Ca mổ nối gân Asin cho bệnh nhân gặp tổn thương thể thao bằng kỹ thuật hiện đại lần đầu tiên được tiến hành tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội diễn ra ngày 17/4.
Theo các bác sĩ, tổn thương gân Asin khi chơi thể thao có thể ban đầu chỉ là đau và mỏi nhẹ vùng trên xương gót, nghỉ ngơi vài ngày là đỡ. Điều này khiến cho mọi người chủ quan, khi thấy đỡ đau lại chơi lại thể thao ngay không dành thời gian cho gân hồi phục. Tổn thương này thường gặp ở các đối tượng trẻ từ 25-40 tuổi, hay chơi những môn thể thao như bóng đá, tennis, cầu lông...
Trung bình mỗi ngày tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình và Y học thể thao của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thường có khoảng 20-30 bệnh nhân đến thăm khám vì các chấn thương do liên quan đến thể thao, không ít bệnh nhân trong số này đã đến thăm khám khi các tổn thương đã xảy ra trong thời gian quá lâu khiến cho việc bảo tổn khó khăn, tái tạo gân khó và phải chỉ định phẫu thuật.
TS. Đỗ Văn Minh – Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, nếu như trước đây, các tổn thương về gân Asin do chấn thương thể thao thường được phẫu thuật bằng phương pháp truyền thống với đường rạch da rộn đồng thời phải bộc lộ vào gân vết hở rộng tương đương và khâu nối bằng chỉ không tiêu.
Các phẫu thuật viên và chuyên gia nước ngoài tiến hành phẫu thuật chấn thương thể thao cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Đã vậy, mổ theo phương pháp kinh điển thì tỉ lệ nhiễm trùng cao do vết mổ dài (có thể tới 30cm), đặc biệt là có thể làm tổn thương dây thần kinh cảm giác, khiến bệnh nhân bị biến chứng tê chân; mép da dễ bị hoại tử, không liền được và những bệnh nhân có cơ địa sẹo lồi thì sẽ bị sẹo nổi cộm, to và dài phía gót chân nên đi giày sẽ bị đau. Thời gian nằm viện từ 7-14 ngày, trong khi sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải bó bột thời gian khá dài từ 6-12 tuần.
Còn theo TS Đỗ Văn Minh mổ tổn thương gót chân Asin bằng phương pháp mới mang đến nhiều ưu thế, các phẫu thuật viên chỉ rạch đường mổ nhỏ chừng 3cm theo chiều ngang, nên sau khi liền cũng không bị biến chứng dù có sẹo lồi. Do đường mổ nhỏ, nên giảm tối đa nguy cơ tổn thương dây thần kinh cảm giác, ít nhiễm trùng và thời gian nằm viện giảm chỉ còn 3-5 ngày.
“Đặc biệt, kỹ thuật này có cấu trúc gia cố bên trong miệng nối, nên bảo vệ cho miệng nối gân Asin bền vững để người bệnh có thể vận động sớm hơn. Thời gian bất động bằng bó bột ngắn và có thể vận động được sau khoảng 10 ngày”- TS. Đỗ Văn Minh cho hay.
Theo TS Minh có hai loại tổn thương gân Asin là đứt gân Asin và viêm điểm bám gân Asin. Đứt gân Asin là chấn thương cấp tính thường gặp ở những người hay chơi thể thao và hầu hết xảy ra với người trẻ. Còn viêm điểm bám gân Asin thì xảy ra với nhiều người, tuy nhiên ban đầu người bệnh thường điều trị nội khoa, thậm chí có nhiều bệnh nhân lạm dụng tiêm corticoid, đồng thời chủ quan vẫn vận động nhiều vì cho rằng tổn thương gân Asin không cần điều trị. Và, chỉ đến bệnh viện thăm khám khi đã quá muộn, gân Asin đã bị đứt.
“Do đó, việc đưa kỹ thuật mới này vào phẫu thuật sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, nhất là trong bối cảnh bệnh nhân bị đứt gân Asin và viêm điểm bám gân Asin ngày càng tăng”- TS Đỗ Văn Minh nói
Cùng với kỹ thuật này, trong ngày 17/4, các chuyên gia Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng lần đầu tiến hành phẫu thuật tạo hình dây chằng cổ chân bằng kỹ thuật mới cho một bệnh nhân.
Theo đó, các bác sĩ đã sử dụng một vật liệu nhân tạo gia cố cho dây chằng sên mác để bảo vệ trong quá trình làm, từ đó giảm thời gian bất động, giúp bệnh nhân sớm đi lại cũng như sớm quay lại với thể thao.