Hà Nội

Bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm tra đường máu thường xuyên

01-05-2014 18:41 | Thời sự
google news

SKĐS - Muốn điều trị thành công bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), khống chế đường huyết (ĐH) ở mức bình thường, bạn cần đạt được sự cân bằng giữa lượng thức ăn hàng ngày và mức độ hoạt động thể lực với các loại thuốc điều trị bệnh ĐTĐ.

Muốn điều trị thành công bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), khống chế đường huyết (ĐH) ở mức bình thường, bạn cần đạt được sự cân bằng giữa lượng thức ăn hàng ngày và mức độ hoạt động thể lực với các loại thuốc điều trị bệnh ĐTĐ. Muốn biết mức ĐH có ổn định hay không, cách tốt nhất là đo ĐH hàng ngày.

Kiểm tra đường huyết cho bệnh nhân. Ảnh: Trần Minh

Kiểm tra đường huyết cho bệnh nhân. Ảnh: Trần Minh

Vì sao phải kiểm tra ĐH?

ĐH được giữ trong giới hạn bình thường sẽ hạn chế sự xuất hiện các biến chứng của bệnh ĐTĐ. Trong thực tế có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự cân bằng này và việc khống chế ĐH trong mức lý tưởng là khá khó khăn và có thể cần được điều chỉnh liên tục bằng chế độ ăn, thuốc... Muốn vậy, người bệnh cần được kiểm tra thường xuyên. Việc kiểm tra ĐH thường xuyên giúp:

- Cung cấp cho người bệnh những thông tin chính xác về bệnh ĐTĐ của họ.

- Hiểu biết rõ hơn mối tương quan giữa nồng độ ĐH và hoạt động thể lực, bài tập thể dục thể thao bạn đang thực hiện, với những loại thức ăn bạn đang ăn hoặc với các yếu tố khác như lối sống, đi du lịch, stress, hoặc khi bạn bị mắc một số bệnh khác.

- Cho biết lối sống mà bạn lựa chọn, các thuốc mà bạn đang dùng có hiệu quả đến mức nào tới điều trị bệnh ĐTĐ.

- Phát hiện ngay các trường hợp khi ĐH của bạn quá cao hoặc quá thấp (hạ ĐH), giúp bạn đưa ra những quyết định quan trọng như cần phải ăn thêm trước khi tập thể dục thể thao, điều trị kịp thời hạ ĐH hoặc phải thông báo cho bác sĩ điều trị ngay lập tức.

- Cho biết khi nào cần phải xin ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về cách điều chỉnh liều lượng thuốc insulin, thuốc viên hạ ĐH, chế độ ăn... khi không kiểm soát được ĐH trong thời gian khá dài.

Người bệnh có thể tự thử ĐH tại nhà

Theo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Hiệp hội ĐTĐ Mỹ, người bệnh ĐTĐ nên có máy thử ĐH riêng để có thể tự kiểm tra ĐH thường xuyên tại nhà. Đi kèm theo máy thử là một bút bấm, kim bấm máu và các que thử. Dùng bút bấm kim vào đầu ngón tay, sau đó nặn lấy một giọt máu để nhỏ lên que thử. Thông thường máy sẽ báo kết quả sau 5 - 20 giây. Kết quả có thể biểu thị bằng mmol/l hoặc mg/dl. Khi mới bắt đầu điều trị nên thử 2 - 4 lần mỗi ngày, thường là trước ăn sáng (được coi là lúc đói), trước ăn trưa, trước ăn tối và trước khi đi ngủ. Đôi khi sẽ phải thử thường xuyên hơn như sau ăn 2 giờ hoặc nửa đêm, đặc biệt trong những ngày mới thay đổi thuốc hoặc bị ốm hoặc khi có biểu hiện hạ ĐH hay tăng ĐH. Tuy nhiên khi ĐH của bạn đã ổn định thì bạn có thể thử thưa hơn, ví dụ 1 - 2 lần/tuần. Phải làm gì khi kết quả thử ĐH có vẻ không chính xác? Nếu nghi ngờ kết quả ĐH không chính xác hoặc khi thấy ĐH cao hoặc thấp bất thường mà bạn không thấy có biểu hiện gì đặc biệt thì hãy:

- Kiểm tra xem giấy thử đã bị quá hạn chưa?

- Giấy thử có phù hợp với máy không hoặc đã chỉnh máy theo cốt (code) của hộp giấy mới chưa?

- Lấy máu có đủ không?

- Đút giấy thử vào máy có đúng cách không?

- Giấy thử tuy còn hạn nhưng có thể bị ảnh hưởng bởi khí hậu, nhiệt độ, ánh sáng... Với 1 hộp giấy sau khi mở thì chỉ nên sử dụng trong vòng 3 tháng.

- Kiểm tra ngón tay lúc lấy máu đã khô chưa, có còn dính cồn không?

- Máy thử có sạch không, có bị rơi hay va đập gì không?

- Kiểm tra pin của máy. Cũng giống như thử máu tĩnh mạch, kết quả 2 lần thử liền nhau (có khi với cùng giọt máu) có thể cho kết quả khác nhau nhưng không được vượt quá 2mmol/l. Có một khuyến cáo là nếu nghi ngờ thì bạn nên thử lại ngay bằng 1 que thử mới và chú ý làm đúng như hướng dẫn. Nếu bạn vẫn nghi ngờ kết quả thì có thể liên hệ với văn phòng của hãng sản xuất, phân phối máy tại Việt Nam để được kiểm tra hoặc hướng dẫn kiểm tra. Kiểm tra ĐH hàng ngày hoặc hàng tuần kết hợp với xét nghiệm HbA1C mỗi 3 - 4 tháng là 2 biện pháp quan trọng và cần thiết nhất giúp người bệnh ĐTĐ điều chỉnh và kiểm soát tốt ĐH, ngăn ngừa các biến chứng của bệnh. Tốt nhất là người bệnh có thể tự thử ĐH tại nhà bằng máy đo ĐH cá nhân và biết cách tự điều chỉnh hoặc có sự trợ giúp của thầy thuốc để đạt kết quả như mong muốn.

Dự án mục tiêu Quốc gia Phòng chống ĐTĐ

 

 


Ý kiến của bạn