Hà Nội

Bệnh nhân chảy mủ toàn thân vì đắp lá chữa bệnh vảy nến

23-04-2018 10:47 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - BS. Hoàng Văn Tâm - Khoa Điều trị bệnh da nam giới, BV Da liễu Trung ương cho biết, có không ít bệnh nhân mắc các bệnh vảy nến, bạch biến nhập viện trong tình trạng nặng, da bị kích ứng nặng nề, sưng rát, toàn thân chảy mủ vì tự ý chữa bệnh theo truyền miệng bằng đắp lá, hoặc dùng thuốc bôi không rõ nguồn gốc.

Việc điều trị bằng các phương pháp không chính thống khiến cho bệnh nhân không những không khỏi mà còn để lại những biến chứng đáng tiếc. Trong khi đó, theo BS. Tâm, sử dụng liệu pháp ánh sáng (sử dụng tia tử ngoại UVB) được coi là phương pháp ưu tiên trong điều trị vảy nến, bạch biến đem lại hiệu quả tốt cho người bệnh, bệnh nhân gần như sở hữu làn da bình thường sau các liệu trình điều trị.

Ám ảnh vì làn da “cá sấu”

Bệnh nhân N.V.Q (Hà Nội) mắc bệnh vảy nến đã 15 năm nay. Anh Q. phải sống trong mặc cảm suốt một thời gian dài vì vùng da rát đỏ, ngứa, bong vảy dày, sần sùi rất khó chịu. Bệnh lan nhanh xâm chiếm hết vùng lưng khiến anh vô cùng khổ sở. Nghe theo mách bảo, anh Q. đã đi chữa trị nhiều nơi và dùng nhiều loại thuốc bôi ngoài da nhưng không khỏi. Tình cờ biết đến phương pháp điều trị mới chữa vảy nến tại BV Da liễu Trung ương, anh Q. đã tìm đến và được bác sĩ tư vấn điều trị. Kết quả thật bất ngờ, sau một thời gian chiếu tia UVB, vùng da tổn thương đã cơ bản trở lại như lúc ban đầu. Bác sĩ tư vấn anh nên tiếp tục điều trị duy trì và tránh các yếu tố nguy cơ khiến bệnh bùng phát.

Trường hợp khác, bệnh nhân L.T.T, 34 tuổi, ở Hải Dương mắc bệnh bạch biến vùng cổ, ngực. Trên da anh T. có nhiều thương tổn là những đốm da mất sắc tố, màu trắng, kích thước của các đốm thay đổi từ 1cm đến nhiều cm, chỗ trắng lẫn với màu da thường, lông ở vùng tổn thương chuyển màu trắng. Điều này khiến anh T. cảm thấy rất khó chịu và tự ti với những vết trắng loang lổ ở vùng da dễ bị nhìn thấy này.

Bác sĩ khám cho bệnh nhân vảy nến tại BV Da liễu Trung ương.

Không chỉ anh T., người em họ của anh cũng mắc bệnh tương tự và điều trị nhiều cách khác nhau nhưng bệnh không đỡ. May mắn, hai anh em tìm hiểu về việc điều trị bệnh này theo phương pháp ánh sáng. Đến nay, sau khoảng 20 lần chiếu tia UVB, các nốt trắng loang lổ gần như đã biến mất, làn da không khác gì người bình thường.

BS. Hoàng Văn Tâm – người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết, đây chỉ 2 trong số rất nhiều trường hợp mắc vảy nến và bạch biến được điều trị một cách hiệu quả tại BV Da liễu Trung ương. Trung bình mỗi ngày, BV điều trị cho khoảng 50 bệnh nhân bằng phương pháp ánh sáng, trong đó nhiều nhất là bệnh vảy nến, bạch biến, á vảy nến, viêm da cơ địa,… Đa số bệnh nhân rất hài lòng với kết quả điều trị và xóa bỏ được nỗi sợ hãi, stress trước đây.

50% bệnh nhân ổn định sau 6 tháng điều trị

Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương, tại BV Da liễu Trung ương hiện đang quản lý hơn 2000 hồ sơ bệnh nhân mắc bệnh vảy nến. Hầu hết các trường hợp vảy nến là thể nhẹ, một số trường hợp thể vừa và thể nặng cần được dùng các thuốc toàn thân trong điều trị.

Riêng đối với kiểm soát trường hợp bệnh nhân vảy nến mức độ vừa và nặng thì UVB dải hẹp đáp ứng tốt. Khoảng 80% các trường hợp được nghiên cứu là đáp ứng tốt đến rất tốt; một số trường hợp khác cần chuyển phác đồ điều trị tùy đáp ứng của bệnh nhân.

“Đây là phương pháp mới (sử dụng tia tử ngoại UVB có bước sóng 313 ± 2nm), ổn định bệnh lâu dài (so với các phương pháp trước đây là điều trị ánh sáng UV, UVA dải rộng). Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới và của bệnh viện Da liễu Trung ương chỉ ra rằng khoảng gần 50% bệnh nhân vẫn ổn định bệnh sau 6 tháng điều trị”- PGS. Doanh thông tin.

