Nhiều lợi ích từ người bệnh khi nhận thuốc Methadone nhiều ngày
ThS.BS Võ Hải Sơn, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, tính đến hết ngày 15/6/2024, tổng cộng có 4.748 bệnh nhân được nhận thuốc Methadone nhiều ngày, tại 64 cơ sở điều trị, 86 cơ sở cấp phát thuốc trên địa bàn 06 tỉnh/thành phố (chiếm khoảng 40% tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị Methadone tại các cơ sở này).
Tất cả các cơ sở triển khai cấp phát thuốc nhiều ngày đều thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn của Đề án. Định kỳ hàng tháng, các cơ sở tiến hành đánh giá bệnh nhân hàng tháng, để tăng số liều cho người bệnh được mang về.
Hầu hết các bệnh nhân được cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày đều tuân thủ điều trị tốt, không phát hiện trường hợp để người khác uống nhầm thuốc của người bệnh mang về; không phát hiện các trường hợp người bệnh ngộ độc chất dạng thuốc phiện trong quá trình người bệnh mang về. Việc triển khai cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh, giúp giảm số lần người bệnh đến cơ sở uống thuốc, nhất là với các cơ sở y tế có nhiều người bệnh đến uống thuốc cùng lúc.
Cấp thuốc Methadone nhiều ngày mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh…
Mặt khác, việc cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày đã giúp người bệnh giảm thời gian đi lại; giảm các chi phí liên quan đến đi lại, tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận, duy trì và tuân thủ điều trị mà vẫn đảm bảo thời gian cho công việc, sinh hoạt từ đó giúp cải thiện chất lượng điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình.
Việc triển khai cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh mang về đã tạo động lực rất lớn cho các bệnh nhân tại cơ sở phấn đấu thay đổi hành vi tích cực và tuân thủ điều trị tốt để được cấp thuốc mang về.
Những khó khăn cần khắc phục để mở rộng cấp phát thuốc methadone nhiều ngày
Theo ThS.BS Võ Hải Sơn, khi triển khai Đề án này có một số thuận lợi như: Hầu hết các quốc gia trên thế giới khi triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone đều có hướng dẫn triển khai cấp phát thuốc methadone nhiều ngày.
Tổ chức Y tế thế giới cũng đã có hướng dẫn các quốc gia triển khai cấp phát thuốc methadone về nhà, do vậy Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cũng như hướng dẫn từ Tổ chức Y tế thế giới. Đề án thí điểm ở nước ta được triển khai với một hành lang pháp lý đầy đủ từ Trung ương đến địa phương, nên việc triển khai tương đối thuận lợi và an toàn tại tất cả 06 tỉnh/thành phố.
Ở địa phương 100% các tỉnh đều nhận được sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc triển khai Đề án, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành liên quan, đặc biệt sự phối hợp giữa Công an và Y tế trong việc đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở, cũng như công tác phối hợp nắm tình hình và hỗ trợ giám sát người bệnh.
Chương trình đang triển khai thí điểm, do đó nhận được sự hỗ trợ kinh phí của các tổ chức, dự án quốc tế. Vật phẩm, trang thiết bị phục vụ trực tiếp cho việc triển khai (túi đựng thuốc, lọ đựng thuốc, sổ sách của người bệnh, tờ rơi) đều được hỗ trợ và chuyển trực tiếp đến từng cơ sở điều trị.
Sự ủng hộ của người bệnh và gia đình người bệnh đã hỗ trợ sự thành công của Đề án này. Bệnh nhân coi việc cấp phát thuốc nhiều ngày như một phần thưởng cho cả quá trình phấn đấu và điều trị. Người nhà bệnh nhân phối hợp tốt trong việc giám sát bệnh nhân tuân thủ điều trị.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn cần khắc phục như:
Nhân sự công tác tại các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc đa số là cán bộ kiêm nhiệm, nên khi thực hiện thêm cấp thuốc methadone nhiều ngày, đã làm tăng khối lượng công việc của cán bộ lên đáng kể. Các công tác chuyên môn phục vụ việc cấp thuốc methadone nhiều ngày như chuẩn bị lọ, đóng nắp lọ, ghi nhãn dán… cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng vất vả đối với nhân viên bộ phận dược tại các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc.
Người bệnh tham gia điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone hầu hết là bệnh nhân nghèo, do đó việc tuân thủ điều trị còn kém, đặc biệt đối với những tỉnh đã tiến hành thu phí dịch vụ điều trị Methadone.
Việc giám sát bệnh nhân cũng gặp không ít khó khăn do khoảng cách từ cơ sở điều trị đến nhà bệnh nhân xa. Trong quá trình giám sát tại nhà đôi khi phải đi lại nhiều lần hoặc đi vào buổi tối (do bệnh nhân đi làm không có nhà), không thể giám sát được hết khi bệnh nhân mang thuốc về có tuân thủ hay không hoặc có sử dụng thuốc đúng mục đích hay không. Công tác giám sát bệnh nhân khó khăn hơn khi số lượng bệnh nhân được cấp thuốc Methadone về nhà nhiều hơn. Một số bệnh nhân lớn tuổi cho nên việc sử dụng công nghệ thông tin để giám sát còn gặp nhiều khó khăn.
Việc cấp thuốc methadone nhiều ngày đòi hỏi bệnh nhân phải có tinh thần tự giác, nghiêm túc thực hiện. Thời gian duy trì kéo dài, nhân viên y tế chỉ giám sát tại một thời điểm nhất định, không thể đảm bảo hoàn toàn bệnh nhân uống đầy đủ như bệnh nhân uống thuốc tại cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc.
Hiện nay, toàn bộ vật phẩm sử dụng cho cấp thuốc methadone nhiều ngày đều do Cục Phòng chống HIV/AIDS điều phối từ các nguồn dự án để phân bổ cho các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện. Do đó việc cung ứng vật phẩm khi hết dự án hỗ trợ và do kinh phí địa phương đảm bảo có thể sẽ làm tăng gánh nặng ngân sách của chương trình.
Tuy nhiên, việc triển khai cấp phát thuốc methadone nhiều ngày đã được đưa vào Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sẽ là hành lang pháp lý cho việc triển khai mở rộng ra toàn quốc trong thời gian tới.
Hiện tại, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang phối hợp với các đơn vị liên quan sửa đổi Hướng dẫn điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone trong đó có hướng dẫn triển khai cấp phát thuốc nhiều ngày để triển khai thực hiện.