6 tỷ đồng, trong đó BHYT và Bệnh viện Phổi Trung ương đã hỗ trợ 1,5 tỷ. Tuy nhiên số tiền còn lại phải chi trả là gánh nặng quá lớn đè lên gia đình cặp vợ chồng đều là công nhân nghèo.


Hải Yến
Ý kiến của bạn