Hiệu quả thấy rõ sau 20 lần chiếu tia UVB ở bệnh nhân vảy nến.

BS. Hoàng Văn Tâm cũng cho hay, phương pháp chiếu tia UVB thường được chiếu cho bệnh nhân tuần 3 lần, cách ngày chiếu 1 lần, liệu trình khoảng 20-30 buổi. Sau đó chiếu duy trì tuần 2 lần trong 2 tuần, sau đó tuần 1 lần trong 1 tháng, rồi 2 tuần 1 lần trong 2 tháng, sau đó dừng.

“Mỗi lần chiếu như vậy chỉ khoảng 1-10 phút, ban đầu chiếu khoảng 1 phút, nếu bệnh nhân dung nạp tốt bác sĩ sẽ tăng dần liều chiếu. Bệnh nhân không phải đợi lâu và tại BV các bác sĩ phục vụ chiếu tia cho bệnh nhân từ 7 giờ tới 16h30 kể cả buổi trưa. Các bác sĩ sẽ sẽ khám, tư vấn và chỉ định liều chiếu, phương pháp chiếu”- BS. Tâm nói.

Một số bệnh nhân bày tỏ lo ngại về các tác dụng phụ của việc chiếu tia này, tuy nhiên theo BS. Tâm, các tác dụng phụ cấp tính như đỏ da (bỏng nắng) có thể gặp ở một số trường hợp song nó sẽ tự hết sau vài ngày mà không để lại sẹo. Bác sĩ sẽ thăm khám, chỉnh liều điều trị để hạn chế xảy ra bỏng nắng. Bỏng nắng thường xuất hiện 12-24 tiếng sau chiếu.

Một số trường hợp khác có thể xuất hiện triệu trứng ngứa, triệu trứng này giảm dần và mất đi ở những lần chiếu sau. Bác sĩ sẽ kê thuốc chống ngứa cho người bệnh. Hoặc nếu bệnh nhân bị thâm da thì khi dừng chiếu khoảng 1 tháng các vết thâm này sẽ hết, bệnh nhân trở về làn da bình thường.

Các tác dụng mạn tính như đục thủy tinh thể có thể khắc phục được vì khi chiếu tia bệnh nhân được trang bị kính chống tia UV nghiêm ngặt… Bệnh nhân sẽ chiếu khoảng 250 lần chiếu trong cả cuộc đời, nhiều nghiên cứu chứng minh điều này là an toàn, không gây ung thư da.

Theo PGS. Doanh, bệnh vảy nến thường xuất hiện ở tuổi ngoài 20, có thể gặp ở người lớn tuổi ngoài 50, đôi khi ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi và nếu ở tuổi này thì thường có yếu tố gia đình với biểu hiện bệnh nặng hơn, kéo dài hơn. Tỷ lệ bệnh ở nam và nữ như nhau.

Cơ chế sinh bệnh vảy nến bao gồm yếu tố gen di truyền, rối loạn yếu tố miễn dịch, và các yếu tố từ môi trường. Yếu tố di truyền, nếu bố hoặc mẹ bị bệnh thì có khoảng 8% con bị bệnh, nếu cả bố và mẹ bị bệnh thì tới 41% con mắc bệnh. Các yếu tố khác như nhiễm khuẩn, chấn thương, thuốc, thức ăn. Ngoài ra, các yếu tố có thể làm bệnh nặng hơn là các sang chấn như gãi, chà sát mạnh. Nhiễm trùng mà thường là nhiễm liên cầu. Các stress tâm lý , sử dụng thuốc corticosteroid, lithium, các thuốc chống sốt rét, interferon ... có thể làm nặng bệnh. Rượu cũng là tác nhân làm cho bệnh nặng lên.

Bệnh vảy nến không gây chết người nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đây là một bệnh mạn tính, diễn biến bệnh lâu dài, có thể khỏi một thời gian dài nhưng cũng có nhiều trường hợp tái phát liên tục. Việc điều trị cần phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh để có thể tìm ra phương pháp điều trị tối ưu, hiệu quả, ít tác dụng phụ và phù hợp với hoàn cảnh người bệnh về kinh tế, công việc và gia đình, xã hội.

Ngày nay, khoa học hiểu rõ bệnh vảy nên không đơn thuần là bệnh ngoài da mà là bệnh toàn thân, có liên quan với các bệnh lý về tim mạch, gan nhiễm mỡ không do rượu, béo phì và các bệnh lý chuyển hóa. Trên thực tế có khoảng 42% người mắc bệnh vảy nến cũng mắc bệnh viêm khớp vảy nến, gây đau đớn, xơ cứng, sưng tại các khớp và có thể dẫn đến biến dạng và mất chức năng vĩnh viễn. Nhiều người điều trị không đúng và thiếu chăm sóc.

Và khẳng định rằng: Không thể chữa khỏi hẳn bệnh vẩy nến như quảng cáo tràn lan trên mạng. Vì vậy người bệnh tuyệt đối không tin lời đổn thổi, quảng cáo chữa dứt điểm bệnh vảy nến tránh tiền mất bệnh lại nặng thêm.

Phạm Hiệp
Ý kiến của bạn