Vừa qua, Khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Hữu Nghị vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ 78 tuổi nhập viện trong tình trạng mắc cúm A nặng phổi tổn thương 50%.
BSCKI Nguyễn Thị Thủy (Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Hữu Nghị) cho biết, qua khai thác thông tin bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh lý nền như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, xơ vữa động mạch, viêm phổi kẽ nhiều năm. 3 tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng ho, đau ngực, khó thở… Khi các triệu chứng ngày càng tăng dần, bệnh nhân đã tự điều trị tại nhà nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm nên nhập viện.
BSCKI Nguyễn Thị Thủy thông tin về ca bệnh và đưa ra khuyến cáo cho người dân về dịch cúm A.
Sau khi chuyển viện nhiều lần, bệnh nhân phải thở oxy cao dòng, tình trạng hô hấp nặng. Khi đến thăm khám tại khoa Bệnh Nhiệt đới, hình ảnh phim chụp cho thấy viêm phổi của bệnh nhân đã tổn thương lan tỏa 2 bên. Bệnh nhân xét nghiệm dương tính với cúm A, có tình trạng nấm phổi kèm theo vi khuẩn đa kháng. Ngay lập tức các bác sĩ tại Khoa Bệnh Nhiệt đới đã điều trị tích cực bằng kháng sinh và cho bệnh nhân thở oxy, theo dõi sát tình trạng bệnh. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân không sốt, tình trạng bệnh đã đỡ khó thở và ho giảm, thi thoảng có thể cai thở oxy trong một thời gian ngắn.
Anh D (người nhà bệnh nhân) chia sẻ, thời điểm trước Tết bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu ho rất nhiều, tối không ngủ được. Tuy nhiên do thời điểm sát Tết, gia đình kinh doanh thực phẩm nên bận rộn không đến viện thăm khám, chỉ khi bệnh nhân trở nặng lúc này mới nhập viện điều trị.
Tiên lượng về tình trạng của bệnh nhân, BSCKI Nguyễn Thị Thủy cho biết bệnh nhân có tổn thương phổi rộng, mặc dù đã được điều trị tích cực nhưng vẫn cần theo dõi sát để có những xử trí kịp thời.
Cúm A có nguy hiểm không?
Thông tin thêm về dịch cúm A hiện nay, BSCKI Nguyễn Thị Thủy cho biết hiện tại là mùa đông xuân cũng là thời điểm xuất hiện các dịch bệnh về hô hấp trong đó có cúm A. Dịch cúm A năm nay có khá nhiều bệnh nhân bị biến chứng và thường gặp nhất là biến chứng viêm phổi.
Cúm A có lây không? Cúm A là một bệnh lý có thể dễ dàng lây từ người này sang người khác. Khi bị mắc cúm A người bệnh không nên quá lo lắng nhưng cũng không được chủ quan và cần có cách xử trí đúng. Khi đi vào vùng có dịch tễ hoặc tiếp xúc với người có mắc bệnh và nghi ngờ mắc cúm A, bạn cần đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, tư vấn. Người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà và chỉ đến viện khi bệnh trở nặng vì có thể bỏ lỡ thời gian tốt nhất để điều trị. Bởi vì với cúm A, việc phát hiện và điều trị sớm vô cùng quan trọng có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nặng về sau cho bệnh nhân.
Cúm A thường sẽ có những biến chứng trong đó thường gặp nhất là biến chứng về viêm phổi, ngoài ra còn biến chứng về viêm cơ tim hoặc biến chứng về thần kinh. Những biến chứng này thường xảy ra ở những đối tượng có nguy cơ cao như:
- Bệnh nhân người cao tuổi (trên 65 tuổi)
- Trẻ em
- Phụ nữ có thai
- Người suy giảm miễn dịch
- Người có bệnh lý nền…
Những ca cúm A trở nặng trong thời gian gần đây thường do người bệnh chủ quan và nhập viện muộn, thường khi có các triệu chứng nặng người bệnh mới đến viện để thăm khám. Vì vậy với các bệnh nhân trong nhóm nguy cơ ngay khi có những dấu hiệu nghi ngờ cần đến bệnh viện thăm khám sớm hoặc có thể điều trị tại viện nếu có điều kiện.
Cúm A ban đầu vẫn phải thăm khám tại cơ sở y tế để các bác sĩ chuyên khoa có thể phân loại và đưa ra các chỉ định kịp thời cho từng trường hợp. Ngoài ra, trong dịch cúm năm nay, tỷ lệ viêm phổi trở nặng ở người trẻ tăng cao. Do vậy, với những người trẻ tuổi khỏe mạnh, không có bệnh lý nền cũng không nên chủ quan khi có các triệu chứng cúm A dai dẳng hoặc nặng lên. Nếu có các dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám.
Xem thêm video được quan tâm:
Mắc cúm A suốt 3 tuần người đàn ông nguy kịch phổi trắng xóa phải can thiệp ECMO khẩn cấp.