Bệnh nhân bị máu tụ ngoài màng cứng, nứt sọ được phẫu thuật thành công

20-09-2019 10:32 | Camera bệnh viện

SKĐS - Bệnh nhân được chụp CT scan đầu thấy máu tụ ngoài màng cứng vùng thái dương trái, thể tích khối máu tụ trên 30ml kèm nứt sọ thái dương trái, đẩy lệch đường giữa trên 5mm, chèn ép não thất bên bên trái.

Trước đó, sáng ngày 14/9/2019, Bệnh viện Quận 11 tiếp nhận bệnh nhân nam X.T.L, 31 tuổi, quê Long An nhập viện vì chấn thương đầu do tai nạn giao thông. Sau té bệnh nhân đau đầu nhiều, chóng mặt, buồn nôn, lơ mơ kèm đa thương vùng cẳng chân và hai tay, không tê yếu tứ chi. Bệnh nhân được người nhà đưa vào bệnh viện tại Long An, sau đó chuyển lên Bệnh viện Quận 11 - TP.HCM nhập khoa Ngoại tổng quát để được tiếp tục điều trị.

Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định được chụp CT scan đầu thấy máu tụ ngoài màng cứng vùng thái dương trái, thể tích khối máu tụ trên 30ml kèm nứt sọ thái dương trái, đẩy lệch đường giữa trên 5mm, chèn ép não thất bên bên trái.

Bệnh nhân được chỉ định can thiệp phẫu thuật lấy máu tụ sớm để giải ép, do đó ê kíp bác sĩ đơn vị Ngoại Thần Kinh gồm: BSCKI. Nguyễn Công, BS Nguyễn Thanh Nhật Tâm với sự chỉ đạo của BSCKII. Nguyễn Đình Tùng đã tiến hành mở sọ lấy máu tụ kịp thời.

Bác sĩ kiểm tra bệnh nhân sau mổ.

Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, giảm đau đầu, không co giật, không tê yếu tứ chi.

Máu tụ ngoài màng cứng là một bệnh cảnh thường gặp trong chấn thương sọ não nói chung, chủ yếu do tai nạn giao thông. Những chỉ định can thiệp phẫu thuật của máu tụ ngoài màng cứng bao gồm:  Thể tích khối máu tụ trên 30 ml bất kể GCS.

Đối với những bệnh nhân thể tích khối máu tụ dưới 30ml và đẩy lệch đường giữa dưới 5 mm, GCS trên 8 điểm mà không có dấu thần kinh khu trú có thể điều trị bảo tồn với chụp CT scan kiểm tra và theo dõi chức năng thần kinh trong một trung tâm phẫu thuật thần kinh.

Đặc biệt thời gian điều trị phẫu thuật cho những bệnh nhân máu tụ ngoài màng cứng là cực kỳ quan trọng, với những bệnh nhân bị hôn mê (GCS < 9 điểm) mà có máu tụ ngoài màng cứng cấp tính và đồng tử không đều nên được phẫu thuật càng sớm càng tốt.

Theo nghiên cứu của tác giả Bullock và cộng sự được xuất bản trên tạp chí Neurosurgery 2006, đã nhấn mạnh thời gian phẫu thuật có liên quan chặt chẽ đến kết quả phẫu thuật, cụ thể là: thời gian tính từ lúc bắt đầu đồng tử không đều đến lúc bệnh nhân được phẫu thuật. Với những bệnh nhân có GCS dưới 9 điểm kèm máu tụ ngoài màng cứng, đồng tử không đều thì thời gian can thiệp phẫu thuật tính từ lúc đồng từ thay đổi mà trễ trên 70 phút có kết quả sau mổ xấu hơn so với mổ trước 70 phút. Với những bệnh nhân đồng tử giãn và mất phản xạ ánh sáng trên 6 giờ trong nghiên cứu của họ đều tử vong.

Do đó, việc nhận biết sớm các triệu chứng và can thiệp kịp thời có vai trò cực kỳ quan trọng trong tiên lượng của bệnh nhân bị chấn thương sọ não máu tụ ngoài màng cứng.

Máu tụ dưới màng cứng có thường gặp không?

Chấn thương đầu thường nhỏ và không nghiêm trọng. Hầu hết mọi người bị chấn thương đầu nhỏ sẽ không bị máu tụ dưới màng cứng.

Tuy nhiên, một trong ba người bị chấn thương đầu nặng sẽ có máu tụ dưới màng cứng. Với những lý do nêu trên, máu tụ dưới màng cứng thường gặp hơn ở bệnh nhân lớn tuổi.

Theo các bác sĩ, chấn thương sọ não là chấn thương rất nguy hiểm, những chấn thương cấp tính như: máu tụ ngoài màng cứng, dưới màng cứng (cấp), dập não, xuất huyết não... thời gian là yếu tố quyết định đến tính mạng của bệnh nhân.

Do đó, sau tai nạn giao thông, té ngã hoặc va đập mạnh ở vùng đầu, nếu người bệnh có các dấu hiệu như: giảm tri giác sau chấn thương (lú lẫn, nói dính lưỡi hoặc có những hành vi bất thường), đau đầu ngày càng tăng, buồn nôn, co giật, phù nề tại vị trí tổn thương, yếu hoặc mất cảm giác tay chân, chảy dịch trắng trong ra mũi hoặc tai... phải khẩn cấp đến bệnh viện để được phẫu thuật kịp thời.


Nguyễn Vũ
Ý kiến của bạn