Bệnh nhân Phan Hữu Nghiêm được chẩn đoán mắc bệnh lý Hemophilia từ nhỏ.
Năm 2003, trong một lần tắm sông, Hữu Nghiêm bị chấn thương ở vùng hông bên phải, được điều trị ở bệnh viện địa phương nhưng tình trạng không cải thiện do các bệnh viện chưa điều trị được bệnh lý này.
Đến năm 2010, Hữu Nghiêm nhập viện tại BV Chợ Rẫy với một khối máu tụ lớn ở phần hông trái.
Các bác sĩ đã hội chẩn, phương pháp phẫu thuật được cân nhắc tuy nhiên, đánh giá bệnh nhân có nguy cơ mất máu khó kiểm soát, đe doạ đến tính mạng, do đó bệnh nhân được điều trị giảm đau, xạ trị, khối u nhỏ lại.
Bệnh nhân được xuất viện. Thế nhưng, về nhà khối máu tụ ngày càng phát triển.
BS.CK2 Phạm Thanh Việt chia sẻ về sự phối hợp giữa các chuyên khoa để cứu sống bệnh nhân
Năm 2014, bệnh nhân nhập viện do khối máu tụ khổng lồ, đau nhiều, hoại tử, máu rỉ liên tục, nhiễm trùng.
Vấn đề phẫu thuật được đặt ra trở lại. Nếu không phẫu thuật bệnh nhân sẽ chết.
Các bác sĩ đã nhiều lần hội chẩn, đánh giá tổng trạng của bệnh nhân.
Phương án phẫu thuật được đưa ra, tuy nhiên trước khi phẫu thuật bệnh nhân được chăm sóc nâng cao thể trạng, đồng thời các khó khăn về chi phí và thuốc cầm máu, phương pháp xử trí đã được các bác sĩ vạch ra, tìm phương hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Với sự phối hợp 3 chuyên khoa và sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước mổ về thuốc chống đông máu (yếu tố VIII) các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật xử lý khối máu tụ nặng tới 2,5 kg, là dạng máu tụ gây hủy xương cột sống, hủy xương chậu của người bệnh.
Sau phẫu thuật, dù khối máu đã được xử trí nhưng để lại lỗ khuyết hổng rất lớn bên hông trái, chảy dịch và máu liên tục không có cách nào để che phủ vết thương.
Nhiều năm liền, bệnh nhân liên tục phải chịu đựng tình trạng chảy máu, nhiễm trùng vết thương, tính mạng bị đe dọa.
Trong quá trình đó, bệnh nhân đã trải qua 26 cuộc phẫu thuật.
Mặc dù thành công giữ được tính mạng nhưng cuộc sống trở nên bi quan dù bác sĩ thực hiện nhiều phương pháp như ghép da, che phủ vết thương nhưng đều thất bại.
Bệnh nhân rơi vào tuyệt vọng sau nhiều năm nằm viện đã có lần muốn kết thúc sự sống.
TS.BS Ngô Đức Hiệp - Trưởng khoa Phỏng và Phẫu thuật Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Chúng tôi đã nỗ lực tìm tòi các giải pháp và quyết định tiến hành chăm sóc vết thương cho bệnh nhân bằng kỹ thuật VAC hút dịch từ vết thương của người bệnh với áp lực âm liên tục giúp vết thương của người bệnh không chảy máu.
Tuy nhiên, kỹ thuật này sử dụng áp lực từ 75 – 120 milimet thuỷ ngân và chống chỉ định với những bệnh nhân chảy máu, trong khi đó bệnh nhân thiếu yếu tố VIII, khả năng không kiểm soát được cầm máu.
Sau thời gian dài tìm tòi, chúng tôi đã mạnh dạn quyết định vẫn sử dụng phương pháp nhưng điều chỉnh áp lực dưới 75 milimet thuỷ ngân.
Sự điều chỉnh này chưa được sử dụng ở bất cứ ca bệnh nào trước đó.
Bên cạnh đó, bệnh nhân được điều trị kết hợp với dung dịch kháng biofilm và sử dụng gạc hút dịch, điều trị tâm lý cho bệnh nhân và người nhà. Kết quả, vết thương của bệnh nhân đã khô, không còn đe doạ đến tính mạng, như một kỳ tích.
Bệnh nhân Hữu Nghiêm được cứu sống nhu một kỳ tích
BS.CKII Phạm Thanh Việt – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Chợ Rẫy nhấn mạnh: Để kết quả điều trị được như hiện nay là nhờ nhiều yếu tố: Sự đoàn kết phối hợp giữa các chuyên khoa; các bác sĩ cần mẫn tìm tòi các biện pháp đặc biệt cứu chữa cho các bệnh nhân đặc biệt.
Bệnh viện chăm lo đời sống cho người bệnh, hính sách BHXH mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.
Sự phối hợp giữa cơ quan BHXH và bệnh viện giải quyết quyền lợi kịp thời cho người bệnh.
Bệnh nhân Hữu Nghiêm có hoàn cảnh khó khăn, thời gian đầu nhập viện, bệnh nhân không có BHYT, được Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ mua thẻ BHYT hộ gia đình, BHYT thanh toán 80%, 20% còn lại cũng quá lớn đối với gia đình anh.
Về sau, với nhiều nỗ lực của Bệnh viện Chợ Rẫy và hỗ trợ từ BHXH TP.HCM bệnh nhân được chuyển sang chế độ BHYT dạng bảo trợ, thanh toán 100% viện phí.
Cho đến nay, tổng kết toàn bộ quá trình điều trị của bệnh nhân từ trước đến nay chi phí đã lên tới 40,8 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm y tế chi trả 38,3 tỷ đồng số còn lại là tiền gia đình đóng viện phí và mạnh thường quân giúp đỡ.
Theo bà Đỗ Thu Hà - Trưởng phòng Giám định BHXH TP.HCM, đây là bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả với số tiền lớn nhất từ trước đến nay, điều đó cho thấy tính ưu việt của bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi tối đa cho bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, chi phí điều trị quá lớn, vượt quá khả năng chi trả của người bệnh.