Chiều ngày 6/4, có mặt tại BV Nhi TW, ghi nhận của phóng viên báo SK&ĐS cho thấy BV đã quá tải đến mức, do máy móc sử dụng hết công suất nên các bác sĩ đã phải bóp bóng ôxy bằng tay cho các bệnh nhi. Trước đó, ngày 4/4 lãnh đạo BV Nhi TW đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo Sở Y tế một số địa phương và BV sản nhi vệ tinh của BV Nhi TW để giải quyết tình trạng này.
Chúng tôi đã làm hết cách... nhưng vẫn quá tải
2 tháng trở lại đây, BV Nhi TW luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng, đặc biệt là bệnh nhân nội trú, trung bình khoảng 1.400 ca, nay đã tăng vọt lên đến 1.700 ca. “Tình trạng quá tải trầm trọng, vượt trên 30%. Trong đó, số bệnh nhân nặng cần thở máy từ 100 - 120 ca; bệnh nhân cần thở ôxy từ 200 - 250 ca. Số bệnh nhân sởi 203 ca; bệnh nhân viêm phổi 200 ca. Lượng bệnh nhân tăng trong khi nhân lực, máy móc, trang thiết bị vẫn chỉ có vậy khiến công tác điều trị gặp rất nhiều khó khăn bởi thiếu máy thở, thiếu các phương tiện hỗ trợ điều trị...”, PGS.TS. Lê Thanh Hải - Giám đốc BV Nhi TW than thở.
Tại Khoa Hô hấp, tình trạng bệnh nhi nằm ghép rất phổ biến. GS.TS. Đào Minh Tuấn - Trưởng Khoa Hô hấp cho biết, cả khoa có 14 bác sĩ, 36 điều dưỡng mà phải điều trị cho trên 200 bệnh nhân. Trong số này, có đến 118 bệnh nhân phải thở ôxy. “Nếu tính trung bình, mỗi bác sĩ đang phải điều trị cho 21 bệnh nhân, trong đó trên 50% bệnh nhân phải thở máy. Mỗi tua trực 15 điều dưỡng phải chăm sóc cho trên 200 bệnh nhân. Đa số bệnh nhân phải nằm từ 3 - 4 người/1giường bệnh và đều phải thở ôxy. 4 bệnh nhi không chỉ chung nhau một giường bệnh mà đến 1 ổ ôxy phải chia cho 4 bệnh nhi”, TS. Tuấn cho biết. Tại các khoa khác như: Sơ sinh, Truyền nhiễm, tình trạng quá tải cũng đang ở mức quá nóng. Như tại Khoa Truyền nhiễm có đến 203 bệnh nhân có biến chứng do sởi phải nhập viện điều trị nên máy thở, máy tiêm truyền cũng phải xoay vòng hết công suất.
Trao đổi với phóng viên báo SK&ĐS bên lề cuộc họp, TS. Trần Minh Điển - Phó Giám đốc BV Nhi TW cho biết, thời gian qua, BV Nhi TW đã huy động đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, tích cực tăng ca, tăng giờ làm việc, điều chuyển nhân lực từ khu vực có ít bệnh nhân đến khu vực nhiều bệnh nhân. Từ học viên đi học, học viên sau đại học đều tham gia hỗ trợ, chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt trong các ca trực ban đêm. BV cũng giảm bớt các buồng bệnh hành chính, kê thêm giường để chuyển thành buồng bệnh cho bệnh nhân nằm. Ngay cả trang thiết bị cho các bệnh nhân nặng không đủ, bệnh viện đã phải “đi vay” ở các đơn vị khác như máy thở, monitor, máy chụp Xquang di động, máy truyền dịch... Quy trình thăm khám bệnh nhân của các bác sĩ, trưởng khoa cũng được thay đổi để bảo đảm cho việc thăm khám bệnh nhân hiệu quả hơn. Tuy nhiên, những giải pháp đó vẫn không thể hạ nhiệt tình trạng quá tải tại BV Nhi TW.
Siết chặt chuyển tuyến
Trước tình trạng BV quá tải trầm trọng, PGS.TS. Lê Thanh Hải đã đề nghị Bộ Y tế có văn bản yêu cầu các BV chấn chỉnh công tác chuyển bệnh nhân, quy định về vượt tuyến KCB bởi tại BV Nhi TW có lượng không nhỏ bệnh nhân từ các địa phương tự ý vượt tuyến trong khi tình trạng bệnh không nặng nề, chỉ là viêm đường hô hấp, viêm phổi thông thường.
Về vấn đề chuyển tuyến, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, người bệnh có toàn quyền quyết định cơ sở y tế điều trị. Tuy nhiên, Bộ Y tế đang xây dựng một thông tư về chuyển tuyến, nêu rõ bệnh nhân hoàn toàn được lựa chọn cơ sở điều trị, được yêu cầu chuyển tuyến nhưng khi chuyển lên tuyến trên, nếu được xác định là bệnh nhẹ và yêu cầu chuyển lại về tuyến dưới vẫn phải thực hiện. Tuy nhiên, cũng chính ông Khoa thừa nhận, trước áp lực xã hội hiện nay, rất khó khăn để thực hiện quy định này.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, nếu như bác sĩ không cho chuyển viện trong khi người nhà vẫn muốn chuyển mà chẳng may xảy ra việc gì thì rất rắc rối. Vì vậy, Bộ Y tế đã ra các văn bản liên quan đến việc chuyển tuyến, tuy nhiên, trong thực hành lâm sàng, bác sĩ cũng phải mềm dẻo và quan trọng nhất là phải tư vấn cho người nhà bệnh nhân tốt để họ hiểu và tin tưởng y tế tuyến dưới. Theo PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến, với nhóm bệnh nhân tự vượt tuyến cũng có thể giảm được, đó là phải dựa vào truyền thông để gia đình bệnh nhân biết được tình trạng quá tải trầm trọng của tuyến Trung ương, giúp họ cân nhắc khi quyết định đưa con em mình khi KCB vượt tuyến vì với những bệnh lý thông thường, lên tuyến TW chưa chắc hiệu quả KCB đã cao hơn mà lại có nguy cơ lây nhiễm bệnh vì quá tải.
Trước thực trạng được lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội chỉ có 8 máy thở của 4 BV trong số 24 BV trên địa bàn thành phố hiện có chuyên khoa Nhi và cũng thường xuyên trong tình trạng quá tải nên khó có thể “chia lửa quá tải” với BV Nhi TW, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đề nghị lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội phải cấp kinh phí mua cấp tốc thêm máy thở; đồng thời các BV như Xanh-pôn, Thanh Nhàn... sẵn sàng phối hợp điều trị với BV Nhi TW để giảm quá tải.
Thái Bình
PGS.TS. Lê Thanh Hải - Giám đốc BV Nhi TW cho biết: Trong điều kiện BV quá tải trầm trọng như hiện nay, trang thiết bị cũng phải dùng chung, y, bác sĩ cũng thăm khám, chăm sóc cho bệnh nhân quá công suất... Thực tế này khiến cho việc thăm khám, chăm sóc bệnh nhân phải san sẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là đã xuất hiện tình trạng lây nhiễm chéo bệnh trong bệnh viện. “Đã có trường hợp một số bệnh nhân chỉ bị những bệnh nhẹ, thông thường về hô hấp, viêm họng nhưng khi vào viện phải nằm chung giường, trong môi trường chật chội... đã bị mắc các bệnh nặng hơn do lây nhiễm chéo từ bệnh nhân khác”- BS. Hải cảnh báo.
Đồng thời, BS. Hải cũng lưu ý, khi tuyến dưới chuyển bệnh nhân lên tuyến trên phải ổn định bệnh nhân, đồng thời cần liên hệ trước khi chuyển viện và giao bệnh nhân tốt. Có những trường hợp chữa được ở tuyến dưới nhưng vẫn chuyển lên tuyến trên. Hoặc có trường hợp bệnh nhân tuyến dưới được đưa đến cổng BV tuyến trên mới liên hệ trong khi ở tuyến trên quá tải không còn chỗ nằm, vận chuyển không an toàn, bệnh nhân được chuyển đến đã ngừng thở, ngừng tim...