Theo lời kể của gia đình, trước khi nhập viện khoảng 4 giờ, bà T. có uống thuốc, vô ý quên bóc vỏ.
Sau khi uống thuốc, bà T. đau rát vùng cổ họng nhiều, đến bệnh viện chuyên khoa khám, được xét nghiệm sàng lọc có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Do vượt khả năng chuyên môn tuyến dưới, nên bệnh nhân được chuyển tuyến đến BVĐK Trung ương Cần Thơ điều trị.
Thầy thuốc của bệnh viện thực hiện chụp X- Quang cổ thẳng nghiêng ghi nhận dị vật thực quản.
Bệnh nhân có chỉ định nội soi tiêu hóa lấy dị vật. Ê kíp do BS. Nguyễn Bảo Phước – Khoa Nội soi thực hiện.
Qua quan sát trên màn hình nội soi, phát hiện viên thuốc còn nguyên trong bao, chiếm gần như toàn bộ chu vi lòng thực quản.
Kích thước dị vật lớn hơn so với đường kính ống soi gắp. Vỉ thuốc có cạnh 2 bên sắc nhọn, nếu cố gắng gắp dị vật ra sẽ nguy cơ gây xước, rách thậm chí là thủng thực quản hoặc đứt dây thanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
Thầy thuốc đã dùng dụng cụ chuyên biệt gắp vỏ tránh tối đa việc làm cho tổn thương nặng hơn ở đường tiêu hóa trong lúc đưa dị vật ra ngoài.
Bà T. hiện đã tỉnh, tiếp xúc tốt, giảm đau cổ nhiều, không sốt, ăn uống được qua đường miệng, đang được theo dõi và điều tri tại Khoa điều trị bệnh nhân COVID-19.
Theo BSCK II Bồ Kim Phương, Trưởng Khoa Tiêu hóa BVĐK Trung ương Cần Thơ: dị vật thực quản là cấp cứu rất thường gặp, đặc biệt trong những dịp lễ Tết, do mọi người có tâm lý ăn uống nhanh để di chuyển.
Bệnh chủ yếu gặp ở người cao tuổi và trẻ lớn. Nếu phát hiện sớm xử trí kịp thời, ít gặp nguy hiểm nhưng nếu phát hiện muộn xử trí rất phức tạp, có thể nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân.
Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân bị mắc dị vật ở thực quản là thói quen ăn uống. Ăn khối thịt to, ăn những loại thịt có lẫn xương, không nhai kỹ, vừa ăn vừa nói chuyện, đùa giỡn, thói quen ngậm tăm xỉa răng sau khi ăn…
Thông thường sau khi nuốt dị vật, người bệnh có thể có các biểu hiện như nuốt khó, nuốt đau, vướng, không ăn uống được, có cảm giác vướng ở cổ, ngực, đau sau xương ức (có thể lan ra sau lưng hay lên vai).
Các biểu hiện nói trên khác nhau tùy theo hình dạng, kích thước dị vật, độ tuổi bệnh nhân, thời gian nuốt dị vật, vị trí dị vật bị vướng lại.
Sau một thời gian, người bệnh có thể bị sốt cao, chảy nước bọt, hơi thở hôi, khó thở, ho khạc ra máu, ho đàm mủ, viêm tấy vùng cổ, nôn ra máu.
Với trường hợp bệnh nhân đến khám muộn (1-2 ngày sau khi nuốt dị vật) có thể xảy ra những biến chứng như loét thực quản, xuất huyết tiêu hóa)… Nghiêm trọng hơn, những biến chứng nói trên có nguy cơ dẫn tới viêm thực quản lan tỏa, viêm quanh thực quản cổ, áp xe vùng cổ, thủng thực quản, viêm trung thất, áp xe trung thất, viêm mủ màng phổi, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, dị vật đâm thủng mạch máu lớn trong lồng ngực hoặc viêm lan tỏa làm hoại tử các mạch máu lớn dẫn đến xuất huyết nặng.
Để phòng ngừa dị vật thực quản, mọi người nên giữ các thói quen tốt như ăn chậm, nhai kỹ; hạn chế nói chuyện, đùa giỡn khi ăn; cẩn thận với các loại thịt cá chưa được lọc bỏ xương hoặc trái cây có hạt lớn, sắc nhọn; cắt nhỏ thịt.
Đối với trẻ em và người già, cần loại bỏ xương trước khi ăn, chú ý chọn thực phẩm mềm cho người già và trẻ em; chú ý bỏ vỏ bao thuốc khi uống, nhất là vỏ có cạnh sắc nhọn, dùng chỉ nha khoa thay tăm.
Trước khi uống thuốc, cần kiểm tra kỹ các loại thuốc, liều dùng, đường dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt chú ý đối với các loại thuốc cắt lẻ đã được bóc vỏ hay chưa, tránh tình trạng bị hóc dị vật như người bệnh kể trên.
Đối với những người bệnh lớn tuổi, người bệnh sa sút trí tuệ, mắt kém, cần có sự hỗ trợ từ người nhà hoặc nhân viên y tế...
Cuối cùng, người dân khi nghi có hóc dị vật, nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để xử trí càng sớm càng tốt, không nên tự ý chữa mẹo hoặc cố móc họng, cố ăn hay cố nuốt sẽ làm tình trạng phù nề, nhiễm trùng …càng nặng hơn dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng.