Bệnh nhân đái tháo đường suýt nhiễm trùng huyết do dùng thuốc trôi nổi

27-11-2020 09:14 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS - Nhiễm trùng là một biến chứng thường gặp, gây tình trạng nhiễm khuẩn từ nhẹ tới nặng ở bệnh nhân mắc đái tháo đường (ĐTĐ). Việc điều trị nhiễm trùng cho người bệnh ĐTĐ cũng phức tạp hơn so với người bình thường. Do đó, nếu bệnh không được phát hiện sớm, điều trị đúng... có nguy cơ diễn biến nặng ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người bệnh, như trường hợp trong bài viết này.

Dùng thuốc trôi nổi, bệnh nặng hơn và chi phí điều trị tốn kém

Bệnh viện Nội tiết TW mới đây tiếp nhận ca bệnh Đ.T.Đ (54 tuổi, Gia Lâm - Hà Nội), trong tình trạng loét thành bụng do đắp thuốc lá, nguy cơ nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân mắc ĐTĐ đã 12 năm.

Trước khi nhập viện vài tuần, bệnh nhân bị ngứa vùng bụng bên phải, gãi thấy nhói buốt.

Sau đó, tại chỗ đó xuất hiện nốt mụn nhỏ, kích thước bằng hạt đỗ xanh. Nốt mụn đó nhanh chóng phát triển to bằng hạt ngô, rồi hạt nhãn.

Lo lắng với nốt mụn đó, bà được nghe lời giới thiệu đã lặn lội tìm gặp thầy lang ở Bắc Giang.

Tại đây, bà Đ. được thầy lang chẩn đoán tắc tĩnh mạch. Thầy lang chỉ định cho bà Đ. là: rửa tổn thương bằng betadine và bôi thuốc bột, xoa bóp thuốc nước (không rõ cả 2 loại là thuốc gì).

Cứ thế, bà Đ. tuân thủ theo lời thầy lang. Sau vài ngày, nốt mụn vỡ ra và có vẻ khô trên bề mặt, nhưng bà lại thấy vùng bụng cứng lên, cơn đau nhức nhối ngày càng tăng. Đến khi đau đớn không chịu nổi, bà Đ. mới đến Bệnh viện Nội tiết TW để khám.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ổ ápxe thành bụng đã vỡ tạo thành vết loét lớn, kích thước 8cm×8cm, đe dọa nhiễm trùng huyết, có thể ảnh hưởng tính mạng.

Các bác sĩ Khoa Điều trị tích cực đã điều trị tích cực cho bệnh nhân trong 2 tuần, thực hiện ổn định đường huyết, chích rạch, tháo mủ ổ ápxe,  loại bỏ hoại tử và kết hợp kháng sinh liều cao. Đến nay, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.

Bác sĩ điều trị cho biết, quá trình này không những gây tổn thất cho bệnh nhân về phương diện tinh thần, gây ra nhiều đau đớn, lo lắng mà còn tốn kém (chi phí cho ca điều trị lên tới khoảng 50 triệu đồng). Trong khi đó, nếu ngay từ đầu, bệnh nhân đến khám ở cơ sở y tế chuyên khoa về nội tiết thì sẽ được điều trị sớm và đúng cách, nốt mủ nhỏ sẽ nhanh chóng lành bệnh.

Bệnh nhân đái tháo đường suýt nhiễm trùng huyết do dùng thuốc trôi nổiTừ nốt mụn nhỏ, sau vài ngày đắp thuốc không rõ nguồn gốc đã biến chứng thành vùng hoại tử lớn ở thành bụng.

Nhiễm trùng ở bệnh nhân ĐTĐ thường diễn biến phức tạp

Trong những năm qua, tại Bệnh viện Nội tiết TW cũng như các khoa nội tiết của các BVĐK trên toàn quốc, hằng năm vẫn phải cấp cứu, điều trị nhiều ca bệnh biến chứng nhiễm trùng rất phức tạp.

Các bác sĩ cho biết: Khi nồng độ đường trong máu cao, giúp cho vi khuẩn phát triển thuận lợi, chính vì vậy người mắc ĐTĐ rất dễ bị nhiễm trùng và diễn biến kéo dài hơn. Thậm chí, chỉ với các vết trầy xước nhỏ, cũng dễ bị vi khuẩn tấn công.

BS.Tôn Thất Kha, Trưởng khoa Điều trị tích cực - Bệnh viện Nội tiết TW cảnh báo: “Bệnh cảnh nhiễm trùng ở bệnh nhân ĐTĐ rất phức tạp và nguy hiểm mặc dù ban đầu trông có vẻ nhẹ. Vì thế, bệnh nhân ĐTĐ khi có bất kỳ nhiễm trùng nào dù nhẹ đều nên đến khám ở chuyên khoa nội tiết của các bệnh viện, giảm thiểu chi phí điều trị và tránh những biến chứng đáng tiếc”.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi bệnh nhân ĐTĐ mà mắc kèm theo bệnh khác nữa, thì điều cần ghi nhớ là phải mang theo các xét nghiệm mới nhất, đơn thuốc đang dùng và thông báo cho bác sĩ biết về tình trạng bệnh mình đang mắc phải, để bác sĩ cân nhắc khi kê đơn, tránh tương tác bất lợi cho người bệnh.

Trong quá trình điều trị, nếu xảy ra bất thường (xuất hiện thêm các triệu chứng mới hoặc không kiểm soát được đường huyết...), cần thông báo ngay cho bác sĩ biết để có phương pháp xử lý thích hợp, kịp thời. Đặc biệt là bệnh nhân không nên nghe theo lời  giới thiệu “ở đâu đó có thầy lang giỏi, bài thuốc hay”... mà tìm đến điều trị, lấy thuốc, sẽ nguy hiểm khi bệnh diễn tiến nặng hơn.

 


Thu Hà
Ý kiến của bạn