Nguy cơ bệnh lý tim mạch ở người mắc COVID-19
Nghiên cứu cho thấy ngay cả những người mắc COVID-19 không phải nhập viện thì cũng có nguy cơ bị bệnh lý tim mạch cao hơn những người không mắc COVID-19. Các tác động lâu dài có thể bao gồm suy tim, đột quỵ, bất thường nhịp tim, cục máu đông, bệnh mạch máu và các tổn thương tim như viêm màng ngoài tim và viêm cơ tim.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của hơn 11 triệu cựu chiến binh Mỹ trong cơ sở dữ liệu chăm sóc sức khỏe quốc gia từ Cục cựu chiến binh Mỹ, bao gồm gần 154.000 cựu chiến binh mắc COVID-19 từ tháng 3/2020 đến tháng 01/2021. Nhóm nghiên cứu đã ước tính nguy cơ đối với 20 bệnh lý tim mạch.
Kết quả cho thấy, những cựu chiến binh mắc COVID-19 một năm trước đó có nguy cơ bị tất cả 20 bệnh lý tim mạch khác nhau cao hơn đáng kể so với những người không mắc COVID-19. Nguy cơ này gia tăng theo mức độ nghiêm trọng khi mắc COVID-19, cụ thể nguy cơ cao hơn ở khoảng 17.000 cựu chiến binh phải nhập viện và 5.400 cựu chiến binh phải điều trị trong các khoa hồi sức tích cực.
Những cựu chiến binh mắc COVID-19 đối mặt với nguy cơ suy tim sau 12 tháng cao hơn 72% so với những người không mắc COVID-19. Nghiên cứu cũng cho thấy khoảng 12 người trong số 1.000 người sẽ dẫn tới bị suy tim. Nhìn chung, so với những người không mắc COVID-19, cứ 1.000 người mắc COVID-19 thì có thêm khoảng 45 người bị một trong số 20 bệnh lý tim mạch.
Tuy nhiên, thời gian nghiên cứu kết thúc trước khi vaccine phòng COVID-19 được sử dụng rộng rãi, vì vậy 99,7% số cựu chiến binh mắc COVID-19 chưa được tiêm chủng khi họ nhiễm SARS-CoV-2. Điều này cũng đồng nghĩa là nghiên cứu chưa đề cập đến việc liệu các nguy cơ lâu dài về bệnh lý tim mạch tương tự như vậy có xảy ra ở người bị lây nhiễm đột phá (mắc COVID-19 khi đã được tiêm chủng) hay không. Một nghiên cứu khác đang tiến hành để giải đáp câu hỏi này và kết quả sẽ sớm được công bố.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý, phân tích này tập trung vào nhóm dân số cựu chiến binh, có xu hướng lớn tuổi, da trắng và nam giới, cụ thể khoảng 90% bệnh nhân là nam giới, hơn 70% là người da trắng và độ tuổi trung bình là 60.
Ý kiến chuyên gia
Tiến sĩ Evelina Grayver, chuyên gia tim mạch thuộc Hệ thống y tế Northwell Health ở New York (Mỹ), người không thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết: "Đã có 20 bệnh lý tim mạch được chẩn đoán ở những bệnh nhân mắc COVID-19 kéo dài. Các biểu hiện phổ biến nhất ở bệnh nhân là khó thở và mệt mỏi. Tình trạng rối loạn nhịp tim mà nhiều bệnh nhân gặp phải có thể gây ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng cuộc sống của họ".
Ziyad Al-Aly, trưởng nhóm nghiên cứu tại Hệ thống chăm sóc sức khỏe VA St. Louis (Mỹ), cho biết: "COVID-19 có thể gây nguy cơ bệnh lý tim mạch ở mọi đối tượng, thể hiện nguy cơ gia tăng các vấn đề tim mạch ở cả người già và người trẻ, người mắc và không mắc bệnh đái tháo đường, người bị và không bị béo phì, người hút và chưa từng hút thuốc".
"Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu cơ chế COVID-19 gây ra tổn thương tim, mạch máu và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. SARS-CoV-2 có thể tấn công trực tiếp vào cơ tim trong quá trình xâm nhiễm cơ thể, gây viêm các tế bào cơ tim và mạch máu, và dẫn đến tình trạng viêm tổng thể gây sẹo cho tim và mạch máu" - Al-Aly cho biết thêm.
Các chuyên gia cho rằng, hàng triệu người sống sót sau COVID-19 ở Mỹ sẽ phải chịu hậu quả lâu dài về sức khỏe, có thể gây ra gánh nặng cho hệ thống y tế trong nhiều năm tới và làm giảm tuổi thọ của con người.
Sáng 7/3: Ca Mắc Mới Tăng Do Omicron Áp Đảo, Bộ Trưởng Bộ Y Tế Khẳng Định “Tỷ Lệ Tử Vong Giảm”| SKĐS